Thứ Năm, 23/01/2025 04:57 SA
Ngựa hồng – truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG
Chủ Nhật, 11/09/2022 11:00 SA

Minh họa: PV

1. Mấy đời nhà lão Khọm chuyên nghề nuôi ngựa. Lão hơn hẳn thế hệ cha ông không chỉ biệt tài nuôi ngựa mà còn là một tay buôn ngựa độc nhất vô nhị. Hồi trước, cha lão đi lính khố xanh cho Pháp, bữa nọ thấy gã quan ba Pháp cưỡi con ngựa bạch bờm dựng đứng, lông mượt như nhung, cao to như tuấn mã lếch đếch dạo phố. Cha lão Khọm theo bén gót. Lúc tên quan ba mắt xanh, mũi lõ dừng lại trước cửa hiệu bán hàng thổ cẩm, cha lão Khọm bước tới vuốt ve con ngựa với ánh mắt trìu mến xen lẫn sự thích thú. Gã quan ba lấy làm kiêu hãnh, vỗ vai cha lão Khọm, giọng bề trên lơ lớ tiếng Việt: “May cung thich ngưa?” “Co biet cuoi ngua khong?”. Cha lão Khọm ngỡ ngàng, bối rối trước lời đề nghị của thằng cha ngoại quốc chưa một lần quen biết. Lão trù trừ, khúm núm: “Ngài nói chơi hay nói thật vậy?”. Thằng Tây gắt, giọng nói của hắn như mẻ sành ném vào bọng giếng: “Tao bao may len ngua nghe khong?”. Cha lão Khọm làm theo như cái máy; viên ngụy binh mang khẩu súng trường dài lộc xộc, đầu đội mũ rộng vành, coi bộ chậm chạp bỗng đệm bước chân vào bộ kiều, phóc lên lưng ngựa nhẹ tênh, khiến gã quan ba đứng nhìn sửng sốt. Hắn cười nhạt, nụ cười của hắn hàm ý chế giễu pha trộn chút ghen tị. Hắn chậm lại vài phút đợi con tuấn mã chồm lên để quật kẻ lạ mặt kia lộn cổ xuống đất cho hết đời tên láu cá, nhưng điều đó không xảy ra. Nụ cười của hắn trở nên méo mó. Hắn thót lên yên ngựa, ngồi sát vào lưng cha lão Khọm, cụt hứng. Cha lão Khọm đưa đầu gối húc nhẹ vào hông ngựa. Ngựa bạch ngoan ngoãn chạy lạch bạch trên phố. Đến vùng ngoại ô, cha lão Khọm giật dây cương liền mấy cái, giơ roi lên cao, miệng hừ hừ. Con ngựa tung vó ào ào như cơn lốc. Gã quan ba ngồi sau kinh hãi, hai tay siết chặt eo ếch của người lính bản địa. Cái vẻ đắc ý của gã lúc đầu tan biến theo tiếng gió rít. Cha lão Khọm quên phứt đằng sau lưng mình là gã quan ba của “mẫu quốc” đầy quyền uy. Lão hứng chí phi nước đại với sự sảng khoái tột cùng. Đã lâu lắm rồi lão mới có dịp phi ngựa thỏa thích.

 

Sau cái lần “khuyển mã” bất đắc dĩ ấy, cha lão Khọm được gã quan ba tiến cử làm “bật mã ôn” cho quân đội Pháp ở Trung Kỳ. Lâu lâu viên quan giữ ngựa về làng, mặc áo kaki, quần sort màu đất sỏi, đầu đội mũ rộng vành, vai đeo kèn đồng láng coóng, giục ngựa đủng đỉnh, mặt vênh váo. Thỉnh thoảng hắn dừng lại trước ngõ nhà người quen, đưa kèn lên thổi tò te tí te làm oai. Người lớn đứng xa xa mà nhìn. Chỉ có lũ trẻ con thấy lạ lẫm nên ào tới xúm xít trầm trồ.

 

2. Chuồng ngựa nhà lão Khọm có đủ loại: Ngựa hồng, ngựa bạch, ngựa ô… Nhưng chưa có con ngựa nào tốt hơn ngựa tía lông dày, cơ bắp cuồn cuộn, bờm dềnh lên như ngọn sóng. Từ khi nó đẻ con ngựa đầu tiên tới giờ, lão Khọm không cho nó thồ hàng, lão chăm chút con ngựa chu đáo như chăm sóc người vợ trẻ mới vượt cạn lần đầu. Bao nhiêu ngựa con do ngựa tía đẻ ra đều bán hết với giá rất cao. Khách hàng ngày càng đông. Họ đến ngắm ngựa tía và mua vài con ngựa con về đóng xe chở hàng. Trong số ngựa do ngựa tía đẻ có một con ngựa hồng cực kỳ khôn ngoan, bờm dày mượt mà như những búi tóc của các thiếu nữ tết lại, mắt sáng như sao, bộ vó to khỏe, tiếng hí lanh lảnh vang xa.

 

Vào một đêm trăng sáng, ngựa hồng gõ móng, thở phì phì và hí vang trời. Tiếng hí của nó như khát khao, cầu cứu điều gì làm lão Khọm bồn chồn, mở cửa bước ra tàu ngựa, vuốt đầu ngựa hồng, vỗ về: “Nào! Ngựa hồng ngủ đi! Ngoan nào!”. Con ngựa giậm chân, lông bờm rung lên bần bật, hí từng hồi dài. Bầy ngựa trong chuồng sập sận gõ móng theo. Lão Khọm không biết xử lý thế nào. Trong đầu lão chợt lóe lên tia sáng: “Ngựa hồng muốn tắm trăng chăng?”. Lão Khọm dụ dự mở cổng chuồng dắt con ngựa ra. Bất thần ngựa hồng tung vó mạnh đến nỗi lão Khọm buông cương, bật ngửa sang một bên. Lúc lão hoàn hồn, lồm cồm ngồi dậy thì ngựa hồng đã phi lên đồi. Lão Khọm sải theo sau ngựa hồng một chặp, lão mừng quýnh khi nhác thấy ngựa hồng đứng gặm cỏ dưới trăng. Màu trăng sáng như muôn dải lụa vàng óng ả trải xuống thảm cỏ non lóng lánh sương đêm. Lão Khọm phì cười, lảm nhảm một mình: “Thì ra mày thích tự do thiên nhiên”. Ngựa hồng đứng ngúng nguẩy chiếc đuôi dài như mái tóc của thiếu nữ. Nó đứng dưới trăng có vẻ mãn nguyện, còn lão Khọm thì như đứng trên lò lửa. Lòng lão nôn nao, mắt cay xè, cơn ngái ngủ hành hạ lão. Lão bước lại vuốt ve con ngựa như nói với chính mình: “Thôi đi ngựa hồng yêu quý của ta, hãy về đi! Đêm mai ta sẽ cho tắm trăng nhé!”. Ngựa hồng hí vang, ngoan ngoãn theo chủ trở về. Sau đó, hễ những đêm có trăng là lão Khọm dắt ngựa thủng thẳng lên đồi sương. Có đêm lão nằm dài trên thảm cỏ, hai tay bắt chéo ra sau gáy ngắm trăng suông. Ngựa hồng đứng gặm cỏ một bên, lão Khọm ngủ thiếp đi. Quãng nửa đêm, ngựa hồng hí vang, lão Khọm giật mình bật dậy dắt ngựa trở về.

 

Một hôm ngựa tía bỗng nhiên lăn đùng ra chết. Lão Khọm tiếc của, khóc như cha chết. Lão cùng mấy thằng con lão đưa xác ngựa chôn trên đồi cao. Đêm ấy, trời không trăng sao. Ngựa hồng hí thảm thiết. Nó hí và gõ móng không thôi. Lão Khọm xách đèn bão ra mở cổng chuồng ngựa. Ngựa hồng lồng lên, phi thẳng một nước. Lão Khọm buồn rầu, xách đèn lủi thủi đi lên đồi. Vừa đi, lão vừa gọi giọng khàn khàn: “Hồng a! Hồng a!”. Lão lững thững tìm đến đám cỏ mà lão và ngựa hồng thường tắm trăng. Không tìm thấy ngựa hồng, lão Khọm đâm hoảng. Vừa mất ngựa tía, giờ lại mất ngựa hồng, đời lão coi như hết thời rồi chăng? Lòng dạ lão rối bời. Trong lúc đang lo buồn, lão Khọm chợt nghĩ đến một nơi; lão xách đèn xăm xăm bước đi. Sau một hồi băng đồi, mắt lão hoa lên, sống mũi lão cay xè khi nhác thấy ngựa hồng phủ phục trên mô đất đã chôn ngựa tía.

 

3. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, lão Khọm vẫn tiếp tục nghề nuôi ngựa, song lão không còn hoạt bát, lanh lợi như xưa. Lão luôn mặc cảm tội lỗi về người cha một thời làm “bật mã ôn” cho Pháp. Nhìn bà con trong làng hừng hực lên đường gánh gạo đi Tây Nguyên để giúp Bộ đội Việt Minh đánh Pháp, lão càng áy náy tìm cách xa lánh. Một hôm, có người bạn buôn ngựa đến chơi, anh ta gợi ý: “Sao ông không thồ gạo đi Tây Nguyên đánh Pháp?”. Lão Khọm ngớ người, ấm ớ: “Thồ gạo, thồ gạo bằng cách nào?”. Ông bạn bật cười khanh khách: “Nhà ông có một đàn ngựa còn hỏi”. Lão Khọm ngửa bàn tay đập vào trán mình, kêu lên: “A! Sao mình ngốc thế nhỉ! Mà không xong đâu…!” Lão Khọm xẹp như cái bong bóng bị chọc thủng. Ông bạn buôn ngựa cười lớn: “Lại mặc cảm. Tôi biết ông ngại chuyện ngày trước bác làm “bật mã ôn”. Không hề gì! Ông cứ mạnh dạn đến đăng ký với chính quyền xin thồ gạo đi Tây Nguyên, tôi tin chắc rằng nguyện vọng của ông sẽ được chấp nhận”.

 

Bảy cha con của lão Khọm hình thành một đoàn ngựa thồ gạo lên đường đi Tây Nguyên. Lão Khọm mua gạo về đóng bao tải gùi hai bên lưng ngựa ngày đi, đêm nghỉ. Lúc dừng lại nghỉ dọc đường thì có một đoàn ngựa thồ đang đi qua. Con ngựa đi đầu bỗng dừng lại hí vang trời. Bầy ngựa của lão Khọm cũng hí lên một lượt vang động núi rừng. Đoàn người gánh gạo hoảng hốt lùi lại. Lão Khọm khoan thai bước lại bên người thanh niên cưỡi con ngựa cũng màu hồng, mỉm cười:

 

- Này, chú em! Con ngựa này chú mua ở đâu vậy?

 

- Dạ, cháu nghe cha cháu bảo con ngựa này được đẻ ra từ con ngựa tía của nhà cha ông Khọm nào đó - chàng trai lúng búng.

 

- Ha! Ha! Ha! Chúng nó cùng dòng giống, bảo sao không mừng ó ré lên. Chú em không biết đó chớ loài ngựa thiêng lắm. Chỉ cần chúng ngửi mùi mồ hôi của nhau là nhận ra người nhà ngay thôi à. Không tin, chú em cứ giục ngựa đến gần mấy con ngựa của qua thì rõ.

 

Chàng thanh niên kéo nhẹ dây cương, con ngựa hồng chạy đến chỗ bầy ngựa của lão Khọm hít hít vào đầu, chúng hí lên sung sướng. Đoàn người gánh gạo thở phào. Có người còn xúc động bảo: “Con vật mà còn biết gốc ngọn nữa là…”.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek