Thứ Sáu, 04/10/2024 00:22 SA
Nắng xuân vừa rạng... – truyện ngắn của Y NGUYÊN
Chủ Nhật, 16/01/2022 07:00 SA

1. Buổi học gần giáp tết. Lũ học trò lớp 7 hôm nay không quan tâm bài vở mà toàn chộn rộn chuyện tết nhất. Thông cảm, mình cũng một thời như thế nên chị nhắc nhở các em cho có chừng, không mắng. Kệ, ra Giêng đường nào chúng cũng “thuần” lại khi những háo hức tết nhất đã hai năm rõ mười thành quá khứ. Lũ nhỏ sẽ lại chú tâm vào chuyện học hành, có mơ cũng chỉ là chút mơ mộng tầm xa cho cái tết… năm sau. Còn giờ đây tết đang cận kề sao có thể bắt chúng ngồi yên? Phải, tuổi thơ còn có niềm vui nào lớn hơn niềm vui tới tết. Được ăn ngon mặc đẹp. Được tạm gác chuyện lớp trường bài vở. Được tha hồ rong chơi, thở hít cái không khí rộn rã tưng bừng của những ngày đầu năm mới. Chuyện ấy hôm nay đã thành viễn cảnh… kề cận. Giờ chúng đang nhấm nháp cái viễn cảnh ấy một cách thích thú bằng những câu chuyện tết “nối dài nhiều tập” rất… liên miên: Tết nay sẽ ăn gì, mặc gì, chơi gì và vân vân. Cuối buổi học, tự dưng muốn sẻ chia chút háo hức của lũ học trò, chị vừa xếp giáo án cho vào cặp vừa cười hỏi: Tết này tụi em mỗi đứa được mấy bộ đồ mới? Chỉ chờ có vậy lũ nhỏ lập tức nhao nhao: Em một bộ! Em hai bộ! Em ba bộ, mà mẹ mới hứa đi mua chớ chưa thấy cô ơi! Em sướng thiệt nha. Chưa đâu cô ơi, sướng nhất là bạn Quân kìa; nghe mẹ mua cho bạn ấy lần… năm bộ! Thiệt hả Quân? Quân cúi mặt lỏn lẻn cười: dạ, mẹ kêu em học giỏi nên thưởng… Đúng đó, là do Quân học giỏi. Các em muốn nhiều đồ mới thì cũng ráng học giỏi như Quân đi! Không đúng, cô ơi; do nhà bạn ấy giàu. Cô coi bạn Thới kìa, học cũng giỏi mà tết đâu có đồ mới? Thiệt hả Thới, sao vậy em? Lại lũ nhỏ nhao nhao trả lời thay: Thưa cô, nhà bạn ấy khổ lắm. Áo quần bạn mặc đi học toàn “đồ cứu trợ” đó cô. Xin đồ cũ mặc không à…

 

Ra vậy. Chị khựng lại, nghe sống mũi cay cay. Hình như lâu nay mình quá bận rộn, quá loay hoay với nỗi đau riêng nên chưa quan tâm đúng mức tới học trò. Những đứa học trò hoàn cảnh đặc biệt như Thới. Mông Văn Thới, cái họ “Mông” của những đồng bào thiểu số Tày/Nùng. Đồng bào di cư tự do từ Bắc vào Nam, đậu lại nơi cái huyện vùng cao này cuộc sống đa phần còn khó khăn. Nhưng khó gì khó, tuổi thơ tết không có nổi manh áo mới hẳn phải là tuổi thơ vô cùng cơ cực; chuyện ấy thì chị biết, rất biết…

 

Trưa chị bỏ ngủ, mượn xe máy một mình tìm lên nhà Thới.

 

2. Ngôi nhà gạch nhỏ xíu chưa tô trát lọt thỏm trong vuông đất độ hai sào ta trồng toàn sắn. Gọi nhà cho sang, thực chất nó là cái “ô gạch” xây rộng độ hai chục mét vuông mái lợp tôn, duy nhất một cửa sổ và một cửa ra vào. Bên trong là cuộc sống của 5 con người: bố, mẹ, hai con và một ông cụ tuổi ngoài tám mươi ốm yếu. Nhìn qua chị hiểu ngay vì sao tết Thới không có áo mới. Tài sản gia đình - ngoài cái “ô gạch” và đám sắn rộng hai sào thì không còn gì. Người phụ nữ xanh xao, gầy gò ngồi tiếp cô giáo cho biết mình là mẹ Thới. Anh đâu rồi chị? Ông đi làm rồi. Làm xa, lâu lâu về một lần. Vậy chị không đi làm? Tôi bệnh, không làm nổi, ở nhà trông hai đứa con... Hai đứa con là Thới với đứa em gái còn đi mẫu giáo. Thêm ông cụ bố chồng mất sức lao động. Nhà năm con người sống dựa vào mỗi thu nhập làm thuê của bố Thới, chưa kể lâu lâu còn phải chạy tiền đưa mẹ Thới đi bệnh viện. Ngày ngày Thới đến trường trên chiếc xe đạp cũ, quà của một người hàng xóm tốt bụng. Bữa sáng nắm xôi lạt. Bữa trưa, chiều có cơm ăn no là phúc, không dám mơ màng cá thịt. Thới kể: những đợt công việc khó khăn, bố chậm mang tiền về, cả nhà em toàn ăn cơm với rau rừng, lá sắn. Nhưng em thèm học lắm. Mẹ mấy lần bảo nghỉ, đi làm với bố mà em không chịu…

 

Chị nghe, rớt nước mắt!

