Thứ Tư, 27/11/2024 09:45 SA
Nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống: Trái ngọt đầu mùa trên hành trình đầy đam mê
Chủ Nhật, 20/11/2022 14:00 CH

Nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống và NSƯT Thanh Vân trong chương trình nghệ thuật chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam. Ảnh: CTV

Từ một nhạc công gắn bó với cây đàn nhị, guitar phím lõm, kèn sona..., từ một cán bộ văn hóa ở cơ sở, cần mẫn học và lặng lẽ theo đuổi niềm đam mê sáng tác, nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống đã có một số nhạc phẩm mang sắc màu riêng. Các ca khúc: Nhớ ơn người mở đất, Phú Yên khúc tráng ca, Huyền ca đất Phú... chính là tình yêu mà anh gửi vào âm nhạc và gửi đến quê hương mình.

 

Nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống sống cùng gia đình ở xã Hòa Quang Bắc, làm việc tại Trung tâm VH-TT và TT-TH huyện Phú Hòa. Với anh, tình yêu âm nhạc như một ngọn lửa nhóm lên trong tâm hồn từ khá sớm.

 

Trái ngọt từ đam mê

 

Hơn 10 tuổi, từ Hòa Quang, Huỳnh Trọng Thống tìm đến nhà thầy Châu Xá ở xóm Nam, thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An học nhạc ngũ cung, sau đó theo thầy chơi nhạc bát âm tại các lễ cúng đình. Năm 1986, anh là thành viên Ban Văn hóa - Thông tin xã Hòa Quang, cùng những người mộ điệu ở địa phương gìn giữ bài chòi - cổ nhạc.

 

Vừa làm việc, anh Huỳnh Trọng Thống vừa tìm tòi học nhạc. Anh nhớ lại: “Hồi đó tôi rất thích viết nhạc nhưng không dám, sợ sai”.

 

Mấy lần chuyển công tác song công việc của anh đều gắn với văn hóa. Và niềm đam mê âm nhạc lặng lẽ lớn dần. Năm 2000, Huỳnh Trọng Thống sáng tác ca khúc đầu tay Hát mừng trường em hôm nay - viết về một ngôi trường THCS trên quê mình...

 

Trái ngọt đầu tiên của anh Huỳnh Trọng Thống trên hành trình sáng tác là ca khúc Nhớ ơn người mở đất, ra đời sau biết bao trăn trở. Năm 2009, tại ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên, ca khúc về Thành hoàng Lương Văn Chánh được dàn dựng thành tiết mục hát múa mở đầu chương trình nghệ thuật của đơn vị Phú Hòa; ca sĩ Quang Thơm hát chính. Chương trình nghệ thuật này đoạt giải A toàn đoàn; tiết mục hát múa Nhớ ơn người mở đất được trao giải A. Sau khi nghe ca khúc này, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, khi đó là Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển), Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Phú Yên đã gọi điện khích lệ, động viên. Anh say sưa sáng tác. Năm 2012, Huỳnh Trọng Thống - khi đó đã là hội viên Hội VHNT tỉnh, chuyên ngành Âm nhạc, in tập sách nhạc đầu tay Nơi ấy quê hương với 40 ca khúc. 6 năm sau, anh ra mắt Tình quê - tập sách nhạc thứ hai, với 42 ca khúc. Đáng nói là trong hàng chục tác phẩm mới của anh có ca khúc Về thăm lăng Bác Thương anh chiến sĩ Trường Sa đã vang lên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

Năm 2019, Huỳnh Trọng Thống được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đối với một người xuất thân là nhạc công, là cán bộ văn hóa ở cơ sở, đây là bước ngoặt lớn.

 

Miệt mài đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương và say mê sáng tác ca khúc, anh Huỳnh Trọng Thống được trao giải A giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ V, giai đoạn 2016- 2020.

 

Biết ơn những người đi trước

 

Sáng tác nhiều ca khúc về quê hương, nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống được biết đến bởi nhạc phẩm Phú Yên khúc tráng ca (năm 2016) và gần đây là Huyền ca đất Phú. Cả hai ca khúc này đều do nhạc sĩ Xuân Huy phối khí, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Vân biểu diễn. Huyền ca đất Phú là một ca khúc dân gian đương đại, phảng phất hơi thở của tuồng, có ca từ đầy hình ảnh: “...Ta lớn lên lớn lên, nhờ nước những dòng suối, sông/ Lắng phù sa dân vui sống muôn nhà ấm no/ Mênh mông cánh đồng nghiêng cánh cò theo nắng về non/ Về xứ Nẫu nghe điệu bài chòi ngọt ngào thương nhớ, sáo diều bay lượn ấm áp hồn quê...”. Nhạc sĩ Xuân Huy đã sáng tạo lần thứ hai, và tiếng hát của NSƯT Thanh Vân đã đưa Huyền ca đất Phú lan tỏa. Tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2022 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức ở Đắk Lắk, Huyền ca đất Phú được trao giải B. Đây là một dấu ấn đối với Huỳnh Trọng Thống, sau rất nhiều năm anh cần mẫn học hỏi và say mê viết nhạc.

 

Trong câu chuyện về hành trình sáng tác, Huỳnh Trọng Thống luôn gọi các nhạc sĩ đàn anh: NSƯT Nguyễn Ngọc Quang, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Cao Hữu Nhạc, nhạc sĩ Huỳnh Tất Phát, nhạc sĩ Duy Tài và nhạc sĩ Lê Xuân Hoan ở Gia Lai là thầy. Anh thổ lộ: “Có được ngày hôm nay, tôi cảm ơn các thầy. Là những người đi trước, các thầy đã động viên tôi sáng tác và góp ý cho tôi”. Anh rưng rưng khi kể về cố NSƯT Nguyễn Ngọc Quang: “Thầy Ngọc Quang từng nói với tôi: Nhạc sĩ viết nhiều là để trải nghiệm và rút kinh nghiệm. Viết 100 bài thì sẽ có một bài hay. Em cứ viết đi, đừng ngại”.

 

Và nhạc sĩ sinh năm 1968 này lặng lẽ, say mê sáng tác. Những ca khúc mới hăm hở ra đời. Tình yêu quê hương, tình yêu cuộc sống dung dị mà rạng rỡ trong từng giai điệu.

 

Huỳnh Trọng Thống rất nhiệt tình, cặm cụi, say mê sáng tác, đóng góp cho phong trào và thỏa niềm đam mê. Công tác ở một huyện mà được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam là khó lắm. Thống là một trường hợp đặc biệt. Em nỗ lực học hỏi, từ phong trào đi lên.

 

NSND Cao Hữu Nhạc, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam

tỉnh Phú Yên, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek