Chúng tôi gọi việc số hóa di sản là mùa xuân di sản. Bởi hàng tỉ di sản trên toàn cầu trong các bảo tàng hay sưu tập tư nhân, sau khi số hóa trở nên sống động như vạn vật giữa trời xuân. Công chúng tiếp cận ngay di sản qua tham quan trực tuyến 3D tại các phòng trưng bày ảo, qua trải nghiệm tương tác với hiện vật xoay 360o, qua các mô hình du lịch thông minh…
Câu chuyện từ Bắc Ninh
Tháng 12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết định phê duyệt chương trình Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đây là chủ trương rất kịp thời, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, góp phần phát triển du lịch bền vững. |
Bắc Ninh có những di sản văn hóa, di tích lịch sử vô cùng phong phú, với 1.558 di tích thuộc nhiều loại hình như chùa, miếu, lăng, đình, đền, thành cổ, văn chỉ, di tích khảo cổ học. Bên cạnh đó, địa phương còn có hàng ngàn cổ vật, di vật, tài liệu được lưu giữ trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân, di tích tín ngưỡng tôn giáo... Với nguồn tài nguyên di sản văn hóa như thế, Bắc Ninh đã tiên phong trong việc số hóa di sản một cách tổng thể và toàn diện.
Trong 3 năm (2018-2020), Bắc Ninh đã đầu tư gần 45 tỉ đồng để triển khai đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa. Sau khi đề án triển khai, 858 di tích đã xếp hạng, nội thất 4 di tích quốc gia đặc biệt cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác đã được xây dựng thành ngân hàng dữ liệu số. Các di tích được quét laser 3D mặt đất tổng quan, laser 3D chi tiết; quét lưu trữ hiện vật đặc trưng… Di sản văn hóa phi vật thể cũng hoàn thành thu thập và số hóa tư liệu thành file và dạng số 2D. Dữ liệu hình ảnh, âm thanh liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể được lưu trữ, phục vụ cho quản lý, nghiên cứu, phục dựng... Với việc đưa công nghệ số vào di sản, du khách được xem hình ảnh chuyển động với góc nhìn 3600, cùng lời giới thiệu và âm thanh sống động.
Hiện Bắc Ninh quyết tâm trở thành trung tâm du lịch thông minh khu vực đồng bằng sông Hồng thông qua việc thực hiện đề án Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí 4.103 tỉ đồng; triển khai đồng bộ dịch vụ và ứng dụng công nghệ số, hoàn thành cơ sở dữ liệu văn hóa, tiếp tục phát triển du lịch thông minh...
Giải pháp nào cho Phú Yên?
Phú Yên có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng nếu không có cách làm khác biệt, Phú Yên khó cạnh tranh với các địa phương ngay trong khu vực. Cách làm khác biệt đó là nhanh chóng số hóa di sản và đưa mô hình du lịch dựa trên Web3 token hóa vào du lịch. Một số địa phương đang sở hữu các di tích lịch sử, di sản mang tính độc đáo, đặc trưng như gành Đá Dĩa, tháp Nhạn, Mũi Điện, kèn đá, gốm Quảng Đức, bài chòi, hò khoan… nên ưu tiên số hóa, xây dựng web 3D, quảng bá du lịch trên không gian mạng.
Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Hoa, cố vấn chương trình chuyển đổi số Phú Yên, tỉnh có thể chọn một tour du lịch cụ thể để làm mẫu. Các đơn vị tổ chức, khách sạn, nhà hàng, nhà sản xuất đặc sản địa phương, đơn vị vận chuyển, điểm tham quan… phối hợp cung cấp dịch vụ cho du khách với cam kết về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả và quy chế hoạt động chung. Khách du lịch mua gói du lịch này được cấp một thẻ thanh toán (token) có giá trị bằng giá gói du lịch. Du khách sử dụng thẻ này để thanh toán mọi khoản chi phí tại các đơn vị cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Hệ thống công nghệ số được phát triển để vận hành và giám sát mọi hoạt động của chương trình này, không giới hạn số lượng khách.
Đây là mô hình du lịch tiên tiến trên thế giới hiện nay. Việt Nam hiện đã hội đủ giải pháp công nghệ để triển khai. Thời gian thực hiện khoảng 6 tháng theo phương thức xã hội hóa. Chỉ cần một bài báo của khách du lịch đăng trên Youtube hay kênh truyền hình CNN về mô hình du lịch ứng dụng nguyên lý Web3 token hóa, Phú Yên lập tức có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch quốc tế. Bởi thế giới không nghĩ Phú Yên có thể làm được việc này khi mà khái niệm Web3 token hóa mới chỉ công bố vào cuối năm 2021.
Sau khi thử nghiệm mô hình này, Phú Yên có thể áp dụng nguyên lý Web3 token hóa cho những ứng dụng khác như quản lý chi tiêu của học sinh trong trường học, quản lý chuỗi liên kết theo giá trị, cung cấp dịch vụ công theo yêu cầu… Và, trên tất cả, chúng ta hiểu rõ chuyển đổi số thực sự là gì, rõ ràng là không quá phức tạp, không đòi hỏi đầu tư tốn kém, dễ dàng khuyến khích xã hội hóa và hiệu quả thấy ngay bởi số lượng khách du lịch sẽ tăng vọt.
TRẦN THANH HƯNG
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông,
Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Phú Yên