Ngày bé tôi ham chơi giống như bao đứa trẻ khác trên đời. Lúc ấy có bao thứ ngoài kia cuốn hút tôi: lũ dế đồng gọi mời, tổ chim ri với vài quả trứng không biết đã kịp nở chưa? đàn cào cào châu chấu dưới đồng cũng khiến tôi háo hức; mấy chùm quả mâm xôi, nho rừng mọc tít trong bụi rậm chắc là đã chín rồi; vài lời hẹn với đám bạn đi tát cá săn sắt về nuôi khiến lòng tôi nóng như lửa đốt. Nên đi học về đến nhà, chân trước chân sau là tôi đòi dắt trâu ra đồng thả. Có khi đang đá bóng cùng lũ con trai tít hút bên cánh đồng trước nhà, tiếng mẹ gọi bị gió xé te tua vọng đến. Đáp lại mẹ là tiếng dạ vội vàng hoặc đứt quãng bởi tiếng thở hổn hển trong trận đấu của những cầu thủ nhí. Ngay cả câu mẹ dọa, mang cái dạ về đây cũng chẳng khiến tôi bận tâm nhiều. Trời tối mịt, trâu đã tự về chuồng từ lâu nhưng lũ trẻ vẫn chưa chịu về nhà. Khi ấy đường về nhà sao mà chán thế…
Ngày bé, tôi thường bị bố mẹ sai vặt đi mua thứ này thứ kia. Hoặc có khi bố mẹ sai chạy quanh làng xin mấy quả khế chua về kho cá, vay tạm vài bát gạo lúc tháng ba ngày tám. Cũng có lúc bố mẹ đặt lên tay tôi rá bánh rợm vẫn còn nóng hổi, chùm nhãn chín đầu mùa, chục bắp vừa bẻ dưới đồng sai mang cho hàng xóm. Những con đường quê chứa bao điều thú vị. Tôi mải mê chạy theo chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn ớt để mặc hoa cỏ may bám đầy ở gấu quần. Hoặc bất ngờ mùi kẹo lạc thơm lừng đã khiến tôi chui tọt vào nhà đứa bạn mà quên mất việc bố mẹ đang đợi cơm ở nhà. Có hôm tôi leo tọt lên ngọn cây nào đó trên đường, rình lũ chim mới nở. Cái tính la cà quện trong mỗi bước chân khiến không biết bao lần mẹ cầm roi chờ sẵn. Lúc ấy tôi ước gì đường về nhà xa thêm chút nữa…
Sau này khi lớn lên phải bươn chải xa nhà mới thấm thía những con đường xa lắc. Lúc ấy tôi thường trở về nhà bằng tâm tưởng. Nhắm mắt lại thấy con đường quê hiện ra ngay trước mắt với cánh đồng xanh ngát và lũy tre kẽo kẹt thì thầm. Cổng của những ngôi nhà thân thuộc trong xóm nhỏ hiện ra. Vẳng bên tai tiếng cười đùa con nít thấp thoáng đâu trong những hàng rào bằng giậu cúc tần. Khói bếp bay lên sau những lùm cây, mùi cá kho của mẹ gọi tôi về. Giật mình tỉnh dậy giữa nơi xa chỉ thấy phố xá ồn ào, những ngả đường ùn ùn mắc kẹt. Nhiều đêm trở gió nằm nghe tiếng ho khan của cụ già hàng xóm trong đêm vắng lòng nhớ nhà quay quắt.
Lòng tự hỏi không biết giờ này ở quê bố mẹ có ngủ ngon? Cánh cửa sổ mối mọt đã kịp thay mới chưa, hay là gió vẫn len lén luồn vào từng hơi lạnh. Hoặc một hôm nào đó thảng thốt bởi tiếng gà trống gáy báo canh giữa phố. Ngỡ ngàng tưởng mình đang nằm trong căn nhà của mẹ cha. Chỉ cần đẩy cửa ra là thấy được mảnh vườn quen thuộc. Hương đất, hương hoa nhài lẫn trong mùi rạ rơm phơi ải ấm rực nơi cánh mũi. Chợt thấy thương chú gà trống nào đó chắc cũng mới xuống phố trên một chuyến tàu xe lạ lẫm. Chắc cũng đang nhớ đàn, nhớ quê gửi nỗi cồn cào trong tiếng gáy. Còn tôi, mỗi lần phải vật lộn với cơn say mềm oặt suốt gần hai trăm cây số, lòng ước gì đường về nhà gần ngay trước mặt...
Chắc hẳn bạn cũng đã từng như tôi, hàng ngày vào mạng xã hội đều nhìn thấy và ao ước những chuyến đi của người khác. Bạn ngưỡng mộ cuộc hành trình của họ. Bạn tha thiết con đường mà họ đi. Bạn cật lực làm lụng vất vả để thực hiện chuyến đi trong mơ ấy. Nhưng bạn biết không, mỗi chúng ta dù giàu hay nghèo, dù làm bất cứ công việc nào, thuộc bất cứ tầng lớp địa vị nào trong xã hội thì chúng ta đều có một con đường giống nhau, một chuyến đi giống nhau: Đi về nhà. Về nhà là về với cội nguồn, tình yêu thương, những giá trị nhân văn và bền chặt.
Dù thành công hay thất bại. Dù vui hay buồn. Dù gần hay xa. Con đường ấy, chuyến đi ấy vẫn luôn dành cho bạn.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG