Thứ Ba, 26/11/2024 03:38 SA
PGS.TS, nhà văn Nguyễn Tấn Phát: Văn chương trong trái tim này...
Chủ Nhật, 27/08/2023 13:00 CH

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Tấn Phát cùng bạn đời giao lưu tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Nguồn: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Gắn bó với giáo dục gần cả cuộc đời nhưng sâu thẳm trong trái tim ông, tình yêu văn chương vẫn như ngọn lửa lặng lẽ cháy sáng. Sau khi hoàn thành trọng trách nặng nề, ở độ tuổi cần được nghỉ ngơi, ông hăm hở dấn bước trên hành trình sáng tạo. Trong vòng 8 năm, 5 tiểu thuyết ra mắt và được bạn đọc đón nhận. Ông là PGS.TS, nhà văn Nguyễn Tấn Phát.

 

Ấn tượng đầu tiên về ông có lẽ là nụ cười. Ông có nụ cười hiền, ánh mắt hiền, nói năng nhẹ nhàng, từ tốn. Chính sự nhẹ nhàng, gần gũi ấy làm cho nhiều người cảm mến ông, dẫu mới gặp lần đầu.

 

Ước mơ cầm bút trong hành trang nhà giáo

 

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1944, quê ở Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Từ nhỏ, ông sớm bộc lộ năng khiếu văn chương. Ông nhớ lại: “Năm tôi học lớp 2, thầy Hạnh - người Liên khu 5 - bị bệnh, nằm viện. Thầy Luận bảo chúng tôi viết thư thăm thầy. Tôi viết một lá thư rất tình cảm, kể rằng mình nhớ thầy gắn với chuyện này chuyện kia và mong thầy mau hết bệnh, trở về. Không ngờ bức thư đó được thầy Hạnh khen. Thầy nói với thầy Luận: “Sau này Phát sẽ trở thành nhà văn đó”. Hồi ấy, tôi chả biết nhà văn là gì”.

 

Năm 11 tuổi, cùng với con của một số cán bộ ở miền Nam, ông Phát được đưa ra miền Bắc học. Sống xa gia đình, nhớ nhà, ông tìm niềm vui trong những trang sách. Nhận tiền sinh hoạt phí, ông mua sách để đọc...

 

Được thầy cô khen có năng khiếu văn chương, ông Phát có động lực thi vào Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm đó có 400 thí sinh dự thi, trường chọn 32 người. Ông nhớ lại: “Tôi đậu đại học, rất vui sướng, cảm thấy sắp chạm đến ước mơ viết văn viết báo”. Và ông càng chăm đọc sách.

 

Sau 1 tháng học quân sự, trở về trường, ông hay tin mình sẽ được chuyển qua Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Các thầy nói rằng vùng giải phóng ở miền Nam rất rộng, cần thầy giáo chứ không cần nhà nghiên cứu! “Lúc đó tôi cảm thấy buồn. Tôi thi vào Trường đại học Tổng hợp vì muốn trở thành nhà văn, nhà báo xông pha chiến trường, chứ không chọn công việc nghiên cứu, giờ không được thì buồn quá. Thầy hỏi: “Nếu không học sư phạm thì cho đi ra công trường vác đá được không?”. Hồi đó làm việc ở công trường cực lắm. Tôi nói: “Dạ được”. Đi ra công trường, có khi thực hiện được ước mơ viết văn, viết báo. Thầy bảo thôi chờ, khi nào có quyết định thì đi. Tôi đinh ninh mình sẽ ra công trường rồi đó”, PGS Nguyễn Tất Phát nhớ lại và mỉm cười. Hồi ấy, ông không biết rằng các thầy chỉ dọa vậy thôi. Ai lại để một sinh viên giỏi đi ra công trường khuân vác đá!

 

Miễn cưỡng học sư phạm và rồi ông bị cuốn vào chương trình từ lúc nào không biết. Ngoài giờ học, ông chăm chỉ đến thư viện đọc sách, tích lũy thêm kiến thức. Năm thứ hai, ông Phát được trường cử đi dự hội nghị điển hình. Rồi đi thực tập. Dần dần, ông yêu thích ngành Sư phạm, nhưng vẫn nghĩ rằng học xong thì sẽ vào Nam chiến đấu.

 

Tốt nghiệp, ông được giữ lại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, làm giảng viên. Nhưng, hoàn toàn khác với những hình dung của một cựu sinh viên say mê các tác phẩm của Shakespeare, Balzac... và văn học Nga, ông được phân công về... Tổ Văn học dân gian. “Mỗi khi mình định đi theo hướng này thì cuộc đời lại đưa đẩy sang hướng khác”, nhà giáo Nguyễn Tấn Phát nói. Ông đã vượt qua những khó khăn trong buổi ban đầu bằng năng lực của mình.

