Thứ Ba, 01/10/2024 12:01 CH
Nhà có bốn tầng – truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG
Chủ Nhật, 23/04/2023 10:00 SA

Minh họa: PV

1. Nhà có 4 tầng. Tầng trệt vợ chồng lão Sớt đóng đô. Vợ chồng lão từ lâu đã lên chức ông bà nội, ông bà ngoại nên ở tầng dưới cùng, ví như cái gốc. Cây có gốc, có ngọn là lẽ đương nhiên. Gốc có vững thì mới làm điểm tựa cho cây mạnh mẽ, phát triển xanh tốt. Nói cách khác, người già hằng ngày không quen lên xuống cầu thang bất tiện, ở tầng dưới cùng là hợp lý.

 

Tầng 2 thuộc về vợ chồng Thái là con trai cả và vợ chồng con gái của ông Sớt tên Diễm lấy chồng ở rể. Anh em ruột được cha mẹ phân chia chỗ ở công bằng. Nghĩa là diện tích phòng ốc, trang trí nội thất giống hệt nhau. Tầng 3 là chỗ ở của anh em con cô cậu ruột, gồm 4 đứa (con của Thái một trai, một gái; con của Diễm hai con vịt trời xinh như mộng). Tầng 4 là nơi thờ cúng ông bà. Mỗi năm vợ chồng lão Sớt dăm ba lần dò dẫm lên tầng trên cùng cúng bái, giỗ chạp. Ban đêm con trai và con rể thay phiên nhau thắp nhang trên bàn thờ gia tiên nhưng chúng thường xuyên rượu chè nên chểnh mảng việc hương khói cho ông bà. Nhiều lúc lão Sớt ngồi than phiền với vợ “Cất nhà nhiều tầng làm chi để rồi lên tầng trên không nổi, thắp cây nhang không được. Rõ khổ!”. Nghe vậy, bà Sớt bật cười: “Vậy chứ ai bảo cất nhà nhiều tầng có chỗ cho con cháu ở chung đông vui, giờ còn tự trách?”. Ba thế hệ sống chung trong một đại gia đình kể ra cũng thú vị.

 

Vợ chồng lão Sớt thường giật mình thức giấc vào nửa đêm, khi mà giấc ngủ còn đang chập chờn. Ông mắc chứng ho đêm, khó ngủ. Bà thì cứ chong mắt đợi con cháu đi chơi khuya về. Ông bà già ở tầng dưới đi lại dễ dàng nhưng vô tình trở thành người bảo vệ cực chẳng đã. Lão Sớt vừa choàng dậy kiếm dép loẹt quẹt ra mở cửa sắt cho con trai đi làm về muộn, mùi rượu bia phả ra nồng nặc. Lão nằm cố dỗ giấc ngủ muộn mằn. Mới chợp mắt chốc lát đã có tiếng đập cửa phành phạch của mấy đứa cháu học thêm ngoại ngữ trở về. Lão Sớt thỉnh thoảng nghe tiếng cựa mình của vợ thì an ủi: “Bà nó cố mà ngủ chút cho khỏe”. Lão vỗ về vợ nhưng lão cũng có ngủ được đâu. Từ chiếc giường bên trong vọng ra giọng nói ngai ngái buồn: “Ngày mai ông bảo chúng nó mang chìa khóa cửa sắt theo cho tiện”. Ông ngán ngẩm: “Ai giữ chìa khóa rồi cũng phải mở cửa cót két, ầm ĩ thế thôi”. Khi thiết kế nhà bốn mê, lão Sớt góp ý với thợ xây ở mỗi tầng trên phải chừa một nơi rộng rãi để con cháu tụ tập cho vui. Lão không ngờ sau này cái chỗ rộng rãi ấy khiến lão đau đầu, nhức óc.

 

2. Lão Sớt mê hát tuồng của quê hương Đào Tấn. Vợ lão mê dân ca bài chòi Khu 5. Tối tối hai vợ chồng mở đĩa nghe hát. Hôm nào chồng nghe hát bội thì vợ càm ràm đòi nghe dân ca bài chòi. Lão Sớt nhấm nhẳng: “Giờ là thời đại nào rồi mà còn nghe hát dân ca bài chòi chán như cơm nếp nát”. Bà Sớt cũng không vừa: “Còn hát bội cũ như cái hũ sành lâu đời để trong hóc tre chán như con gián”. Mấy đứa cháu nội, cháu ngoại rình nghe hai ông bà càu nhàu. Chúng cười rúc rích đã rồi lên tầng trên mách với ba má chuyện ông bà cãi nhau. Vợ chồng con trai và con rể kéo xuống tầng trệt. Con trai cả ôn tồn: “Ba má hình thành cái hợp đồng miệng thỏa thuận nhau một đêm xem dân ca bài chòi, một đêm xem hát bội là hòa bình lập lại chứ gì”. Lão Sớt tự đập đùi mình cái bốp: “Được đấy. Bà nó thấy thế nào?”. Bà Sớt gật đầu cái rụp: “Tối nay tôi nghe hát dân ca bài chòi trước đã”. Lũ con, cháu nhà lão Sớt hứng chí vỗ tay cười ồn ã trước khi về tổ ấm.

 

Vài hôm sau, lũ cháu lão Sớt gọi bạn bè ăn uống chán rồi mở nhạc nhún nhảy, khiêu vũ ở tầng 3. Chính cái nơi mà lão Sớt đề nghị người thiết kế nhà chừa không gian để sinh hoạt vui chơi. Âm thanh dội xuống tầng 2, tầng trệt inh ỏi. Vợ chồng con trai thích nghe nhạc nhẹ, còn vợ chồng con rể thích xem phim hành động. Tiếng hát xen lẫn tiếng hò hét của lũ trẻ khiến họ không chịu được. Con trai cả lão Sớt bực mình lớn tiếng: “Dẹp! Dẹp! Muốn nhảy nhót, hát hò thì đi chỗ khác”. Lũ nhóc tiu nghỉu, sượng sùng rút lui không lời từ giã bạn bè. Có những tiếng khóc thút thít từ phía các cháu gái: “Ông bà, ba má đều giải trí bằng âm nhạc, cớ sao lại cấm đoán tụi con?”, “Ba đối xử với các bạn của con như vậy thì tụi con còn mặt mũi nào gặp gỡ chúng nó?”…

 

Không khí tĩnh lặng đột ngột khiến lão Sớt mở cửa phòng lò dò bước lên tầng hai. Lão hiểu tiếng ồn là do bọn nhóc gây ra nên cố gắng lên tầng 3 thăm dò. Hỡi ơi, trước mắt lão hiện ra cảnh tượng chén đũa, lon chai, bánh trái… ngổn ngang, còn bọn trẻ biến đi đâu mất. Lão thở dài thườn thượt, nhủ thầm không biết có chuyện gì mà chúng nó nghỉ ngang cuộc vui đang đến hồi cao trào? Lão mở cửa phòng khi bà Sớt còn đang say sưa nghe hát: “Nuôi con mẹ thức thâu đêm, lạnh lùng mẹ chịu, ấm êm… ơ… mẹ… nhường. Mẹ dành con cả tình thương, chắt chiu dòng sữa nuôi con…ơ…trưởng thành”. Đến giờ này lão Sớt mới thấm chất dân ca bài chòi Khu 5 đúng là ngọt từng khúc ruột.

 

3 Người của cả ba tầng nhà dồn lại ăn sáng, trưa, chiều ở tầng trệt đúng là đông vui. Lão Sớt da diết nhớ ngày xưa lão ở với cha mẹ, đến bữa ăn không bao giờ thiếu người này, vắng người kia dẫu thức ăn thường xuyên cũng chỉ cua đồng, cá rô, mắm tép với rau dưa hái từ vườn nhà. Chị cả ngồi bên nồi cơm, mẹ ngồi bên xoong canh. Cơm, canh được xới, múc vừa đủ để mọi người cảm thấy ăn uống thoải mái. Cha lão thích bưng tô canh lên húp cái rột thay vì múc vào chén. Cái rột ấy và gương mặt sảng khoái của cha in sâu vào ký ức lão. Sau này mỗi lần thấy tô canh thịt hấp dẫn trong mâm cơm, lão Sớt lại nghĩ thương cha mình một đời kham khổ, lận đận. 10 người trong bữa cơm gia đình thời hiện đại cũng ấm cúng, chan chứa tình cảm. Không biết khi nào các con của lão Sớt tách riêng ra sống mỗi đứa mỗi nơi nhưng hiện tại thì Thái, con trai cả của lão thường động viên vợ chồng lão: “Ba má cứ yên tâm, tụi con đã có đủ tiền để xây nhà riêng nhưng chưa ra riêng đâu. Tụi con còn lo phụng dưỡng ba má đến nơi đến chốn”. Nghe câu nói của con trai và cái gật đầu đồng thuận của con dâu, con rể, lão Sớt xúc động: “Ba má cảm ơn các con nhiều lắm! Cuộc đời của ba má được sự hiếu thuận của các con là đại phước rồi. Các con ăn cơm đi kẻo nguội”. Bé Thi, con gái đầu của Diễm liến thoắng: “Mai này mọi người đi hết thì con vẫn ở lại nấu cơm cho ông bà ngoại”. Bà Sớt đặt chén cơm xuống bàn ăn, gương mặt bà rạng rỡ niềm vui: “Thôi đi cô, nay mai người ta rước cô về nhà chồng, già này có níu lại được đâu”. Mọi người cùng cười phá lên.

 

3. năm sau, thành phố nơi lão Sớt ở trở thành thành phố du lịch trực thuộc trung ương. Nhà bốn tầng của lão Sớt thuộc khu vực quy hoạch trung tâm thương mại giá hơn hai trăm tỉ đồng. Điều mà lão Sớt chưa bao giờ nghĩ đến cuối đời lão có khối tài sản kếch xù. Các con của lão Sớt chưa ai dám mở lời đề xuất với ba má đổi chỗ ở để có số tài sản khủng nhưng lão biết tâm tư chúng đang xao động. Các con của lão sợ ba má tuổi xế bóng buồn phiền nhưng các cháu của ông bà thì vô tư trong trẻo: “Ông nội ơi, chỗ mình ở đang quy hoạch thành khu trung tâm thương mại giá đất tăng chóng mặt, ông bà nội giàu to rồi”. Thái trừng mắt nhìn con: “Trẻ con ăn chưa no lo chưa tới, đừng nói chuyện của người lớn”. Cháu đích tôn hiểu ý ba liền chuyển kênh: “Ai không thích ở một nơi nổi tiếng phải không nội?”. Lão Sớt nghiêm mặt: “Thằng Thái nói với em con tối nay mấy cha con mình bàn chuyện bán ngôi nhà này để các con xây nhà riêng. Đừng vì ba má mà các con mất cơ hội lo cho con cái có cơ ngơi vững vàng sau này”. Bà Sớt tiếp lời chồng: “Ba má đã bàn tính kỹ rồi, mình ở nơi đây đâu có kinh doanh sinh lợi được gì, chi bằng bán cho người ta rồi đi nơi khác mua đất xây nhà thì tốt hơn”.

 

4. Ngày lão Sớt rời nhà cũ cũng là lúc các con lão đã xây xong nhà riêng. Con Bạch Tiểu Muội (con chó cái nhỏ lông trắng) âm thầm đến nằm trước cửa ngôi nhà cũ, đôi mắt của nó hiện lên sự buồn bã, rã rời. Mất con Bạch Tiểu Muội là mất đi gia tài tinh thần vô cùng lớn đối với các thành viên trong gia đình lão Sớt nên mọi người nhốn nháo chia nhau đi tìm. Gương mặt lão Sớt chợt giãn ra. Lão reo lên: “Đúng rồi, con Muội về nhà cũ”. Diễm, con gái lão Sớt do dự: “Từ đây đến nhà cũ gần mười cây số chứ ít đâu ba. Con Muội không thể đi xa như vậy được. Vả lại chắc gì nó nhớ đường về”. Anh trai Diễm dứt khoát: “Diễm về nhà cũ với anh”. Thằng cháu đích tôn của lão Sớt và em gái nó cũng lon ton chạy lại phía chiếc ô tô chuẩn bị hướng ra đường. Xe chạy chưa đến nhà cũ, mọi người đã reo mừng. Con Muội nằm duỗi hai chân trước, áp mặt lên trông thảm thiết. Thái phanh xe từ từ. Con Muội bật dậy ngoắc đuôi lia lịa khi nhận ra người thân. Diễm bước tới ôm Muội mà nước mắt cô chảy dài…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek