Đam mê nghệ thuật tạo hình và luôn tìm tòi sáng tạo, nhà điêu khắc Huỳnh Công Nam khẳng định mình bằng những tác phẩm mang hơi thở đời sống. Nhắc đến Huỳnh Công Nam, bạn bè đồng nghiệp liền nhớ đến Nhịp sống, Biển gọi, Cờ lau tập trận… Mới đây, nhà điêu khắc trẻ có thêm niềm vui, khi mô hình linh vật hổ đặt ở công viên Thanh Thiếu Nhi dịp Tết Nhâm Dần, do anh thực hiện từ ý tưởng và thiết kế của Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên được công chúng khen ngợi.
Lúc nhỏ, cậu bé Huỳnh Công Nam rất thích nặn đất sét thành các con vật. Theo năm tháng, niềm đam mê lớn dần, Nam quyết tâm thi vào Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh - nơi chị của Nam đang học. “Khi tôi đến ký túc xá của Trường đại học Mỹ thuật để luyện thi vẽ, gặp các anh chị sinh viên, tôi biết trường có Khoa Điêu khắc. Vậy là tôi thi vào trường này, ngành Điêu khắc và theo đuổi niềm đam mê”, Huỳnh Công Nam chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học, Huỳnh Công Nam làm việc tại TP Hồ Chí Minh - nơi những nhà điêu khắc trẻ như anh có thể sống được bằng nghề. Xa quê hương nhưng Huỳnh Công Nam vẫn gắn bó với quê hương, tham gia các hoạt động nghệ thuật tại quê nhà. Anh là hội viên Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên.
Bận rộn với việc mưu sinh ở phương Nam nhưng nhà điêu khắc trẻ vẫn dành thời gian tìm tòi, sáng tạo. Từ năm 2010-2017, một loạt tác phẩm ra đời, trong đó phải kể đến bức phù điêu Cờ lau tập trận, được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2010, hay tác phẩm điêu khắc Chiến hữu, góp mặt tại triển lãm khu vực năm 2012, đều được đánh giá cao. Với Cờ lau tập trận và Chiến hữu, Huỳnh Công Nam được trao giải khuyến khích Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên lần thứ IV, giai đoạn 2010-2015. Chị anh - họa sĩ Huỳnh Thị Cam - cũng từng có tranh góp mặt trong các triển lãm, sau đó làm giảng viên tại một trường cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh.
Nhà điêu khắc Huỳnh Công Nam (thứ hai, từ phải sang) bên tác phẩm Nhịp sống. Ảnh: CTV |
Năm 2017, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ 22 do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-DL Bình Định tổ chức tại TP Quy Nhơn, Huỳnh Công Nam gây ấn tượng với tác phẩm điêu khắc Nhịp sống - một trong loạt tác phẩm được anh thực hiện trong 7 năm. Bằng chất liệu composite, Huỳnh Công Nam tái hiện hình ảnh chú bé đánh giày mang thùng đồ nghề bước vội trên đường. Nhịp sống được đánh giá cao bởi bố cục chặt chẽ, đường nét mềm mại, ý tưởng sâu sắc. Qua bước chân vội vã và biểu cảm trên gương mặt chú bé đánh giày, người xem cảm nhận nhịp sống hối hả, tất bật nơi đô thị đông đúc.
Khép lại triển lãm năm đó, Nhịp sống là một trong ba tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc Phú Yên được đề nghị Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng. Niềm vui ùa đến với Huỳnh Công Nam, khi Nhịp sống được trao giải B. Nhà điêu khắc sinh năm 1984 chia sẻ: “Tôi luôn muốn tìm tòi, khám phá, tạo nên tác phẩm tốt cho thỏa niềm đam mê và phục vụ cộng đồng, xã hội”.
Nhịp sống và một tác phẩm khác - Biển gọi (được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 23 năm 2018) đã đưa Huỳnh Công Nam đến với giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên lần thứ V, giai đoạn 2016-2020. “Giải thưởng là động lực, cũng là lời nhắc nhở tôi phải nuôi dưỡng niềm đam mê, cố gắng sáng tạo những tác phẩm tốt”, nhà điêu khắc quê ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) chia sẻ.
Đầu năm 2022, Huỳnh Công Nam có thêm niềm vui khi mô hình linh vật hổ tại công viên Thanh Thiếu Niên (TP Tuy Hòa) do anh thực hiện từ ý tưởng và thiết kế của Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên được công chúng khen ngợi. Anh cho biết: Qua sự kết nối của một người anh, tôi thực hiện tác phẩm này cho Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên. Họ đưa ra ý tưởng hay, thiết kế đẹp, có ý nghĩa và mang dấu ấn Phú Yên, làm cho tôi tâm đắc. Hai bên trao đổi và thống nhất từng chi tiết. Tôi làm bản phác thảo trước, sau đó mới thực hiện tác phẩm chính thức.
Sau khoảng một tháng, công trình hoàn thành. Mô hình linh vật hổ được làm bằng kính mica, có chiều dài 6m1, cao 3m08, nặng hơn 70kg, trông rất uy dũng. “Chúa sơn lâm” bước trên những cột hoa - hình ảnh cách điệu từ gành Đá Đĩa - thắng cảnh nổi tiếng của Phú Yên. Đây là một trong những cụm tiểu cảnh tại đường hoa xuân Nhâm Dần ở TP Tuy Hòa. Điều thú vị là nhìn ở góc nào, mô hình linh vật hổ cũng oai vệ, dũng mãnh. Vào ban đêm, với sự hỗ trợ của hệ thống đèn bên dưới, chú hổ Phú Yên càng rực rỡ. Không chỉ được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, chú hổ ở Phú Yên được đánh giá là xuất sắc nhất trong gia đình nhà hổ năm 2022 trên cả nước.
Huỳnh Công Nam vẫn đi đi về về giữa Phú Yên và TP Hồ Chí Minh. Anh có xưởng điêu khắc trong đó, vợ anh cũng làm việc trong đó, nhưng nhà vẫn ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa). Anh tham gia một số dự án ở các tỉnh thành và tích cực đóng góp khả năng sáng tạo cho quê hương. Đơn giản vì anh là một người con của Phú Yên.
Huỳnh Công Nam là nhà điêu khắc trẻ thành danh sớm, không có lời ra tiếng vào. Lặng lẽ sáng tạo, sống giản dị, tự tin - đó là phẩm chất của Nam.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên |
YÊN LAN