 

3. Bài viết gửi tòa soạn, vào chuyên mục “địa chỉ cần giúp đỡ”, giật cho cái tít thật kêu: “Cô ơi, em không có tết!”. Xong là từng ngày chờ đợi. Hy vọng báo in. Hy vọng có một mạnh thường quân lưu tâm. Cũng lạ, xưa giờ chị viết bài vận động giúp học trò nghèo không ít, nhưng chưa bao giờ phập phồng mong ngóng như lần này. Phải chăng do sắp tết, do nỗi ước ao đứa học trò nghèo hiếu học của mình lần đầu tiên biết thế nào là tết?

 

Chị nhớ đến tuổi thơ cơ cực của mình.

 

Cha mất sớm. Mình mẹ bươn chải nuôi mấy chị em ăn học. Ngày ngày cơm rau mắm. Mặc toàn đồ cũ mẹ đi xin về sửa. Thương mẹ vất vả nên mấy chị em không đứa nào dám vòi. Vậy nhưng mỗi khi tết đến thấy nhà người ta ăn uống tưng bừng còn nhà mình bếp núc lạnh tanh, thấy bạn bè xúng xính quần áo mới tinh còn mình vẫn sơ mi cháo lòng với cái quần âu xanh cũn cỡn mặc gần ba năm chưa thay là tự nhiên… muốn khóc. Mà không, khóc thiệt chớ muốn gì nữa. Chui vào hóc kín khóc lén cho mẹ khỏi thấy. Nhưng rồi mẹ cũng bắt gặp. Mẹ không mắng; chỉ thở dài vơ cái nón mê rảo bước sang cô Tư thợ may hàng xóm. Tết năm ấy lần đầu tiên mấy chị em được mẹ may áo mới. Mừng thôi là mừng - cho đến lúc biết mẹ phải đêm đêm qua thức làm khuy tra nút cho cô Tư cả tháng ròng trừ nợ món tiền mượn may áo tết…

 

Đã cận tết mà tín hiệu từ tòa soạn vẫn biền biệt. Thôi rồi, chắc cuối năm người ta lu bu công chuyện không lưu tâm. Đành “tự thân vận động” thôi. Khả năng chị không nhiều, nhưng cũng phải cố làm điều gì đó…

 

Quần áo tết cho con trai chị đi chợ mua hai bộ. À không, ba, thêm bộ nhỏ cho bé gái. Con mừng: Của con hết hả mẹ? Mà sao có… đồ con gái?? Không, con một bộ đồ nam thôi, còn mẹ mua cho bạn. Mẹ quát: Cái thân một mình nuôi con, thiếu trước hụt sau không lo, toàn đi lo việc… bá tánh! Chị cười cười, nín lặng. Thới học ngang lớp con trai chị, tầm vóc chắc giống nhau. Chỉ con bé Hờ Thảo em Thới đành liệu… mua đại. Kệ, rộng chút sang năm nó còn mặc vừa! Xong vụ áo tết, yên tâm. Bánh mứt thịt thà cho mâm cơm tết nhà Thới mình sẽ nghĩ cách sau. Thiệt tình, chị không thể nuốt nổi cơm khi hình dung cảnh gia đình học trò phải ăn bữa cơm đầu năm với lá sắn…

 

*

 

Buổi học cuối trước tết, chị đi dạy mang theo bọc áo quần, ít bánh mứt với chút tiền trích từ khoản lương mới nhận đủ mua cân thịt cho mâm cỗ đầu năm. Ít, nhưng là tất cả những gì chị có thể xoay xở, bớt xén từ tiêu chuẩn tết dự định dành cho hai mẹ con. Đầu buổi chị tìm gặp Thới, dặn: lát tan học em ghé lên phòng hội đồng cho cô gửi quà tết! Mắt cậu trò nhỏ lam lũ vụt sáng. Chị nhìn ra trong đó thứ ánh sáng hân hoan xen lẫn ngỡ ngàng của một niềm vui trước nay chưa từng biết…

 

Giữa buổi có thêm điện thoại của thầy hiệu trưởng: Cô lên văn phòng ngay, có nhà hảo tâm muốn gặp, trao quà tết cho em Mông Văn Thới. Họ nói đọc được bài của cô trên báo…

 

Chị buông viên phấn, thở một hơi dài nghe nhẹ tênh lồng ngực. Ngoài kia nắng xuân vừa rạng, xua đi chút rét mướt âm u cuối đông còn rơi rớt. Mặt chị bất giác cũng ngời lên trong một nụ cười lung linh tỏa nắng. Thới ơi, năm nay em có tết rồi…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek