Thứ Hai, 25/11/2024 23:53 CH
Những nghịch lý diệu kỳ trong Cuộc chia ly màu đỏ
Thứ Sáu, 01/09/2023 14:00 CH

Hy sinh ở tuổi 35, nhà thơ Nguyễn Mỹ (1935-1971), quê xã An Nghiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chưa kịp để lại cho đời một gia tài văn học dày dặn, thế nhưng ông vẫn giữ một vị trí nhất định trong văn học chống Mỹ cứu nước với một vài bài thơ đặc sắc như: Hoa cúc tím, Con đường ấy… Nhưng có lẽ, Cuộc chia ly màu đỏ là bài thơ đã làm nên tên tuổi ông và được nhiều nhà phê bình xếp vào danh sách những nhà thơ “độc bài”.

 

Nhà thơ Nguyễn Mỹ và thủ bút của ông. Minh họa: INTERNET

 

Cuộc chia ly rực rỡ sắc màu

 

Cuộc chia ly màu đỏ không đặc sắc ở đề tài. Vì chia ly, tiễn biệt đã trở thành đề tài quen thuộc trong văn chương. Nhưng thi phẩm của Nguyễn Mỹ vẫn lay động bao thế hệ người đọc như một điều kỳ diệu của thế giới thơ ca. Có lẽ điều đã làm nên hấp lực và sức sống của Cuộc chia ly màu đỏ là cách Nguyễn Mỹ tạo ra hàng loạt những nghịch lý trong suốt không gian bài thơ, tạo nên cái tứ mới mẻ, lạ hóa cho tác phẩm của mình.

 

Thi đề “Cuộc chia ly màu đỏ” mở ra nghịch lý đầu tiên: Sắc màu của cuộc chia ly. Màu của ly biệt trong thơ ca cổ thường là màu xanh của ngàn dâu, dương liễu; trong thơ ca hiện đại thì là tím. Thế nhưng Nguyễn Mỹ đã tạo ra một bước đột phá, đã đem vào bảng màu ấy một sắc màu đặc biệt: màu đỏ - một màu đỏ chói chang, một màu đỏ rực rỡ, một màu đỏ làm sáng cháy cả bài thơ ngay từ thi đề. Trong tâm thức văn hóa của dân ta, màu đỏ gắn liền với niềm vui. Đó có thể là màu áo cô dâu, màu cờ chiến thắng… và có lẽ, nó thích hợp để làm màu của hạnh ngộ hơn là chia ly. Cái nghịch lý về màu sắc ấy, ngay từ đầu đã đi ngược với tầm đón đợi và tâm thế tiếp nhận của người đọc, nên lập tức tạo ra một sức lôi cuốn khiến cho người ta nhất định phải bước sâu hơn vào bài thơ để tìm câu trả lời cho điều nghi vấn mà tựa đề bài thơ gợi nên.

 

Hơn thế, sắc màu trong Cuộc chia ly màu đỏ không chỉ tràn ngập sắc đỏ. Không gian tiễn đưa còn được tô thêm những mảng màu khác: đó là màu vàng rực rỡ của nắng thu cuối mùa sắp giao chuyển sang đông, màu xanh tươi tràn đầy sức sống của cây si xanh đã gọi họ đến ngồi. Ba sắc đỏ, vàng và xanh đều được miêu tả ở một sắc độ cao, không nhợt nhạt, không nhòe mờ làm cho cả không gian bài thơ ngập tràn màu sắc và khiến cho người ta tin rằng, có lẽ đây là một trong những cuộc chia ly rực rỡ nhất, chói ngời nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam.

 

Nguyễn Mỹ đã miêu tả cặn kẽ mọi phương diện của cuộc chia ly, từ không gian chia ly đến thời điểm chia ly. Đây không phải là lúc “thu chín” mà là lúc thu “sắp ngả sang đông”. Đặc biệt hơn, khoảnh khắc trưa thu đó lại “nắng vàng lên rực rỡ”. Chữ “bỗng” đã đổi thay mọi điều thường tình và lề lối. Không gian bài thơ như bừng sáng. Cái màu u ám của mùa đông nhường lối cho cái màu thu đặc biệt ấy. Vì thế, có thể nói, chính cái khoảnh khắc vàng rực rỡ của một trưa thu trong một khung cảnh chia ly là điều nghịch lý thứ hai trong bài thơ này.

 

Trong một không gian, thời gian đầy tràn màu sắc tươi, rực, thắm và chói một cách nghịch lý, tâm trạng của nhân vật trữ tình tiếp tục đan dệt thêm những nghịch lý cho bài thơ. Nguyễn Mỹ đã nói rất rõ:

 

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa

Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

 

Vậy đây là cảnh người vợ tiễn chồng ra trận nên đây là cuộc chia xa có tính chất “sinh ly tử biệt”. Lẽ hiển nhiên, người vợ đã khóc. Nhưng ta chẳng thấy tiếng khóc nức nở vang lên, mà chỉ thấy “những giọt nước mắt” của người vợ trẻ. Những tưởng giọt nước mắt trong giây phút biệt ly ấy sẽ kéo bài thơ chùng xuống trong một tâm trạng bi thương và não lòng, nhưng ở đây một lần nữa Nguyễn Mỹ đã lạ hóa những giọt nước mắt ấy với những tính từ miêu tả như long lanh, nóng bỏng, sáng ngời… khiến cho bài thơ vẫn giữ cái vẻ tươi sáng như từ thi tự đầu tiên đã mở ra. Và sự thống nhất về sắc thái từ không gian, thời gian đến xúc cảm của nhân vật trữ tình đã lưu giữ trọn vẹn, thống nhất những nhận cảm đặc biệt của người đọc về cuộc chia ly đặc biệt này.

 

Sắc màu của chiến thắng, đoàn viên

 

Cái nghịch lý được tạo nên bởi sự hóa thân của sắc áo đỏ vào muôn vàn sự vật khác nhau trên đường hành quân của người chồng - người chiến sĩ - là nghịch lý bao trùm và được kiến tạo bởi tất cả những nghịch lý đã nói đến: đó là chia ly mà lại “như chưa hề có cuộc chia ly”. Câu thơ đầu tiên và câu thơ cuối cùng tưởng như là mâu thuẫn đến vô cùng vì đó là sự đối nghịch giữa khẳng định và phủ định. Nhưng đi suốt chiều dài bài thơ, người đọc hẳn sẽ tinh ý nhận ra tác giả đã “phục bút” cho cái điều bất ngờ, kỳ lạ mà lại rất hợp lý trong câu kết đầy dư âm của nó. Từ nghịch lý màu, nghịch lý thời gian, không gian, nghịch lý tâm trạng, cảm xúc đã dự cảm cho một nghịch lý bao trùm cả bài thơ: đó là chia ly mà lại không chia ly. Và chính nghịch lý này lại quay trở lại lý giải những nghịch lý kia và làm cho người đọc vỡ òa trong nhận cảm mới mẻ: cuộc chia ly này sở dĩ rực rỡ như thế, chói ngời như thế, ngay đến giọt nước mắt chia phôi cũng sáng ngời như thế là bởi vì trong giây phút chia xa, họ đã thấy “một rạng đông với màu hồng ngọc”, và khi “người chồng ấy đã ra đi” thì đã có màu đỏ ấy “theo đi” như thế. Bắt đầu bằng chia ly, nhưng kết thúc bài thơ lại là sự “theo đi”, và cái sự theo đi ấy dường như lại hứa hẹn một sự hội ngộ ở ngày trở về “vui sao nước mắt lại trào” trong tương lai. Như thế, trong chia ly đã hẹn ngày tái ngộ, trong mất mát đau thương đã hẹn ngày đoàn viên, hạnh phúc. Cái nghịch lý lạ lùng ấy chính là nét đẹp sáng ngời của bài thơ chứa đầy nghịch lý này.

 

Vì đâu mà trong cuộc chia ly này, người vợ trẻ ấy, người chồng chiến sĩ ấy lại giữ cho mình được cái tâm thế bình thản và lạc quan đến vậy. Và lời hát rì rào của cây si xanh trong khu vườn hôm đó đã lý giải điều kỳ lạ ấy rất rõ ràng, chân thật nhưng quả quyết vô cùng trong câu thơ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”, biết hy sinh hạnh phúc riêng tư để tìm kiếm, vun vén cho một hạnh phúc chung lớn lao hơn. Một chữ “biết” ấy đã nói lên tinh thần của đất nước trong những ngày chống Mỹ ác liệt. Và một chữ “biết” ấy thôi, cũng đủ để lý giải mọi sự chuyển đổi, mọi nghịch lý hiện diện trong không gian cuộc chia ly tiễn biệt này.

 

Chiến tranh đã qua đi. Màu đỏ của cuộc chia ly năm nào rõ ràng đã trở thành màu đỏ của chiến thắng, của hạnh ngộ. Đó không phải là khả năng dự báo của Nguyễn Mỹ đối với kết cục của cuộc chiến mà có lẽ vì bất kỳ ai trong những tháng ngày ấy cũng đã tin rằng: chiến tranh sẽ phải kết thúc, và toàn thắng tất phải về ta. Nhưng sự hoán chuyển từ màu đỏ của buổi chia ly đến màu đỏ của ngày gặp gỡ cũng phải trả giá bằng màu đỏ của sự hy sinh. Và Nguyễn Mỹ đã hòa mình vào màu đỏ của sự hy sinh thiêng liêng ấy, rồi chia ly với cuộc đời, với thi ca khi chỉ vừa 35 tuổi. Dẫu vậy, vẫn còn lại đây chân dung một nhà thơ - chiến sĩ đã nằm xuống trên chiến trường và “hóa thân cho dáng hình xứ sở”, vẫn còn lại đây một “Cuộc chia ly màu đỏ” sống cùng năm tháng với những nghịch lý mà chỉ có những con người trong thời đại ấy mới làm nên một cách phi thường nhưng lại giản dị đến không ngờ như vậy. Thế nên, đến tận ngày hôm nay, chúng ta vẫn trọn vẹn một cảm giác rằng “như chưa hề có cuộc chia ly” với nhà thơ Nguyễn Mỹ, với chiến sĩ Nguyễn Mỹ.

 

BÍCH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek