Thứ Sáu, 04/10/2024 02:24 SA
Ấm áp tình người – truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Chủ Nhật, 23/01/2022 06:00 SA

Lúc Thuần đang kéo cá dưới đồng thì thằng cháu ở trên bờ giơ điện thoại huơ huơ, í ới gọi:

 

- Chú Thuần ơi, có điện thoại này.

 

- Ai gọi thế?

 

- Bác cả ạ.

 

- Cháu nghe xem bác bảo cái gì.

 

Thuần lại gò lưng kéo lưới, đám cá hoảng loạn nhảy phơi những chiếc bụng trắng phau. Trên bờ người kéo đến mua cá ngày càng đông. Vợ con Thuần tay cân, tay giao vẫn không kịp bán. Đầm rộng, bảy người kéo lưới trong tiết trời giá lạnh, gió thổi vù vù bên tai. Trên bờ, tiếng thằng cháu vọng xuống:

 

- Bác cả bảo cuối tuần họp gia đình.

 

- Cái gì? Họp gia đình hả? Có việc gì mà phải họp gia đình?

 

- Cháu có hỏi nhưng bác ấy bảo hôm nào họp khắc biết.

 

Thuần lẩm bẩm, cuối năm nhà nông bao nhiêu việc, vắt chân lên cổ chạy còn không kịp sao tự nhiên lại còn bắt họp gia đình. Mà kể cũng lạ, bác ấy là sếp suốt ngày họp hành ngoài xã hội còn chưa đủ chán hay sao? Mà có gì đâu để phải họp gia đình. Nhà có năm anh em, mỗi người một việc. Bốn anh chị đều thoát ly, mỗi Thuần là ở nhà tiếp tục cơ nghiệp ruộng vườn của mẹ cha để lại. Vừa là để trông nom nhà cửa, lo hương khói mồ mả gia tiên. Vừa là vì làm nông có lẽ hợp với Thuần hơn cả, ngày vất vả tay chân nhưng tối đến kê cao đầu mà ngủ. Chẳng phải nghĩ ngợi toan tính mệt đầu. Có chăng cũng chỉ lo lúa chín chưa kịp gặt mà gặp cơn mưa rào đổ hết, hay đàn lợn đến lúc xuất chuồng thì bỗng nhiên xuống giá. Nhưng mấy cái đó có lo cũng chẳng được, may thì thiên thời địa lợi mà xui thì lấy công làm lãi. Bác cả thì khác, làm chủ một nhà máy chè với mấy chục nhân công đâu phải chuyện giản đơn. Đâu chỉ là miếng cơm manh áo của riêng gia đình bác. Ngày xưa dân quê Thuần trồng chè nhiều lắm, căn bản vì giống cây này ưa vùng đất cộc cằn. Nhưng giá chè bấp bênh, có năm rẻ quá chẳng đủ công thu hái vì phải phụ thuộc vào nơi khác đến thu mua, ép giá. Nhiều nhà đành phá chè chuyển đổi giống cây trồng mới. Hồi nhà máy chè được xây dựng, khỏi phải nói nông dân trong huyện mừng đến thế nào.

 

Để thuận tiện cho việc làm ăn, bác cả đã mua nhà dưới huyện. Căn nhà của bố mẹ để lại trên quê nhờ vợ chồng Thuần trông nom. Tuy chỉ cách nhau gần hai chục cây số nhưng công việc bận rộn nên thỉnh thoảng bác cả mới về. Lần nào về cũng vui, bác đi dạo quanh vườn ngó vườn táo, cây na, hái những trái vú sữa đầu mùa thắp hương bố mẹ. Có khi bác đi hỏi thăm quanh hàng xóm hay những người già trong họ. Bác được tiếng chu đáo, thảo thơm nên người trong dòng tộc ai cũng quý mến. Từ trước đến giờ mấy chị em Thuần vẫn bảo nhau nhìn bác cả mà sống. Anh trên em dưới nhường nhịn lẫn nhau. Sống có nghĩa có tình với làng trên xóm dưới, không để ai phải phàn nàn bất cứ điều gì. Bao năm nay chẳng phải họp hành gì, chuyện lớn chuyện bé cứ thế bảo nhau là êm xuôi hết. Giờ cái tin bác cả muốn họp gia đình khiến Thuần tự nhiên nóng ruột.

 

Cuối tuần bác cả về từ sớm. Lúc Thuần mở cửa tính đi đun ấm nước pha trà đã thấy bác ngồi ở bậc hè, râu tóc đọng sương, bất động. Khoảnh khắc ấy Thuần thấy nhói lòng vì linh cảm dường như có việc gì đó hệ trọng sắp diễn ra. Rót chén trà nóng, bác cả nhấp môi từng ngụm một, cái lạnh dần tan ra. Bác thở dài nhìn mông lung ra màn sương dày đặc nói bâng quơ:

 

- Sương thế này vật nuôi dễ bệnh lắm.

 

- Vâng bác. Em phải tiêm phòng cho mấy đàn gà mà vẫn không ăn thua. Đợt vừa rồi chết mất gần chục con đấy ạ.

 

- Anh nhớ mãi ngày xưa, cứ cuối đông là sương muối cắt da cắt thịt. Nhà vào vụ thu hoạch sắn. Mẹ dậy từ rất sớm, đi phơi sắn đầy sân. Tay mẹ cả đời lúc nào cũng lạnh.

 

- Hồi ấy có những ngày cả nhà mình toàn ăn sắn thay cơm. Hết sắn luộc, sắn nướng thì ruôi nhỏ hấp cơm. Quần áo ấm cũng không có mà mặc. Thế mà anh em mình vẫn khỏe mạnh, lớn khôn chẳng tốn viên thuốc nào.

 

- Căn nhà này là nơi lưu giữ biết bao nhiêu kỷ niệm. Chú có nhớ chỗ kia không? Ngày xưa ở đó để chiếc xe bò, mùa đông đến anh em mình lót ổ rơm nằm ngủ. Chỗ kia trước trồng hai cây xoài, mẹ mắc võng ở đó. Trưa hè nào mấy anh em cũng tranh nhau nằm võng, mẹ mỏi tay thức quạt. Nhớ không?

 

- Làm sao mà quên được bác ơi. Có nhiều buổi trưa chập chờn giấc mộng em mơ thấy mẹ về ngồi ở ngay chỗ này. Tay mẹ cầm chiếc cối giã trầu, miệng bỏm bẻm nhai. Lại có hôm em nghe thấy tiếng bố ho khan. Tiếng bố trầm và ấm nói vọng vào nhà: “Lát thằng Thuần nhớ dắt trâu buộc vào bóng râm. Ôm cho nó ít rơm, để chiều tối bố còn cho nó cày nốt thửa ruộng dưới đồng sâu”. Em tỉnh dậy tưởng đời người nhanh như chớp mắt. Mà sao hôm nay bác hoài niệm chuyện xưa? Có việc gì quan trọng mà tự nhiên lại họp gia đình vậy ạ?

 

- Đợi lát nữa hai cô về đông đủ.

 

Sương tan, trà nguội, người cũng đã về. Bác cả hít một hơi thật sâu, chầm chậm giãi bày:

 

- Các em cũng biết đấy, hai năm nay dịch bệnh liên miên gần như công ty nào cũng gặp khó khăn. Nhà máy chè của anh cũng vậy, sản phẩm tiêu thụ giảm đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Do các nhà hàng, khách sạn, siêu thị phải tạm thời đóng cửa. Đã có lúc nhà máy phải bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn sản xuất nhưng vẫn không tháo gỡ được khó khăn. Dù đã giảm bớt lao động nhưng anh buộc phải giữ lại nhiều công nhân chủ chốt. Vì nếu để họ đi tìm công việc khác, sau này sẽ khó tìm được lao động thạo nghề. Nhiều tháng nay nhà máy phải vay ngân hàng để trả lương cho họ. Giờ anh rất cần vốn để tái sản xuất sau dịch. Nên anh tính bán căn nhà và mảnh vườn này…

 

- Bán nhà ư?

 

Mấy chị em Thuần đều thốt lên rồi nhìn nhau lặng lẽ và buồn bã. Mảnh đất này ngày xưa vốn hoang hóa, bố mẹ phải khai hoang đến phồng rộp cả tay. Từng anh chị em ra đời, ôm ấp nhau dưới những tán xanh mà khôn lớn. Lúc bố mẹ mất đi, chị em gái lấy chồng, đất đai được chia đôi cho hai anh em trai. Phần bác cả có thêm căn nhà để thờ cúng tổ tiên. Còn Thuần được chia một nửa đất đủ cất nhà và chăn nuôi trồng trọt. Mấy năm nay đường trước nhà mở rộng, đất đai có giá cả tỉ bạc một thổ nhưng chưa bao giờ Thuần nghĩ đến việc cắt đất bán đi. Giờ nghe bác cả nói mà lòng Thuần chùng xuống.

 

- Bác đã tính kỹ chưa? Tiền có thể xoay xở nhưng đất đai tổ tiên bán đi thì sau này có muốn cũng không mua lại được.

 

- Thì anh cũng biết thế nhưng chẳng nhẽ lại đóng cửa nhà máy. Các cô chú cũng biết đấy, bao nhiêu tâm huyết của anh đều dồn vào đó cả. Nhà máy còn là miếng cơm manh áo của biết bao nhiêu người. Là hy vọng của cả vùng đất chè này nữa.

 

- Thì bác cứ để chúng em thử tính xem sao đã…

 

Suốt đêm đó Thuần không sao ngủ được, nằm trằn trọc tính toán đủ đường. Sáng hôm sau vợ chồng Thuần rủ rỉ bàn luận với nhau.

 

- Hay là mình mua lại căn nhà và mảnh vườn này? Anh không muốn đất đai tổ tiên rơi vào tay người khác. Nhà mình dù gì cũng mấy đứa con trai. Sau này chúng cũng phải lấy vợ xây nhà chứ?

 

- Mình làm gì có đủ tiền đâu? Số tiền tích cóp bao năm cũng chỉ vài trăm triệu gửi cả ngân hàng. Anh rút ra đưa cho bác cả xoay xở chứ mua bán gì. Anh không nhớ ngày xưa mình mới ra ở riêng, con cái còn nhỏ, nếu không nhờ bác cả giúp đỡ thì sao có được ngày hôm nay.

 

Nghe vợ nói Thuần lặng người đi. Đúng là bao năm qua việc lớn việc nhỏ trong nhà mấy chị em đều có bàn tay bác cả đứng ra vun vén. Giờ là lúc mỗi người một tay một chân giúp bác vượt qua khó khăn này. Nghĩ là làm liền, Thuần cầm máy gọi từng người một. Con cháu góp mỗi người một ít, chị gái anh rể cũng vui vẻ đồng lòng. Tiền không thể có ngay cũng phải chờ vài ngày lo liệu. Cuối năm bận càng thêm bận, điện thoại Thuần kêu inh ỏi suốt. Có khi đang gieo mạ vụ đông xuân thì có người gọi về bán buôn nốt vườn bưởi cuối vụ. Đang bận tu bổ khu mộ gia đình thì bác trưởng khu gọi đi phát cờ cho từng nhà treo mừng năm mới. Đấy là năm nay dịch bệnh không có khoản hội họp, liên hoan cuối năm. Vợ Thuần còn bận bán mua, chợ búa cố hết vụ rau để sang vụ táo. Bọn trẻ thì đứa đi làm ăn xa, đứa ở nhà cũng đang bận tăng ca trong khu công nghiệp. Trên loa làng ngày nào cũng hai, ba lượt phát bản tin “phòng chống COVID-19”. Đâu đó có tiếng người hỏi nhau chẳng biết bao giờ dịch bệnh mới qua đi?

 

Năm nào cũng vậy Tết Dương lịch là dịp tụi nhỏ về đông đủ. Vợ chồng Thuần làm mâm cơm mời bác cả về bàn công chuyện. Mấy ngày nay bận rộn là thế nhưng Thuần vẫn chú tâm vào việc chính là gom góp tiền nong đưa cho bác cả. Thuần bảo:

 

- Mấy chị em cùng các cháu trong nhà góp lại được từng này gửi bác. Bác giữ để xoay xở trước mắt, đến đâu lo đến đó. Hồi còn sống bố mẹ vẫn thường nói ông trời chẳng đẩy ai đến đường cùng. Còn cái nhà và mảnh vườn này bác cố gắng giữ lại, sau con cháu còn có lối đi về.

 

Nhìn cục tiền gần cả tỉ đồng đặt ngay ngắn ngay trước mắt, người đàn ông đang bước qua ngưỡng cửa tuổi sáu mươi rưng rưng xúc động. Ông đã từng cầm nhiều số tiền lớn hơn như thế trong đời. Nhưng đây là số tiền của những người ruột thịt, tích cóp từ mồ hôi nước mắt, công sức ruộng vườn thật đáng quý biết bao. Nó thấm đẫm ân tình lúc hoạn nạn, khó khăn. Lúc nhìn bác cả run run thắp mấy nén hương lên bàn thờ gia tiên, Thuần nhận ra mới chỉ có vài ngày mà mái tóc anh mình đã bạc thêm nhiều. Thuần tin rằng cuộc sống dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng chỉ cần cố gắng thì mọi thứ sẽ dần tốt đẹp lên. Cha mẹ ở trên cao hẳn cũng thấy yên lòng khi anh em Thuần vẫn bao bọc lấy nhau như lúc còn thơ dại. Gạt đi dòng cảm xúc trầm lắng ngày cuối năm, Thuần giục vợ con dọn mâm ra. Rót vài ly rượu nếp mấy anh em, bác cháu cùng nâng lên chúc mừng năm mới…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek