Truyền thống gia đình Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của gia đạo, gia phong và gia lễ. Trong đó, gia đạo là đạo đức của gia đình như: đạo hiếu, đạo ông bà, đạo vợ chồng, đạo làm con...
Gia đình là nơi hình thành nhân cách của trẻ. Ảnh: THIÊN LÝ |
Tuy nhiên, trước tác động nhiều mặt của đời sống xã hội, các giá trị truyền thống của gia đình Việt đang có những biến đổi nhất định cần được nhận biết, điều chỉnh phù hợp nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Điểm tựa vững chắc
Thời nay, dù nền nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam thay đổi rất nhiều so với ngày trước, nhưng khuôn phép của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được. Gia đình chị Lê Thị Thanh Lâm ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) gồm vợ chồng, hai người con (1 trai, 1 gái) luôn sống hòa thuận, bởi các thành viên biết cách dung hòa các mối quan hệ với nhau.
Hơn 10 năm chung sống, sẽ không tránh khỏi cảnh cơm không lành, canh không ngọt nhưng những lúc ấy, vợ chồng chị Lâm mỗi người nhịn một câu. Chị Lâm luôn tâm niệm “một điều nhịn là chín điều lành”. Khi bớt giận, hai vợ chồng ngồi lại nói chuyện thẳng thắn, cùng nhau giải quyết vấn đề để cuộc sống ấm êm. Đối với việc dạy bảo các con, chị xác định việc làm bạn với con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con là điều cần nhất, không nên áp đặt theo ý của riêng mình. Bây giờ, điều chị tự hào là hai con đều chăm ngoan, lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ. “Sự thấu hiểu, chia sẻ của các thành viên chính là điều cần thiết để duy trì lửa yêu thương và tạo nền tảng cho gia đình hạnh phúc”, chị Lâm nhấn mạnh.
Trong giai đoạn hiện nay, gia đình chịu ảnh hưởng không nhỏ của cơ chế thị trường. Do đó, con cái rất dễ mắc sai lầm, cha mẹ cần dạy dỗ, bao dung, giúp con vượt qua những sóng gió đầu đời để con nhận thức được rằng gia đình là nơi mà những người sống trong đó thương yêu nhau nhất.
Là người mẹ, bà Nguyễn Thị Ngọc ở phường 7 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Dù con cái mắc lỗi thì cha mẹ vẫn luôn là người bao dung, yêu thương, chở che vô điều kiện. Bởi những lúc như vậy, con cái rất cần sự động viên, sẻ chia và muốn nghe những lời khuyên chân thành từ cha mẹ, ông bà, người thân để vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.
Kế thừa và phát huy
Tục ngữ Việt Nam đã đúc kết “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó” hay “giỏ nhà ai, quai nhà nấy”… như một quy luật, một triết lý giáo dục văn hóa, đạo đức trong gia đình. Đạo đức của ông bà, cha mẹ là sự gieo mầm đạo đức cho thế hệ sau. Một gia đình có nền nếp, cha mẹ giáo dục con bằng những biện pháp hợp lý, dùng lời lẽ nhẹ nhàng để dạy dỗ con, thì đứa bé ấy lớn lên sẽ trở thành một đứa trẻ lễ phép, sống chan hòa với mọi người. Còn đứa trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc khi cha thường xuyên cờ bạc, rượu chè; còn mẹ thì vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền, đôi lúc quá mệt mỏi thường trút cơn giận lên con cái bằng những trận đòn roi vô cớ..., việc ấy vô tình khiến các con luôn có tâm lý sợ hãi, ám ảnh. Do vậy, cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý, hành động của các con.
Theo ThS, chuyên viên cao cấp Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), hiện nay, Việt Nam đang xây dựng gia đình hướng đến mục tiêu no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, dựa trên các chuẩn mực: thương yêu, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau; làm cha mẹ phải có đức nhân từ, hy sinh; làm con phải có đức hiếu kính; làm anh em phải có sự thương yêu nhường nhịn, trong đó, hạt nhân của mỗi gia đình chính là vợ và chồng. Cái gốc của lòng yêu nước thương người trước hết chính là yêu thương cha mẹ mình, anh em của mình. “Với những quan niệm như vậy, nhiều thành viên gia đình thế hệ trẻ đã nhận thức được giá trị tích cực của các giá trị truyền thống và mong muốn phục hồi, bảo lưu những giá trị tốt đẹp đó. Các gia đình này đều có quan niệm khá thống nhất trong việc kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tích cực, loại bỏ những yếu tố không phù hợp, đồng thời xây dựng và bổ sung giá trị hiện đại vào nội dung xây dựng gia đình”, ThS Hoa Hữu Vân bộc bạch.
THIÊN LÝ