Với nhiều gia đình Việt, dấu hiệu của hạnh phúc không hẳn là sự sang giàu về vật chất, mà là tình nghĩa, sự gắn bó, yêu thương, hay đơn giản nhất là một mái ấm không bạo lực.
Bạo lực gia đình (BLGĐ) gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
Cái giá của tội ác
Vừa qua, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP Hồ Chí Minh) tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái trong vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong. Theo đó, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, sống chung như vợ chồng với Nguyễn Kim Trung Thái, cha ruột bé V.A) án tử hình về tội giết người, 3 năm tù về tội hành hạ người khác, tổng hợp hình phạt là tử hình. Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi) nhận mức án 3 năm tù về tội hành hạ người khác, 5 năm tù tội che giấu tội phạm, tổng hợp hình phạt là 8 năm tù.
HĐXX nhận định, bị cáo Trang đánh đập, nhốt bé V.A vào chuồng chó… là hành vi tàn ác, làm nhục người lệ thuộc mình. Bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đánh đập bé V.A trong 4 giờ, nạn nhân không có khả năng chống trả. Bị cáo ý thức được hành vi của mình nhưng vẫn làm, mặc hậu quả. “Đây là hành vi xấu xa, ti tiện, hèn hạ, thực hiện động cơ đê hèn. Vì bực tức trẻ không chịu làm bài như lời khai tại cơ quan điều tra, còn tại phiên tòa, bị cáo không khai được lý do nhưng vẫn thể hiện hành vi côn đồ”, HĐXX nêu.
Hai kẻ thủ ác đã nhận được bản án của pháp luật, nhưng bản án nghiêm khắc nhất vẫn là sự phán xét của người đời. Người chết nhưng vẫn mang tiếng xấu muôn đời, người còn sống phải hứng chịu sự phẫn nộ đến tột cùng từ mọi tầng lớp trong xã hội. Đó là hình phạt thích đáng cho hai kẻ máu lạnh.
Không chỉ vụ bé V.A, mà chỉ cần một cú click chuột là vô vàn vụ BLGĐ hiện ra trước mắt chúng ta: cha đẻ bạo hành con ruột dẫn đến tử vong ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội; bé gái 3 tuổi qua đời do bị cha dượng bạo hành một cách tàn nhẫn ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang; vợ chồng ly hôn, người cha nhẫn tâm đuổi vợ cũ và các con ra đường tay trắng, người vợ uất ức siết cổ chồng cũ đến chết ở TP Hồ Chí Minh...
Tự trả lời cho câu hỏi “Tại sao con người ngày càng tàn ác đến vậy?”, chị Nguyễn Thị Lan ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An cho rằng đôi khi chỉ vì những cảm xúc nóng giận nhất thời, mâu thuẫn nhỏ nhặt mà nhiều người đã gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng vợ/chồng mình, thậm chí là con cái của chính mình. “Chúng tôi mong muốn các bản án đủ sức răn đe, để không còn những cái chết thương tâm của trẻ vì bị bạo hành, để nó không trở thành nỗi ám ảnh, mà mỗi lần nghe đến khiến lòng không khỏi xót xa”, chị Lan nói.
Nỗ lực vì một mái ấm hạnh phúc
Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc bạo lực trẻ em. Các vụ việc có tính chất nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Riêng Phú Yên, nhiều vụ bạo lực trẻ em đã xảy ra nhưng chưa có trường hợp dẫn đến tử vong. “Để ngăn chặn bạo lực trẻ em, trung tâm sẽ có kế hoạch tổ chức các buổi truyền thông, phân tích nguyên nhân, giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ vấn đề dẫn đến bạo lực trẻ em nhằm giảm thiểu BLGĐ, hạn chế thấp nhất những vụ việc đau lòng. Trung tâm cũng thiết lập đường dây nóng để trực tiếp hỗ trợ, tham vấn cho những nạn nhân bị bạo lực; kêu gọi cộng đồng lên tiếng, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực...”, bà Ái Thy cho biết.
Mới đây, Sở VH-TT-DL hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (từ ngày 15/11-15/12/2022) với chủ đề Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Các hoạt động được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng; cổ động bằng các hình thức trực quan (pano, băng rôn, khẩu hiệu) và các thông điệp phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trên các tuyến đường chính, nơi tập trung đông dân của địa phương; qua sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề; hoạt động của đội thông tin lưu động, xe loa, các hội thi, hội diễn văn nghệ...
Các hoạt động này nhằm tạo nên một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn chặn, giảm thiểu tiến tới xóa bỏ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
THIÊN LÝ