Ngày 27/4, tại TP Tuy Hòa, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Làm thế nào để có vùng đất văn học?”. Tham dự tọa đàm có nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội và các nhà văn, nhà thơ.
Đề dẫn tọa đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam, nói rằng một vùng đất thường xuyên xuất hiện trong tâm và không phải tình cờ bước vào trang viết, chính là vùng đất văn học của tác giả. Có vùng đất văn học gắn bó máu thịt với tác giả, khiến họ trở thành sứ giả văn hóa của một địa phương. Trong văn chương hiện đại Việt Nam, có thể kể đến một số trường hợp: Tô Hoài với Hà Nội, Sơn Nam với sông nước miệt vườn, Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam, Hoàng Văn Bổn với Đồng Nai, Hoàng Phủ Ngọc Tường với Huế, Lê Văn Thảo với An Giang, Nguyễn Ngọc Tư với Cà Mau... Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn dùng bối cảnh hoặc địa danh của cố hương Thăng Bình, Quảng Nam để đưa vào tác phẩm, như quán Gò, chợ Đo Đo, thậm chí nhân vật Hà Lam được đặt theo tên thị trấn, nhân vật Trà Long được đặt theo tên làng... Từ vùng đất văn học của các tác giả, đã hình thành vùng đất văn học của công chúng. Và thông qua tác phẩm văn học, công chúng thêm yêu mến vùng đất từng được tác giả đề cập.
Tại buổi tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo chia sẻ nhiều suy tư xoay quanh chủ đề trên. Để có vùng đất văn học không thể chờ đợi vào sự may rủi. Mỗi nhà văn phải nỗ lực, đồng thời rất cần những chính sách của địa phương đầu tư phát triển văn học, tích cực vận động và tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào các kiến tạo không gian sáng tác văn chương. Vùng đất đó đánh thức những người cầm bút, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Và ở chiều ngược lại, những người cầm bút đánh thức, lan tỏa vẻ đẹp của vùng đất đó. Một vùng đất tạo được thiện cảm, cảm xúc cho giới cầm bút, không sớm thì muộn, cũng sẽ trở thành vùng đất văn chương.
YÊN LAN