1 Sau mấy ngày hội quân ở “tổng hành dinh”, bọn trẻ tiếp tục “gặp gỡ cuối năm” ở Sài Gòn, mấy anh già già coi bộ ngán rượu bia và chán máy lạnh, rủ nhau mượn mấy chiếc xe máy làm chuyến “phượt” Bình Dương - Bình Phước, qua Tây Ninh lên biên giới.
Mới qua Thuận An, bỗng rớt một anh. Quay lại thì thấy hắn đang say sưa chụp ảnh mứt gừng. “Ôi, đời tao chưa bao giờ thấy mứt gừng đẹp như thế này”. “Mứt hay cô bán mứt đẹp?”. “Không. Nhớ hồi xưa các ông ạ. Cứ gần tết là bà già mình ngồi xăm gừng..”.
Đúng rồi. Cả bọn như quay tuột về những tháng năm xa lơ xa lắc. Ở đâu đó làng quê Phú Yên, những ngày tháng Chạp, thường thấy các bà mẹ vừa ngồi xăm củ gừng bên bếp lửa, vừa chỉ vẽ con cháu làm bánh mứt. Chọn gừng không quá non vì dễ gãy, không quá già vì nhiều xơ, khi xăm phải tỉ mẩn cho đều khắp, nhiều khi xăm một củ gừng mất cả tiếng đồng hồ. “Nhìn củ gừng là biết có khéo tay hay không? Nhìn khay mứt là biết nếp nhà, nên mấy đứa con gái phải cẩn thận”- bà mẹ dặn.
Minh họa: ĐẶNG THỊ THỌ |
Ngày xưa (tức là những ngày mấy anh già này còn buổi đi học, buổi chăn bò), bánh mứt hiếm hoi lắm, mà hầu hết đều tự làm: bánh thuẫn, bánh kẹp, mứt dừa, mứt bí, mứt gừng… Những nhà khéo tay thì mới có mứt gừng nguyên củ, mứt đu đủ hình rẻ quạt. Suốt tết, khách rất ý tứ chỉ ăn những miếng mứt xắt lát, không ai mất lịch sự mà ăn củ gừng, rẻ quạt… vì biết đó là mứt để chưng.
Bánh mứt giờ khác xưa, nhiều loại bánh thủ công đã biến mất, thay vào đó là bánh mứt công nghiệp Tây Tàu đủ loại vừa ngon vừa đẹp. Nhưng riêng mứt gừng hầu như không mất. Mới nhìn đã thấy cay nồng lên mũi lên mắt những chuyện xa lắc xa lơ.
Nghĩ lại liền thấy bao nhiêu thương nhớ.
2 Đi trao quà tết cho người nghèo ở Sơn Hòa, chị Việt kiều từ Đức về, nói: “Em ơi, chị về tết mấy lần rồi, thấy vạn thọ bây giờ khác quá, cũng đẹp mà sao lùn tịt vậy. Hồi xưa, nhớ vạn thọ trồng cao tới mái tranh luôn mà”.
Đúng là không còn thấy những cây vạn thọ lớn ngày xưa. Một cây vạn thọ nở là vàng rực cả một góc sân. Cây vạn thọ vào chậu khiêng vô nhà là sáng luôn cả gian nhà. Bẻ bông chỉ một bụi vạn thọ là cắm được đến mấy bình bông cúng ấm cả bàn thờ gia tiên.
Xưa hoa tết được trồng mấy tháng trước Chạp. Khi cây hoa còn nhỏ, ban ngày phải che nắng, ban đêm phải mở ra. Ngày mưa, cũng phải che chắn chứ sợ gãy cành. Mà để gãy, không có bụi vạn thọ đẹp, là coi như mất… tết một phần rồi. Ở miền quê, vạn thọ là số một, rồi đến cúc, thược dược, sống đời… Hoa theo thời tiết mà nở, có khi nở sớm, cũng có khi lại muộn. Chăm hoa nở đúng tết được xem là may mắn cả năm.
Hoa tết bây giờ thì có thể cho nở theo ý muốn bằng thuốc kích thích, bằng chế phẩm sinh học. Ở Phú Yên, cũng trồng được nhiều giống hoa Đà Lạt. Ở Tây Nguyên, có cả huyện trồng đào Nhật Tân.
Tại Tuy Hòa, có thể mua được hoa khắp trong Nam ngoài Bắc, chưa kể là có thể đặt mua hoa nhập từ nước ngoài. Nhưng tìm lại một bụi vạn thọ “cao tới mái tranh” cho chị Việt kiều kia sao mà khó đến vậy. Sao có những thứ từng gần gụi, tưởng không bao giờ mất, mà giờ ngoảnh lại đã thấy mờ xa.
Nghĩ vậy bỗng thoáng ngậm ngùi.
3 5 giờ sáng ở Buôn Ma Thuột, bắt đầu bài Long Run ra ngoại ô. Hy vọng qua Lâm viên Buôn Ma sẽ được nghe tiếng chim rừng, thì giật mình vì có người gọi: “Chú ơi, giúp với”. Phụ người đàn ông loay hoay với giỏ hàng mắc kẹt sau đuôi chiếc bán tải xong, thấy dưới tấm bạt lớn bày ra bao nhiêu là heo đất, bình hoa… Còn bên thành xe những bộ quần áo treo la liệt và cả một tấm bảng “Hàng tết - đại hạ giá”. Mới hay, mùa sắm tết đã đến.
Nhớ những sớm giáp tết hồi nhỏ ở Tuy Hòa, nhà nào cũng lục đục dậy từ khuya. Người lớn gồng gánh ra chợ những: khoai lúa, đường mía, gà vịt, rau trái… để đem về: khăn bàn, ly chén, giày dép, áo mũ… trong sự háo hức của bọn trẻ chờ chực ở nhà. Thứ mà bọn trẻ chờ nhất, từ cả tháng trước, đó là: áo tết.
Chỉ thấy cái áo mới mẹ mua cho mình thôi, là đã thấy tết đến rồi. Nên thương biết bao nỗi chờ mong của những đứa trẻ nghèo cận tết rồi mà chưa có áo mới, như trong câu hát này: “Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai sẽ đem về cho tà áo mới. Ba ngày xuân đi khoe xóm giềng…”.
Mùa sắm quần áo tết bây giờ ảnh hưởng mùa mua sắm bên Tây. Như là đã bắt đầu ngay từ tuần lễ có ngày “Black Friday” (tháng 11 dương lịch), rồi kéo qua mùa Giáng sinh, đón năm mới, đến tháng Chạp ta. Mùa sắm tết bây giờ còn là mùa… săn sale.
Khắp các cửa hàng, trung tâm thương mại, các trang mua bán trên mạng đồng loạt rao giảm giá. Chỉ một cái click chuột đã mua được bộ quần áo vừa ý, giá lại rẻ hơn thường ngày. Nên các quầy hàng lưu động dạt về miệt quê cũng phải đại hạ giá theo mới sống nổi. Nhìn mà thương những bộ quần áo hạ giá lề đường, vì đó là cơ hội cho những đứa trẻ nghèo.
Tối lại, đi bộ qua chỗ hẹn với các đồng nghiệp, mới nhớ Tây Nguyên tháng này một ngày có cả bốn mùa: sáng - xuân, trưa - hạ, chiều - thu, tối - đông. Ghé vào siêu thị bên đường, chưa kịp mua cái khăn choàng cổ, thì có một cô gái đến khẩn khoản: “Chú ơi, chú mặc giùm cháu cái áo lạnh này để cháu nhìn thử đi chú. Bố cháu vóc người cũng như chú vậy. Mùa này ngoài Bắc lạnh lắm, cháu mua cho bố mặc tết…”. Người mẫu bất đắc dĩ vừa mặc áo vừa nghĩ: Ôi, cái áo tết thật thiêng liêng với sứ mệnh của trao truyền tình thương của nó.
Nghĩ vậy thấy lòng ấm áp.
4 Xe đang đổ đèo Khánh Lê. Bên đường, những cành mai anh đào đang phả sắc hồng lấp lánh vào màn sương mai ảo diệu. Đoàn công tác từ Đà Lạt về Phú Yên. Nhìn khung cánh sớm xuân lung linh quá, anh trưởng đoàn cao hứng: “Cho một chút nhạc đi em. Nhạc xuân, nhạc tết đi…”.
Bỗng giật đùng đùng: “Về nhà ăn Tết, Tết, Tết…/ Về đâu?/ Về nhà ăn Tết, Tết, Tết…/ Ông về đâu?/ Về Hà Nội này, Tết, Tết…/ Ông về đâu?/ Tôi về quê chứ! Tết, Tết…” (Về nhà ăn tết - BigDaddy, JustaTee). “Ối! nhạc gì kỳ vậy…”. “Chú ơi, đấy là nhạc tết mà. À, loại êm êm con không có lưu”.
Tiếng nhạc tắt ngấm, còn anh trưởng đoàn thừ ra tư lự. Nhạc tết bây giờ khác ghê. Nhớ hồi xưa, thời anh còn thanh niên như chú tài xế kia, mỗi năm vào dịp thế này, cũng thường “lắng nghe mùa xuân về” qua nhiều ca khúc. Từ du dương như Xuân và tuổi trẻ (La Hối), Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao)… đến mênh mang như Xuân đã về (Minh Kỳ) hay sôi nổi như Mùa xuân gọi (Trần Tiến), Lời tỏ tình mùa xuân (Thanh Tùng)…
Ngay đến như nhạc Tây như Happy New Year thì cũng réo rắt chứ đâu có dồn dập dữ vậy. Bài tết dồn dập nhất có lẽ là Ngày tết quê em của Từ Huy với câu mở đầu như pháo nổ liên thanh: “Tết tết tết tết đến rồi” trên nhịp 4/4, cũng rộn ràng thôi, chứ đâu mà giật cục như rap tết của bọn trẻ bây giờ.
Nhưng rồi anh chợt thấy tuổi mình cũng đã qua bên kia con đèo dài rồi, đang chậm chậm xuống, không nên nhanh, không còn thích nhanh. Nghe rap không thích là đúng rồi. Nên dẫu chưa “lục thập” (60 tuổi), thôi thì cũng “nhi nhĩ thuận” (thuận tai mọi chuyện) vậy. Mình không nghe được thì để cho bọn trẻ nghe.
Nghĩ thế tự nhiên vui.
HUỲNH HIẾU