Basim Al-Zoubi, sinh năm 1957, là nhà văn, dịch giả người Jordan, tác giả của các tập truyện ngắn Cái chết và trái ô-liu (1994), Một trang giấy là ít (2001), Máu của nhà văn (2003), Đặc điểm của một thành phố mệt mỏi (2007), Những ngón tay tôi lên tiếng (2009), Mặt trời mọc từ phía Tây (2012)… Truyện ngắn dưới đây viết về những nỗi đau trong các cuộc chiến Vùng Vịnh.
*
Điều làm cho người tài xế chở anh về từ sân bay ngạc nhiên nhất là một người mù như anh lại biết rất rõ đường sá. Khi xe chạy đến thành phố, vị khách nói:
Minh họa: PV |
- Đây là khu Es-Salt. Bây giờ sẽ vào thành phố, còn từ quảng trường, chạy lên trên sẽ đến khu Dzhad.
Xe chạy theo những con phố nhỏ, hành khách là người chỉ đường, đi đâu, rẽ chỗ nào. Và đấy, ngôi nhà cần tìm có cổng sắt sơn trắng, cao hơn mặt đường mười bậc cấp bằng đá, trên mặt tiền có bụi hoa nhài I-rắc quấn quanh cái vòng với những bông hoa nở rộ hương thơm ngát, ở đấy còn có giàn nho trên lưới sắt, phía sau thấp thoáng cây vả cổ thụ. Ra khỏi xe, người hành khách nhanh nhẹn bước lên những bậc cấp mà không cần phải dùng đến gậy chống cứ như là một người sáng mắt.
*
Người đàn ông gõ vào cổng. Vẫn là họ, anh nhận ra họ qua mùi cơ thể. Trong lúc chờ nghe giọng nói của mẹ hay là của em gái, trái tim anh đập dồn dập. Hai mươi lăm năm qua, họ sống ở đây như thế nào? Chắc là đã già đi nhiều… Liệu trong nhà có ai trong số các chị em của anh hay là một đứa con của họ? Sau cánh cửa vang lên giọng nữ quen thuộc.
- Ai đấy?
- Tôi, Halib đây.
Một sự im lặng kéo dài… tưởng như bất tận. Người phụ nữ sau cánh cửa quan sát anh qua lỗ nhỏ. Một người đàn ông mù, khoảng năm mươi, mái tóc điểm bạc tạo cho anh dáng vẻ đường bệ. Người phụ nữ im lặng, ngẫm nghĩ: “Ai thế nhỉ? Gõ cửa một cách tin tưởng như nhà mình. Thôi được! Dù anh ta có là ai đi nữa…”. Chị cảm thấy hồi hộp, máu chảy rần rật, một ý nghĩ vụt lên: “Cho dù anh ta có là ai thì cũng chỉ là một người đàn ông mù, chắc là có việc quan trọng”. Và chị mở cửa. Người đàn ông bước vào một cách đáng sợ. Anh ta quay sang phải và giơ tay ra, sờ soạng lên thân cây vả. Đây là nhà của họ, không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng mùi hương - không phải là mùi hương của mẹ.
- Naima phải không?
- Phải.
Người đàn ông im lặng giây lát, vẻ bối rối, sau đó anh hỏi:
- Thế mẹ đâu?
- Lại đây! Rồi chúng ta sẽ nói về tất cả mọi chuyện.
Người phụ nữ nắm lấy tay anh, làm anh giật mình, bàn tay của cô ấy sao mà nóng thế. Đây không phải là Naima và cũng không phải mùi của cô ấy. Tại sao cô ấy không đáp lại lời chào của anh bằng câu nói quen thuộc là “lạy thánh Allah”?
Người phụ nữ để anh ngồi xuống chiếc ghế nhựa dưới bóng mát giàn nho, sự căng thẳng giảm xuống.
- Anh uống gì?
Người phụ nữ này không phải là Naima. Naima biết rõ mình thích uống trà ướp hương lá tía tô đất. Anh hỏi:
- Không có trà tía tô đất à?
- Tôi hiểu rồi! Anh muốn uống trà ướp hương tía tô đất.
Không, cô ấy không phải là em gái của anh. Nhưng mùi hương trà với lá tía tô đất từ trong bếp bay ra làm anh hơi yên lòng. Anh quyết định đứng lên và kiểm tra tất cả mọi việc. Hai tay sờ soạng: ô cửa sổ bằng gỗ mở ra khoảng sân nhỏ bên trong, những luống hoa hồng, những bụi tía tô đất, bụi hoa nhài, hoa hồng Damascus; còn xa hơn một chút là cây vả và cây chanh. Còn đây là ba bậc cấp nằm dưới giàn nho, và trong bóng râm của nó là chiếc bình lớn đựng nước. Anh di chuyển một cách cẩn trọng với cây gậy chống, dò dẫm để nhớ lại tất cả và nhận ra mùi hương của từng đồ vật. Anh thả lỏng cơ thể, nhưng ý nghĩ thì vẫn tiếp tục làm việc. Vào đúng lúc ấy, khi người phụ nữ bước vào nhà để pha trà, anh bỗng cảm nhận quanh mình tất cả mọi thành viên trong gia đình, và anh nhớ lại, lúc anh chơi đàn luýt cho họ nghe, còn Naima thì hát bằng một giọng buồn buồn những giai điệu trong vở nhạc kịch của Sadun Dzhaber “Ôi em, cô gái bản xứ… người đẹp nổi tiếng…”. Giờ đây, anh tự trách mình, lúc ra đi đã không gọi điện cho cô, nhưng khi ấy anh bị cấm đoán: gia đình đã cắt đứt mọi quan hệ với anh khi biết về cuộc hôn nhân của anh với cô gái da đen ở Mỹ. Bà mẹ tuyên bố:
- Ta không muốn nhìn mặt nó nữa, không muốn nghe bất cứ tin tức gì về nó.
Khi đó, người vợ đầu của anh đã đòi ly dị, và mọi lời giải thích, vì sao mà anh kết hôn với một phụ nữ có quốc tịch Mỹ đều trở nên vô ích. “Anh nhận được quốc tịch Mỹ - cô vợ tuyên bố - còn tôi thì nhận được cái gì?” Và người vợ bỏ lại đứa con trai ba tuổi của họ cho bà nội rồi ra khỏi nhà.
Người phụ nữ mang trà ra, đặt lên chiếc bàn nhựa dưới giàn nho. Anh hớp một ngụm, chị ta hỏi:
- Anh muốn biết về ngôi nhà à?
- Cô không phải là Naima - anh đáp.
- Tôi là Naima, nhưng không phải là em gái của anh. Tôi từ I-rắc đến.
Đến lúc này thì mọi nỗi lo âu đã biến mất hoàn toàn. Anh uống trà và họ bắt đầu trò chuyện với nhau. Chị kể:
- Chồng tôi chết khi cho nổ bom. Trong đời, tôi đã chứng kiến nhiều chuyện khủng khiếp. Tôi nhìn thấy những chiếc máy bay phóng xuống những quả tên lửa khổng lồ rồi bay đi mất. Tôi nhìn thấy cát bay lên tận trời cao, còn mặt đất thì biến thành những vũng lầy toàn máu. - im lặng giây lát, chị nói tiếp: - Tôi vắt chân lên cổ chạy ra khỏi đấy, và chẳng có ai đi tìm tôi cả.
Anh có thói quen không để cho những ý nghĩ quan trọng cứ ám ảnh mình quá lâu… Anh hỏi thẳng:
- Cô lấy tôi chứ?
Chỉ vài giây trước, người phụ nữ đơn thân này đã hướng tất cả mọi sự chú ý của mình vào những đặc điểm của người đàn ông, còn anh không nhận ra những dấu vết của sự sợ hãi, sự đói khổ và cả sự hạ mình trên khuôn mặt chị. Chị chưa đến bốn mươi, nhưng cuộc sống đã thành một gánh nặng. Tuy nhiên, trong giây phút ấy, chị đã thức tỉnh sau cơn mê nặng nề, giống như sau cái tát, sau phát đạn hay là sau tiếng quát gay gắt. Và chị đáp:
- Không!
Anh bị bất ngờ. Sự linh cảm của người đàn ông mách bảo cho anh biết, chị sẵn sàng chấp thuận không chút do dự. Chuyện ấy vẫn xảy ra với tất cả những người phụ nữ mà anh đã từng đề nghị lấy anh làm chồng.
- Tại sao? - anh hỏi.
Chị đáp ngay:
- Chẳng phải anh là người Mỹ hay sao?
Anh không lường trước một lý do như thế! Mặc dù đã sống ba mươi năm ở Mỹ, đã có quốc tịch và đã lấy một cô vợ người Mỹ, nhưng chưa một ngày nào anh coi mình là người Mỹ.
Anh thốt lên:
- Cô nói gì thế? Tôi không phải là người Mỹ. Hoàn cảnh đã buộc tôi phải xin quốc tịch Mỹ.
Chuyện đời của chị rất buồn, và anh cũng không đi sâu tìm hiểu. Trước đôi mắt đã mờ đục của anh, những sự kiện trong cuộc đời chị không thể hồi sinh trở lại. Nhưng làm sao anh có thể quên được đứa con trai Iosif của mình và quên được những gì đã diễn ra vào thời gian cuối của cuộc sống chung giữa anh và Merion? Vợ thông báo cho anh biết là con trai của họ đã nhập ngũ. “Khoan đã, có phải hiện giờ nó đang đóng quân ở I-rắc? Nó đang giết những người I-rắc ở đấy? Aiman là con trai đầu của anh, một người Hồi giáo ngoan đạo đến mức, có một lần nó biến đi đâu mất tăm, liệu nó có sang I-rắc hay không?”
Và thế là anh em lại gặp nhau trong cuộc chiến, và người này bắn người kia.
Aiman ngồi sau tay lái, cho xe chạy về phía chợ Bagdad, trên xe chất đầy thuốc nổ. Nó sẽ bị kích nổ từ xa… Trong số những người chết - có cả chồng của Naima…
*
Naima nói:
- Tôi cũng đã phải ngồi tù.
Anh choàng tỉnh. Chị nói bằng một giọng đều đều cứ như là đang lật các trang báo.
- Và tôi cũng bị cưỡng hiếp.
Anh chỉ im lặng. “Chẳng lẽ Iosif cũng nằm trong số những người đó? Ôi cái đầu đáng nguyền rủa của tôi! Tại sao tôi lại để Iosif ở lại với Merion? Một người mù…” Anh muốn hét to lên. Nhưng chỉ nhắc lại:
- Hãy lấy tôi làm chồng đi!
- Nhưng chúng ta chỉ vừa mới quen nhau.
Liệu anh có quyền nói “tôi yêu em” hay không? Chẳng lẽ tình yêu có thể đến chỉ sau một giờ?
Bao giờ tình yêu cũng mù quáng.