Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các địa phương, đơn vị ở Phú Yên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Phú Yên nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; năm 2022, dân số hơn 961.152 người, có 32 dân tộc thiểu số (chiếm 6,89% dân số toàn tỉnh); có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, với 110 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường, 6 thị trấn, 83 xã); là địa phương có bề dày lịch sử trên 410 năm hình thành và phát triển, có truyền thống đoàn kết, nhiều dân tộc cùng chung sống tạo nên sự đa dạng về phong tục, truyền thống văn hóa, lễ hội với những sắc thái riêng như: Hát tuồng, hô bài chòi, hò bá trạo, lễ hội cầu ngư (của người Kinh), lễ hội cồng chiêng, trống đôi, cồng ba, chiêng năm, lễ hội mừng nhà mới (của người Ba Na, Ê Đê, Chăm); nghệ thuật hát then đàn tính của các dân tộc Nùng, Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào định cư… Đặc biệt, Phú Yên có hai nhạc cụ độc đáo là đàn đá và kèn đá có niên đại cách nay khoảng 2.500 năm.
Nhiều kết quả tích cực
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 8/12/2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động 32-CTr/TU cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch học tập, nghiên cứu quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các địa phương, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, quan điểm, tầm quan trọng của phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, xây dựng con người từng bước được nâng lên; đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vững lập trường chính trị, tin tưởng vào đường lối của Đảng, đoàn kết, đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, phát triển văn học, nghệ thuật; nhiều tấm gương sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được biểu dương; các cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa… thực sự mang lại ý nghĩa, hiệu quả thiết thực, đã trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, tác động tích cực đến việc xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện.
15 năm qua, kinh tế của tỉnh phát triển ổn định và tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng kinh tế được cải thiện; văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng lên; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, các hoạt động lễ hội văn hóa, hoạt động nghệ thuật truyền thống được phục dựng và tổ chức hàng năm, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân trong tỉnh góp phần quan trọng thúc đẩy văn học, nghệ thuật phát triển.
Văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đã chảy theo dòng mạch chính của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, Tổ quốc và quê hương, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống trong đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của Nhân dân. Nhiều tác phẩm tốt thuộc các loại hình nghệ thuật, từ văn học, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc, mỹ thuật, múa, điện ảnh - truyền hình… thể hiện qua các đề tài về lịch sử, truyền thống dân tộc, ca ngợi cuộc đấu tranh của Nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng CNXH. Bên cạnh đó, văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đã cố gắng, nỗ lực phát hiện, khẳng định những nhân tố mới, đồng thời đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức trong xã hội. Phong trào văn nghệ quần chúng, nghệ thuật chuyên nghiệp từng bước phát triển vững chắc; công tác tổ chức và tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ có những tiến bộ đáng kể, số lượng hội viên hoạt động trong các chi hội chuyên ngành ngày càng tăng; nhiều văn nghệ sĩ đã khẳng định tài năng, đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế…
Công tác quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật được tăng cường, từng bước mang lại hiệu quả; quan tâm tôn vinh, khuyến khích các văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến, tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Đến nay, Nhà nước đã trao tặng 2 giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 3 người, Nghệ sĩ Ưu tú cho 7 người, Nghệ nhân Ưu tú cho 10 người. Giai đoạn 2005-2022, UBND tỉnh tặng giải thưởng văn học, nghệ thuật cấp tỉnh cho 194 người và 60 người được tặng thưởng.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được chú trọng; đã tiến hành kiểm kê, sưu tầm, khôi phục các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, hò khoan, hô bài chòi, hò bả trạo...), văn học dân gian (ca dao, thơ ca, truyện cổ dân gian…). Một số loại hình nghệ thuật - di sản văn hóa phi vật thể của Phú Yên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (bài chòi; trống đôi, cồng ba, chiêng năm).
Đặc biệt việc xây dựng văn hóa văn nghệ đã gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào, các cuộc vận động lớn như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… tạo sức lan tỏa sâu rộng và hiệu quả ngày càng cao.
Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, khó khăn; công tác quản lý thông tin, sản phẩm văn hóa độc hại trên internet, mạng xã hội hiệu quả chưa cao; việc đầu tư ngân sách, kinh phí cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập; công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật còn khó khăn; hoạt động văn học, nghệ thuật tuy có phát triển nhưng vẫn còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật…
Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI. Ảnh: THIÊN LÝ |
Các nhiệm vụ trọng tâm
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI”; Phú Yên xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2025 xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện gắn với phát triển tri thức, phát triển thể chất, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức về kỹ năng xã hội; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh; quyết tâm, đồng lòng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự tham gia tích cực của Nhân dân trong xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, Nhân dân nội dung Nghị quyết 23-NQ/TW, Chương trình hành động 32-CTr/TU; Thông báo Kết luận 213-TB/TW, ngày 2/1/2009 của Ban Bí thư về đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật; Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; quan điểm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về văn hóa, con người Phú Yên; Bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; triển khai thực hiện có hiệu quả chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện” gắn với thực hiện Chương trình hành động 15-CTr/TU, ngày 19/11/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện giai đoạn 2021-2025.
Hai là, quán triệt sâu sắc quan điểm văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng, hướng con người đến chân - thiện - mỹ, một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam; tiếp tục xây dựng văn học, nghệ thuật tỉnh nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ba là, tiếp tục tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức hội văn học, nghệ thuật; tăng cường vận động kết nạp hội viên mới, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Phú Yên không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt cái mới, nâng cao trình độ, năng lực, phấn đấu có nhiều tác phẩm phong phú đa dạng về loại hình, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên; thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của đội ngũ văn nghệ sĩ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy tối đa tài năng, lao động sáng tạo.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống Internet, mạng xã hội, cổ động trực quan; các cơ quan báo chí dành nhiều dung lượng, thời lượng thông tin, tuyên truyền các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là đăng tải nhiều tác phẩm, tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền kịp thời, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.
Năm là, tiếp tục xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên có năng lực, phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; huy động mọi nguồn lực xã hội, đầu tư xây dựng đời sống văn hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Sáu là, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, Nhân dân trong việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng; khuyến khích các nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ, quần chúng có uy tín tham gia sáng tác, bảo tồn, truyền dạy, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tiếp tục sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn hóa nghệ thuật về chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước, con người, quê hương Phú Yên ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân.
Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tiếp tục quan tâm đầu tư, ban hành chế độ, chính sách; chú trọng kiểm soát việc xuất bản, phát hành các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; thẩm định chặt chẽ nội dung, sàng lọc, loại bỏ những sản phẩm độc hại, phản văn hóa.
Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, hy vọng rằng, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, đặc biệt là tâm huyết, khát vọng, tài năng, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ, văn học, nghệ thuật tỉnh Phú Yên sẽ có những bứt phá mới, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của Nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. |
BÙI THANH TOÀN
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên