Với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc”, Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VII năm 2024 khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời qua đó tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định rằng: “Sách chính là nơi chứa đựng trí tuệ nhân loại, những vẻ đẹp văn hóa, giấc mơ đẹp đẽ của mỗi con người mà không một quyền lực nào có thể khuất phục”.
Đưa con đến hội sách
Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VII năm 2024 do Sở TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTT&DL, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức. Đây là hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024).
Chương trình giao lưu tác giả với bạn đọc, chủ đề “Trên cánh đồng chữ nghĩa quê hương”. Trong ảnh: Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (thứ hai từ phải sang) trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Theo bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT&TT, hội sách nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển thói quen đọc sách trong cộng đồng, tạo môi trường đọc sách thuận lợi; góp phần xây dựng xã hội học tập, xã hội khuyến đọc.
Đồng thời tôn vinh những người tham gia sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu trữ, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc; xây dựng, khuyến khích thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Hội sách cũng là dịp để cha mẹ tham gia đọc sách cùng con, góp phần tôn vinh văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội.
Cùng vợ và hai con 10 tuổi và 5 tuổi đến với hội sách, anh Trần Quốc Huy ở phường 9, TP Tuy Hòa chia sẻ: Những ngày diễn ra hội sách, vợ chồng tôi đưa các con đến đây tìm những quyển sách hay để mua về đọc. Hai vợ chồng thường tranh thủ thời gian rảnh đọc sách, cùng con trao đổi những kiến thức vừa giúp gia đình thêm gắn kết, vừa hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ cho con. Hai năm qua, năm nào gia đình tôi cũng đến với hội sách và luôn dành thời gian đọc sách cùng con.
Anh Huy cho biết, ở nhà vợ chồng anh đã trang bị tủ sách cho các con. Theo anh, gia đình là nơi đọc sách và kể chuyện rất hữu ích. Khi còn nhỏ, anh thường được cha mẹ, người thân kể những câu chuyện hay từ sách đã ăn sâu vào tâm trí. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn luôn dành thời gian cùng con tìm đọc và mua sách hay bổ sung vào tủ sách gia đình.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng ở phường 2, TP Tuy Hòa đưa con 10 tuổi đến hội sách nói: Đến đây để con lựa chọn sách thông qua trang bìa, nếu thích quyển nào thì mua. Tôi thấy giá cả phù hợp. Cuối tuần thay vì chơi game, lướt điện thoại, tôi khuyến khích con đọc sách cùng cha mẹ. Những cuốn sách hay về lịch sử, đời sống xã hội luôn có sức thu hút nhiều người. Được đọc sách, tiếp thu nhiều điều bổ ích giúp những đứa trẻ tránh xa điện thoại và có thêm cái nhìn phong phú hơn về cuộc sống.
Kết nối sách với trường học
Trong khuôn khổ Hội Sách tỉnh Phú Yên năm 2024, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở TT&TT, Sở GD&ĐT và Tỉnh đoàn tổ chức chương trình giao lưu tác giả với bạn đọc, chủ đề: “Trên cánh đồng chữ nghĩa quê hương”.
Nhiều bạn trẻ chọn sách tại Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VII năm 2024. Ảnh: HOÀI NAM |
Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: Trong 3 năm 2021-2023, các tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh đã xuất bản gần 20 tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng, 2 tác phẩm được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải thưởng. Đây không chỉ là niềm vui của riêng các tác giả đoạt giải, mà còn là niềm vui chung của những người sáng tác văn chương, nghiên cứu văn nghệ dân gian tỉnh nhà.
Trong buổi giao lưu tác giả với bạn đọc, nhiều học sinh, sinh viên đã đến với chương trình; các tác giả tặng sách cho những bạn trẻ có câu hỏi thú vị. Em Hoàng Trần Bảo Trân, lớp 9C Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa) cho hay: Em rất thích đọc sách về quê hương, làng xóm, ông bà, cha mẹ… chan chứa tình yêu thương.
Theo các nhà văn, nhà thơ, tham gia chương trình giao lưu tác giả với bạn đọc để lan tỏa “mỗi cuốn sách một người bạn”. Sau buổi giao lưu này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nên tổ chức kết nối sách đến các trường học bằng cách các tác giả giới thiệu và tặng sách của mình cho nhà trường, qua đó quảng bá sách đến học sinh, sinh viên, góp phần lan tỏa văn hóa đọc và truyền lửa đam mê văn chương cho thế hệ trẻ.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VI năm 2023, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Trại sáng tác Văn học thiếu nhi tại Phú Yên và có buổi giao lưu với học sinh Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa) và Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa).
Theo nhà thơ Nguyễn Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam), cùng với xã hội và cái nôi từ nền tảng gia đình, trường học cũng là nơi kết nối, phát triển văn hóa đọc. Điều này giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận với nhiều cuốn sách và phát triển kỹ năng tư duy, sáng tạo. Ngoài ra, việc xây dựng tủ sách, tặng sách cũng là một cách hiệu quả để giới thiệu sách đến các em học sinh.
Cô Trần Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ: Nhà trường luôn có các hoạt động để hình thành văn hóa đọc cho học sinh như xây dựng tủ sách trong từng lớp học để khuyến khích học sinh đọc. Theo tôi, đi cùng với gia đình và nhà trường, xã hội cần tạo điều kiện để chung tay xây dựng môi trường đọc sách thân thiện cho các em như tặng sách. Qua đó lan tỏa văn hóa đọc, góp phần tôn vinh giá trị của sách trong đời sống xã hội.
MẠNH HOÀI NAM