Khởi hành văn chương bằng thơ, ghi dấu ấn bằng những truyện ngắn đặc sắc, tái tạo năng lượng bằng cách... vẽ tranh, đó là nhà văn Nguyễn Hiệp - một cây bút tài hoa.
Thoạt nhìn, Nguyễn Hiệp có nét của một họa sĩ hơn là nhà văn. Thế nhưng bên trong dáng vẻ lãng tử, nghệ sĩ ấy là một tâm hồn rất nhạy với nỗi đau, với thân phận con người. Những gập ghềnh khúc khuỷu trên hành trình mưu sinh thời niên thiếu có lẽ đã làm Nguyễn Hiệp già dặn hơn trước cuộc đời, mang đến cho anh vốn sống mà những người bước đi êm ả khó lòng có được.
Đam mê và cẩn trọng trên từng trang viết, dễ với người nhưng khắt khe với chính mình, nhà văn Nguyễn Hiệp đã xác lập vị trí riêng. Sau 2 tập thơ Mang cả chiều đi và Trả áo về trời, những tập truyện ngắn Dưa huyết, Bông cỏgiêng, Trần gian nhìn từsau lưng, Âm thanh đổ bóng, Dựán chôn dọc… và loạt tiểu thuyết Ngã Hai, Làng người xanh, Mùi chồng, Từ thời gian khác, Vực thẳm trắng... cùng hàng chục giải thưởng văn chương đủ để “vẽ chân dung” Nguyễn Hiệp trên văn đàn.
Đau đáu với đề tài chiến tranh
Tham gia Trại sáng tác văn học lần thứ 2 trong khuôn khổ cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V, giai đoạn 2022-2025 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại TP Vũng Tàu, nhà văn Nguyễn Hiệp vui vẻ trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên.
Nhà văn Nguyễn Hiệp. Ảnh: MINH CHÂU |
* Thưa nhà văn, anh đã đoạt rất nhiều giải thưởng văn chương, trong đó không thể không nhắc đến giải nhì truyện ngắn Báo Văn Nghệ năm 2004. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với hành trình sáng tạo của anh?
- Trước đó tôi làm thơ và đã in 2 tập thơ. Năm 1998, tại hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, tôi gặp nhà văn Tô Hoài - tác giả Dế mèn phiêu lưu ký. Nhà văn Tô Hoài đọc thơ và nhận xét rằng tôi thuộc dạng hơi gai góc, làm thơ cũng được, nhưng nếu chuyển qua văn xuôi thì sẽ thành công hơn. Ông nhận ra cái tạng của tôi.
Nhà văn Tô Hoài là bậc thầy đã nói vậy, tôi lúc đó còn trẻ nên nghe ông. Tất nhiên muốn chuyển qua văn xuôi thì phải luyện, vì tôi ý thức rõ về nghề và khắt khe với chính mình. Tôi có thể dễ với những người xung quanh trong đời sống nhưng với bản thân thì rất khắt khe. Cho nên tôi chưa viết ngay mà dành thời gian luyện.
Hồi đó, tôi thân thiết với thầy trụ trì một ngôi chùa lớn. Trong chùa có tủ sách đủ các thể loại. Tôi bắt đầu luyện từ tủ sách đó cho tới cuối năm 2003 thì viết truyện ngắn đầu tiên Người đàn bà gánh tro. Hồi đó, tôi viết truyện này bằng máy đánh chữ, gõ trên giấy pơ-luya.
Viết xong, tôi gởi ra cho nhà văn Dạ Ngân, lúc bấy giờ là biên tập viên ở Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Chị Dạ Ngân là “bà đỡ” cho truyện ngắn đầu tay của tôi. Một tuần sau, truyện được đăng trên Báo Văn Nghệ. Quá mừng! Hồi đó được đăng trên Báo Văn Nghệ là “ghê” lắm. Tôi nghĩ rằng mình đã đi đúng hướng.
Chị Dạ Ngân gọi điện, nói đang có cuộc thi truyện ngắn trên Báo Văn Nghệ, chị đưa truyện này vô dự thi nhưng tôi phải viết thêm một truyện nữa cho dày dặn. Khoảng 20 ngày sau, tôi viết xong Bông cỏ giêng, gởi ra. Được đăng là mừng lắm rồi, không ngờ Bông cỏ giêng còn vô top truyện ngắn hay của năm, sau đó được trao giải nhì.
Đối với một người viết trẻ như tôi lúc đó, ngoài niềm sung sướng của một tác giả dự thi, giải thưởng của Báo Văn Nghệ giúp tôi tự tin hơn. Có một điều đặc biệt, một vinh dự nữa là nhà văn Vũ Tú Nam trao giải cho tôi.
Sau này tôi viết nhiều, dự thi nhiều, được giải cũng nhiều nhưng không “gặp lại” cảm giác lâng lâng rất đã như khi nhận giải nhì truyện ngắn của Báo Văn Nghệ.
* Anh khai thác rất nhiều đề tài, với nhiều phong cách viết khác nhau. Mảng đề tài nào mà anh đau đáu và dành nhiều tâm sức hơn cả?
- Mỗi đề tài cần có một giọng điệu phù hợp. Khi mình hướng tới một đề tài nào đó thì việc đầu tiên là phải tìm cho được giọng điệu để thể hiện đề tài.
Một trong những đề tài mà tôi đau đáu nhất, dù viết bao nhiêu vẫn cảm thấy như mình còn mắc nợ là đề tài chiến tranh. Trước giải phóng, nhà tôi ở Hàm Tân, trong vùng “xôi đậu”, ta và địch xen kẽ. Sống tại một điểm nóng trong chiến tranh, tôi chứng kiến những đám tang cùng một ngày, cùng lúc tiễn đưa nhiều người.
Hình ảnh đó hằn trong tâm trí tôi từ nhỏ, tạo ra một góc ký ức đặc biệt. Bởi vậy khi viết về chiến tranh, lúc nào tôi cũng cảm thấy chưa trả nợ hết cho những đau đớn, mất mát của quê hương mình. Tôi viết nhiều nhất, cảm xúc nhất vẫn là đề tài chiến tranh.
Nhà văn Nguyễn Hiệp phát biểu khi nhận giải tại Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng chiến sĩ cảnh sát nhân dân. Nguồn: CAND |
“Khoan” bất kỳ nơi nào cũng gặp “mỏ quặng”
* Vậy đề tài về lực lượng vũ trang thì sao, đặc biệt là viết về công an nhân dân?
- Tôi nghĩ rằng nếu “khoan” bất kỳ chỗ nào của đời sống đều gặp những “mỏ quặng” rất lớn, rất quý. Điều quan trọng là những người cầm bút có tâm huyết hay không, có chịu khó khoan tìm hay không.
Và trong vô vàn vẻ đẹp của đời sống có vẻ đẹp từ những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an nhân dân. Vấn đề là tâm của mình có hướng tới điều đó và mình có tập trung cho đề tài này hay không. Viết về công an nhân dân, tôi thích khai thác ở góc độ con người hơn là những chiến công, những lần phá án.
* Anh khởi hành trên con đường văn chương bằng thơ, ghi dấu ấn bằng truyện ngắn. Vậy còn hội họa đứng ở đâu và mang đến cho anh điều gì?
- Trong một ngày làm việc, tôi không chỉ dành thời gian cho văn chương mà còn phải quan tâm đến “cần câu cơm”. Tôi viết khá nhiều, cộng tác với các báo, đài. Tôi phải sắp xếp thời gian hợp lý, xong “phần cứng” thì đến phần sáng tạo. Ban đầu tôi chờ cảm xúc.
Sau này, tôi huy động cảm xúc. Chữ gọi chữ. Ý gọi ý. Truyện gọi truyện. Tôi làm việc đều đặn, đầy đam mê từ ngày này qua ngày khác. Nếu không có quãng lặng, quãng nghỉ thì nơ ron thần kinh sẽ hao hụt rất nhanh, cho nên tôi quay lại với công việc từng giúp mình kiếm cơm, đó là vẽ.
Hồi học cấp 3, tôi vẽ trên mành trúc cho một HTX tiểu thủ công nghiệp để nuôi sống mình. Khi tôi vừa quay lại với cây cọ thì nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, lúc đó chưa trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khích lệ tôi. Chừng 1 tháng sau khi chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội, anh Nguyễn Quang Thiều gởi cho tôi thùng sơn dầu to, bay - cọ các loại. Tôi quyết tâm vẽ lại.
Anh Nguyễn Quang Thiều chính là người động viên tôi quay lại với hội họa. Sau khi vẽ được chừng 10 bức tranh, còn rất là “non”, tôi đi trại sáng tác văn học - mỹ thuật và gặp nhà điêu khắc - họa sĩ Phạm Văn Hạng. Thấy tôi cặm cụi vẽ tranh, thầy nhận làm học trò luôn.
Khi trại kết thúc, tôi tiến bộ. Vẽ xong, tôi gởi tranh tham gia triển lãm. Tranh được duyệt, vô triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau đó, tôi gặp họa sĩ Ca Lê Thắng và được ông nhận làm học trò, giúp nâng cao kỹ năng. Tôi cảm ơn cơ duyên của trời của đất, của con người đã dẫn lối qua những chặng đường.
Tới giờ này, tôi hiểu chữ “duyên”. Nó hơn cả điều kiện “cần” và “đủ”. Nhờ chữ “duyên” đó mà tôi mới tự tin trở thành người cầm bút như ngày hôm nay.
* Xin cảm ơn anh!
Nhà văn Nguyễn Hiệp sinh 1964 tại Hàm Tân, Bình Thuận, từng là giáo viên Tin học hợp đồng với một trường dạy nghề, hiện là Phó ban phụ trách Liên chi hội Nhà văn Việt Nam tại miền Đông Nam Bộ, Chi hội trưởng lâm thời Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bình Thuận, Phân hội trưởng Phân hội Văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận.
Nhà văn Nguyễn Hiệp đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương, gần đây là giải nhất truyện ngắn trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng chiến sĩ cảnh sát nhân dân nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2022), giải B (không có giải A) thể loại truyện ngắn cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 4 do Bộ Công an phát động, giải A truyện ngắn Trại sáng tác về hình tượng người chiến sĩ cảnh sát cơ động, quả đấm thép bảo vệ bình yên cuộc sống 2023-2024... |
YÊN LAN (thực hiện)