Thứ Sáu, 29/11/2024 11:38 SA
TS Lê Hồng Phước: Miệt mài truyền lửa đam mê đờn ca tài tử, cải lương
Chủ Nhật, 31/07/2022 13:00 CH

TS Lê Hồng Phước tại buổi giao lưu đờn ca tài tử do Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp tổ chức. Ảnh: YÊN LAN

Được nuôi dưỡng trong tiếng đờn cổ nhạc của cha, tiếng ca tài tử của má, sau này thì nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử văn hóa, TS Lê Hồng Phước mê đắm đờn ca tài tử và cải lương. Song song với việc giảng dạy môn Lịch sử Pháp bằng tiếng Pháp, TS Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) dành tâm huyết cho việc nghiên cứu, lý luận, phê bình về đờn ca tài tử và cải lương. Ông rất coi trọng hoạt động quảng bá, truyền lửa cho lớp trẻ.

 

Mới đây, khi cùng văn nghệ sĩ Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh đến Phú Yên, TS Lê Hồng Phước đã trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về việc làm thế nào để lan tỏa tình yêu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua những loại hình nghệ thuật độc đáo do người xưa để lại.

 

Khi đi nói chuyện về đờn ca tài tử, cải lương, thật ra là tôi đi nói chuyện về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc… Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc là câu chuyện của các quốc gia trên toàn thế giới; Việt Nam mình cũng vậy. Bất kỳ nước phát triển nào cũng phải giữ truyền thống; truyền thống - hiện đại phải song hành. Tôi đang góp phần bảo tồn di sản văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. TS Lê Hồng Phước

* Thưa tiến sĩ, vì sao một người học Ngữ văn Pháp, nghiên cứu về lịch sử văn hóa lại say mê đờn ca tài tử và cải lương?

 

- Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Pháp, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, tôi tiếp bước thầy tôi, giảng dạy Lịch sử Pháp bằng tiếng Pháp cho sinh viên tại ngôi trường này. Khi tôi đi Pháp làm nghiên cứu sinh, chuyên ngành nghiên cứu của tôi là Lịch sử văn hóa, lại nằm trong giai đoạn Pháp thuộc, cũng là giai đoạn cải lương ra đời.

 

Ba tôi là thầy đờn cổ nhạc, má cũng ca tài tử. Tôi mê từ hồi nhỏ, biết ca từ hồi nhỏ. Năm 2010, sau khi qua Pháp, ngoài việc học chuyên ngành, tôi đi hát cùng nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân - cựu đào hát của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga hồi trước, cô Hà Mỹ Liên - chị của cô Hà Mỹ Xuân và một số nghệ sĩ lớn tuổi ở bển. Trong 5 năm ở Pháp, tôi thường đi hát với cô Hà Mỹ Xuân, phục vụ kiều bào. Năm 2013, khi UNESCO công nhận đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cô Hà Mỹ Xuân thành lập Hội Cải lương Về Nguồn. Cô Hà Mỹ Xuân và tôi tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử, cải lương định kỳ tại Paris, cho tới khi tôi về nước. Ngoài ra, trong thời gian ở bên Pháp, tôi viết bình luận về đờn ca tài tử, cải lương, vì chuyên ngành mà tôi nghiên cứu là Lịch sử văn hóa; tôi có cái nền sâu về lịch sử đờn ca tài tử, cải lương; bản thân cũng thực hành nghề. Tôi có một quá trình sống với cải lương ở Pháp, rồi có quá trình viết lý luận phê bình về cải lương ở bên đó.

 

Năm 2015, tôi học xong tiến sĩ, về nước. GS Trần Văn Khê nói: Phước ơi qua nhà thầy biểu diễn! Tôi biểu diễn tại nhà thầy Khê một lần, vào năm 2015, trước khi thầy mất. Từ đó tới nay, tôi không biểu diễn trên sân khấu nữa mà tập trung vào công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình về đờn ca tài tử, cải lương. Ngoài việc giảng dạy Lịch sử Pháp tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, một trong những công việc chính của tôi ở bên ngoài là đi nói chuyện về đờn ca tài tử, về cải lương cho sinh viên các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Gần đây, tôi thường xuyên về miền Tây, nhất là Đồng Tháp, để nói chuyện về đờn ca tài tử, cải lương cho bà con ở các CLB Đờn ca tài tử dưới đó. Mong muốn của tôi là vừa nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử đờn ca tài tử, cải lương, vừa quảng bá và truyền lửa cho thế hệ trẻ.

 

* Điều gì ở đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương khiến ông mê đắm đến vậy, thưa tiến sĩ?

 

- Chuyên ngành của tôi là Lịch sử văn hóa mà, và tôi rất coi trọng khâu bảo tồn di sản. Khi đi nói chuyện về đờn ca tài tử, cải lương, thật ra là tôi đi nói chuyện về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Hiện nay, như chúng ta thấy, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, và bảo tồn bản sắc văn hóa không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam; các nước cũng đều làm. Chúng ta nhìn qua Nhật Bản, Hàn Quốc, thấy họ bảo tồn di sản văn hóa của họ rất tốt; các nước khác cũng vậy. Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc là câu chuyện của các quốc gia trên toàn thế giới; Việt Nam mình cũng vậy. Bất kỳ nước phát triển nào cũng phải giữ truyền thống; truyền thống - hiện đại phải song hành. Tôi đang góp phần bảo tồn di sản văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

* Đờn ca tài tử, cải lương là những vốn quý của dân tộc. Nhưng làm thế nào đưa đờn ca tài tử, cải lương đến gần hơn với giới trẻ, để các bạn trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của các loại hình nghệ thuật này, vì có thấy được vẻ đẹp thì mới say mê, mới tham gia gìn giữ?

 

- Đưa đờn ca tài tử, cải lương đến với giới trẻ là câu chuyện lớn, các nơi đều bàn. Và như chị nói, khi giới trẻ cảm nhận được cái đẹp của đờn ca tài tử, của cải lương thì mới thích, mới yêu. Tôi đi quảng bá, thật ra là nói cho các bạn trẻ thấy được cải lương đẹp ở chỗ nào, đờn ca tài tử có gì hay mà mình phải giữ. Tôi không yêu cầu tất cả các bạn trẻ phải yêu thích cải lương. Yêu thích một loại hình nghệ thuật là do trời sinh, mình không thể ép ai hết. Có người nghe cải lương thì thích, có người không thích. Các bạn có thể không yêu cải lương, không thích đờn ca tài tử. Nhưng mà đấy là vốn quý của dân tộc. Cho nên dù bạn không yêu, dù bạn say mê loại hình nghệ thuật khác, nhưng bạn phải biết mình là người Việt Nam, mình có trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử, có cải lương… Vậy nên khi có ai đó làm công việc quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, bạn tham gia được gì thì tham gia. Còn bạn muốn yêu loại hình nghệ thuật nào thì yêu, không ép.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

TS Lê Hồng Phước quê ở Tân Châu (tỉnh An Giang), tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Pháp, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào năm 2002. Trước khi người thầy kính yêu qua đời vào năm 2008, thầy dặn ông tiếp bước thầy, giảng dạy môn Lịch sử Pháp. Ông đã hứa với thầy. Đó là một trong những lý do sau khi học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp, ông trở về nước, giảng dạy môn Lịch sử Pháp cho đến nay.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek