Gia đình tôi đón chào năm mới với một cách thức đặc biệt trong suốt mấy mươi năm. Không mâm cao cỗ đầy vì ba tôi chỉ là một thầy giáo bình thường, gia đình có đến sáu đứa con, khéo thu xếp lắm cuộc sống mới tạm ổn.
Trước giờ giao thừa, má tôi pha một bình trà mới, xếp ít bánh mứt dâng lên bàn thờ ông bà, trưng lại bình hoa cho đẹp. Má tôi đánh thức các con dậy để cùng đón chào năm mới.
Hương thơm tỏa khắp nhà. Không gian yên ắng. Ba tôi chậm rãi cắm ba nén nhang lên bàn thờ. Má rót trà ra từng chiếc tách để ba dâng lên ông bà. Lễ nghi chỉ đơn giản như vậy, rồi cả nhà ngồi quây quần bên nhau. Ba dặn những điều cần làm trong năm mới. Chuyện học hành, chuyện cuộc sống và cả chuyện ông bà thời trước.
Thời chiến tranh, ba tôi đón năm mới trong cảnh nhà khó khăn. Rất nhiều năm, ông tôi không về được vì sinh kế tận phương xa. Việc tảo mộ bà, quét dọn nhà cửa, chăm sóc hai em, nhường em chiếc áo ngày xuân, chén cơm đủ đầy thịt cá... cũng do ba.
Quê nghèo nhưng tươi thắm sắc hoa, ba không quên hái nhánh mai vàng, bày thêm mấy chậu vạn thọ đón ông bà cùng vui xuân với con cháu. Ba anh em chưa biết đến tiền mừng tuổi ông bà là gì cũng không biết đến đi chơi tết là như thế nào. Nhìn trẻ con trong làng xúm xít theo cha mẹ vui xuân mà khóe mắt cay nồng.
Ba kể khi xưa bà bị bệnh nặng, chiến cuộc khốc liệt, máy bay giặc bắn phá liên tục bất kể ngày đêm. Làng của ba tôi, giặc xếp vào diện theo Việt Minh nên bị kiểm soát rất chặt, bất kỳ chiếc thuyền nào di chuyển trên sông đều bị bắn vì nghi ngờ là phương tiện đưa tin hay tiếp tế cho kháng chiến. Gia đình không thể đưa bà đi chữa trị. Bà mất mới ngoài hai mươi tuổi.
Tôi được theo ba cứ xuân về là đi thăm mộ bà. Nơi bà tôi nằm ở giữa cánh đồng xanh ngát, cạnh dòng sông Tiền, xung quanh còn có mộ nhiều bà con tham gia cách mạng, hy sinh ngay trên quê mình. Ba dặn khi thắp nhang cho bà nhớ thắp nhang cho tất cả thay cho lời tri ân những người nằm xuống vì nước nhà. Trong làn gió thoảng, tôi thấy nao lòng.
Nay lo cho gia đình tươm tất, ba tôi vui lắm. Ba nói gia đình như vậy là hạnh phúc vì có nhiều người không được hội ngộ vì sinh kế lưu lạc tha phương. Vị trà đắng, tôi chưa biết thưởng thức nhưng vẫn ngồi cùng ba. Ba dặn, tôi là con trai lớn, sau này phải nhớ tục lệ của gia đình, không cần rình rang, chỉ cần sự thành kính là được. Hai cha con uống hết tách trà nóng, ăn miếng mứt hạt sen của quê nhà, bâng khuâng nhìn nhánh mai vàng đang hé nụ ngoài sân.
Cho đến ngày tôi cưới vợ rồi ra riêng, nghi lễ đón năm mới của ba tôi không có gì thay đổi. Mâm tết nhà tôi chính là tách trà, là chén chè đậu xanh do hai đấng sinh thành tự tay sắp đặt, đón chờ tôi về cùng. Đó chính là điều quan trọng nhất chứ không phải là những món đặc sản ẩm thực nổi tiếng nào cả.
Giờ đây tứ thân phụ mẫu không còn ai, giờ phút thiêng liêng chuyển đổi giữa năm cũ và năm mới, tôi ngậm ngùi đứng trước nhà ba má vợ tưởng nhớ trong giây lát rồi đến trước cổng nhà ba má tôi như thể đêm giao thừa cha con kề cận bên nhau.
NGUYỄN HỮU NHÂN