Lâu lắm rồi mới có một phim tài liệu thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả như Ranh giới. Tuy nhiên, không chỉ nhận được rất nhiều lời khen về những hình ảnh chân thực, đầy ám ảnh, Ranh giới cũng vấp phải luồng ý kiến phản đối về việc quay cận mặt bệnh nhân COVID-19.
Phim tài liệu Ranh giới do Tạ Quỳnh Tư đạo diễn, phát trên kênh VTV1, trong chương trình VTV đặc biệt. Phim thu hút khán giả trước hết ở đề tài “nóng”: Cuộc chiến với COVID-19 của các y bác sĩ điều trị, ngay tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Ê kíp làm phim đã vào khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương - nơi được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phân tầng điều trị từ tầng 1 đến tầng 4 theo mô hình tháp 5 tầng (trước đây) của Bộ Y tế. Sức hút của phim, trước hết là ở những hình ảnh, âm thanh được ghi lại từ nơi mà ngoài các thai phụ, sản phụ mắc COVID-19, chỉ có thầy thuốc mặc trang phục phòng hộ mới bước vào. Ở đó, các “chiến sĩ áo trắng” chạy đua với thời gian để giành giật hơi thở cho người bệnh và cho sinh linh bé bỏng nằm trong bụng bệnh nhân. Ở đó, nhiều thai phụ mắc COVID-19 đang trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Ở đó, tình thương bệnh nhân, tình thương con người đã đưa những người thầy thuốc vượt qua ranh giới của sự chịu đựng.
Phim không lời bình; cuộc chiến với COVID-19 ở khu K1 được thể hiện bằng những hình ảnh, âm thanh sống động, ám ảnh. “Không ai bỏ em hết. Em bây giờ chỉ lo thở thôi, đừng nghĩ gì hết. Em thở cho em, không phải thở cho chị. Em thở cho đứa bé nữa”, nhân viên y tế động viên một bệnh nhân đang thở oxy. Phim có một số chi tiết “ghim” vào tâm trí người xem. Đó là khi bác sĩ gọi điện để bệnh nhân gặp người nhà trước lúc đặt ống nội khí quản. Người vợ thều thào nói với chồng qua đôi môi tím tái “Anh ơi em sợ quá!”. Và chị khóc “Em muốn gặp con”. Đó là khi nhân viên y tế ra sức ép tim, nhưng rồi mạch và huyết áp của bệnh nhân vẫn bằng 0, trái tim người bệnh ngừng đập vĩnh viễn. “Không cứu được, nó đau lắm. Khi thấy một bệnh nhân bị vậy, nó đau từ trong tim. Bao nhiêu con người cũng không cứu được”, chia sẻ nghèn nghẹn của một nhân viên y tế. Đó là khi người cha khóc nức nở, nhìn những hình ảnh cuối cùng của con gái mình do bác sĩ ghi lại…
Phim không lời bình thường “kén” khán giả, nhưng Ranh giới được thực hiện tại một hiện trường đặc biệt nên có sức hút lớn đối với người xem. Sau khi phim được phát sóng, mạng xã hội cũng dậy sóng. Rất nhiều người bày tỏ sự xúc động và khen ngợi phim tài liệu này. Ca sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam viết trên trang facebook cá nhân: “Sau khi xem trọn vẹn hơn 50 phút Ranh giới đã mang lại cho Lam rất nhiều cảm xúc, có nhiều khoảnh khắc ám ảnh, xót xa đến tận cùng! Những sinh tử trong gang tấc. Lịch sử đã cho thấy, càng những lúc khó khăn con người càng xích lại gần nhau, yêu thương nhau hơn… Hãy mạnh mẽ vượt qua mọi ranh giới”. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thủy (Phú Yên) nhận xét: “Không cần lời bình của biên tập viên nhưng ai cũng hiểu sự khắc nghiệt”. Nhà báo Hoàng Chương (Phú Yên) cảm nhận: “Phim chân thực, xúc động và nêu bật được thảm cảnh của sản phụ mắc COVID giữa hai bờ sinh tử; sự hy sinh của các y bác sĩ. Ê kíp làm phim đã không ngại nguy cơ lây nhiễm, dấn thân để thực hiện bộ phim này, qua đó giúp người xem biết gìn giữ sức khỏe, cảnh giác với COVID-19”.
Bên cạnh “cơn mưa” lời khen cũng có những ý kiến không đồng tình về việc quay cận mặt bệnh nhân, đặc biệt là lúc họ đang vật vã, kiệt từng hơi thở. Trả lời báo chí, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói rằng anh đã xin phép các nhân vật, những người còn đủ sức khỏe ngồi được và nói chuyện với các bác sĩ, là sẽ đưa hình ảnh họ lên phim. Còn với những người nằm bất động, anh chỉ quay lưng của họ. Tuy nhiên ý kiến này vẫn chưa thuyết phục được những người phản đối. Họ nói: Bệnh nhân thở không nổi, thều thào từng tiếng, liệu có còn đủ tỉnh táo để mà đồng ý hay không?
Nhà báo Lê Tấn Lộc, phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh chia sẻ trên trang facebook cá nhân: “Tôi cho rằng phim tài liệu Ranh giới của VTV gây xúc động mạnh bằng những hình ảnh đau thương, nhưng chưa phải là tác phẩm xuất sắc”. Theo anh, bất luận mục đích gì, việc quay phim, công chiếu hình ảnh các thai phụ đau đớn trước cái chết là việc làm vô cùng tàn nhẫn.
Có một điều nuối tiếc nữa là, suốt hơn 50 phút phim Ranh giới, sau những căng thẳng trong cuộc đua sinh tử, khán giả chờ mãi vẫn không thấy những hình ảnh người thầy thuốc “trở về” với chính họ sau khi ra trực. Ra trực, mệt phờ, kiệt sức vì mất nước. Ra trực và cầm hộp cơm bằng những ngón tay nhăn nheo. Ra trực và “trở về” với những nhớ thương, những âu lo khi chồng con, cha mẹ… đang ở trong tâm dịch. Nếu ê kíp thực hiện dành một phần thời lượng để tái hiện những tâm tư, tình cảm của các “chiến sĩ áo trắng” sau khi tạm “buông” công việc ra, và nếu ê kíp che mặt các nhân vật lúc họ đang vật vã, đau đớn, thì chắc chắn Ranh giới sẽ thuyết phục hơn.
YÊN LAN