 

Sau một thời gian giảng dạy, nhà giáo Nguyễn

 

Tấn Phát được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Ông là người đầu tiên sang Liên Xô nghiên cứu về văn học dân gian, so sánh văn học dân gian Việt Nam với văn học dân gian Xô Viết.

 

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, TS Nguyễn Tất Phát trở về quê hương sau hai mươi mấy năm cách xa. Nước mắt đoàn viên, hạnh phúc hòa trộn với nước mắt xót xa trước những biến cố của gia đình trong chiến tranh. Cha TS Phát muốn con trai dùng ngòi bút ghi lại những thăng trầm gian nan đó. Nhưng công việc như một dòng nước không ngưng nghỉ, cuốn ông đi.

 

Từ một người ấp ủ ước mơ văn chương, ông Nguyễn Tấn Phát gắn bó và có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành Giáo dục, được phong học hàm phó giáo sư. Một số công trình nghiên cứu của ông đã được công bố, như: Ca dao dân ca Nam Bộ, Truyện cười dân gian Nam Bộ, Giáo dục cách mạng miền Nam 1954-1975, Trường học miền Nam trên đất Bắc…

 

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát từng giữ cương vị Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT... Ông là ĐBQH khóa IX và X, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và IX. Trọng trách nặng nề, công việc bộn bề cuốn ông xa thật xa ước mơ từ thuở nhỏ.

 

Nhà văn Nguyễn Tấn Phát (bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng nhà thơ Lê Thành Nghị, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khi các bạn văn mừng sinh nhật lần thứ 79 của ông. Ảnh: YÊN LAN

 

Hăm hở dấn bước trên hành trình sáng tạo

 

Năm 2007, Thứ trưởng Nguyễn Tấn Phát nghỉ hưu. Lời nói ngày nào của thầy Hạnh vọng về trong tâm trí. Những lời gan ruột của cha vọng về trong tâm trí. PGS.TS Nguyễn Tấn Phát hăm hở dấn bước trên hành trình sáng tạo. Một chân trời mới mở ra, thao thức và đầy đam mê.

 

Ông viết tác phẩm đầu tiên - tiểu thuyết Ngôi sao hộ mệnh. Nhà văn chia sẻ: “Đây là tiểu thuyết tự truyện, 80% là sự thật. Viết xong cũng chưa tự tin, tôi đưa cho những người từng công tác với ba tôi đọc. Họ tán thành cách viết của tôi. Những nhà văn từng viết về ba tôi cũng khen là tốt và bảo tôi đưa bản thảo đến nhà xuất bản”. Tiểu thuyết Ngôi sao hộ mệnh do NXB Giáo dục in năm 2014; NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản năm 2018.

 

Sau Ngôi sao hộ mệnh, nhà văn Nguyễn Tấn Phát có các tiểu thuyết Đeo bám (2018), Giọt lệ mờ nhân ảnh (2019), Vòng xoáy tình đời (2020), Tìm lại tình đời (2022). Chỉ trong vòng 8 năm, nhà văn Nguyễn Tấn Phát có đến 5 tiểu thuyết ra mắt bạn đọc. Với một người cầm bút tuổi ngoài 70, con số trên thật đáng nể! Đặc biệt, tiểu thuyết Đeo bám - bức tranh hiện thực sinh động và ngổn ngang với những mưu toan, thủ đoạn tranh đoạt lợi ích - đã được Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng.

 

Nhà văn Nguyễn Tấn Phát thổ lộ: “Tôi viết cũng mạnh dạn, bay bổng, không bị gò vào cái khung thầy giáo”. Sinh viên mua sách của ông đọc và tổ chức nhiều cuộc trao đổi.

 

Theo nhà văn Nguyễn Tấn Phát, nghề văn “là nghề đỉnh cao của lao động miệt mài và sáng tạo, lấy vẻ đẹp hướng thượng trong tâm hồn của con người làm mục tiêu xuất phát, lấy sự giàu có trong trí tuệ làm hạnh phúc cho đời mình, lấy vẻ đẹp kiêu sa hào phóng của ngôn từ làm trục xoay sáng tác”.

 

Từ những trải nghiệm của mình, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Không phải lúc nào cuộc sống cũng chiều theo ý mình. Dòng đời đưa mình sang những hướng khác, khác hẳn với mong muốn, dự định ban đầu. Mình phải chấp nhận và tìm cách vươn lên bằng tri thức. Ánh sáng tri thức rộng mở. Tri thức càng nhiều thì mình sẽ vượt qua được khó khăn, cuộc đời sẽ tươi sáng hơn. Và mình sống hướng thượng thì thế nào cũng tìm được quả ngọt. Sau khi nghỉ hưu, nhìn lại, tôi thấy yên lòng với những việc mình đã làm”.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek