Người lữ hành lặng lẽ là cuốn tiểu thuyết tư liệu của nhà văn Hữu Mai viết về cuộc đời ông Lê Quang Đạo - Chủ tịch Quốc hội khóa VIII.
Bìa sách Người lữ hành lặng lẽ. Ảnh: TUY HÒA |
Người lữ hành lặng lẽ là một trong số ít tiểu thuyết tư liệu nổi tiếng của nhà văn Hữu Mai, đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2017. Người lữ hành lặng lẽ tái hiện một không gian lịch sử, với nhân vật trung tâm là ông Lê Quang Đạo - một vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong mối liên hệ với nhiều nhân vật chính trị, quân sự, văn hóa lớn của Việt Nam đương thời.
“Người lữ hành lặng lẽ” Lê Quang Đạo đã đi qua những năm tháng cuộc đời giản dị mà hào hùng, từ bước chân thơ ấu trên quê hương Đình Bảng ra không gian đất nước rộng lớn vận động cùng lịch sử dân tộc, trải dài từ thời Pháp thuộc, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xuyên qua thời đoạn khó khăn, gian khổ đến năm cuối cùng của thế kỷ XX.
Người lữ hành lặng lẽ được NXB Tổng hợp 100 năm Ngày sinh của ông Lê Quang Đạo. Không gian, thời gian và hệ thống nhân vật phong phú được kết nối trong các sự kiện có thật, đã tạo nên tầm vóc lớn của Người lữ hành lặng lẽ. Nhà cách mạng Lê Quang Đạo hiện ra trong Người lữ hành lặng lẽ lẽ thật gần gũi, thật ấm áp, thật sắc nét. Sách mang giá trị kép, vừa phác thảo đầy đủ chân dung Lê Quang Đạo vừa chứng minh tài năng văn chương Hữu Mai.TP Hồ Chí Minh ấn hành, như một món quà kỷ niệm.
Nhà cách mạng Lê Quang Đạo tên thật là Nguyễn Đức Nguyện (1921-1999). Ông sinh ra trong một gia đình có nếp sống thanh tao, kỷ cương, hiếu học ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh văn hiến. Trong hơn 60 năm cống hiến, ông luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió”, hoàn thành xuất sắc mọi cương vị: gần 10 năm là Bí thư Hà Nội và nhiều tỉnh thành lớn, gần 30 năm lãnh đạo công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội và chính ủy nhiều chiến dịch lớn. Những năm đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa VIII từ năm 1987-1992, ông Lê Quang Đạo chủ trương đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, thông qua Hiến pháp 1992 và nhiều bộ luật, luật quan trọng như Luật Đất đai (1987), Luật Đầu tư nước ngoài (1987), Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Công ty (1990),… đánh dấu một bước chuyển mình căn bản về cơ chế thị trường. Ông Lê Quang Đạo cũng chính là người đã khởi xướng và hoàn thành xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1999), một căn cứ pháp lý quan trọng cho đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...
Ông Lê Quang Đạo có người vợ hiền nhỏ hơn bốn tuổi là nhà văn Nguyệt Tú, con gái của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Đám cưới của ông Lê Quang Đạo và bà Nguyệt Tú được tổ chức vào tháng 9/1949, do ông Lê Đức Thọ làm chủ hôn. Trong đám cưới, chú rể Lê Quang Đạo vẫn mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Cô dâu Nguyệt Tú quấn tóc kiểu “một lô cốt” đặc trưng thời chiến, mặc chiếc áo nâu, quần lụa đen. Một ấn tượng của ngày vui này mà những ai có mặt không quên được, là chú rể Lê Quang Đạo đã hát bài Cây trúc xinh để tặng cô dâu Nguyệt Tú.
Sống với nhau hơn nửa thế kỷ, ông Lê Quang Đạo và bà Nguyệt Tú có bốn người con: Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Quang Bắc, Nguyễn Quang Tuệ và Nguyễn Thị Nguyệt Tĩnh. Trong ký ức của bà Nguyệt Tú thì ông Lê Quang Đạo là người ngăn nắp, gọn gàng, luôn động viên và tạo điều kiện cho vợ sáng tác: “Tôi có thể trở thành nhà văn Nguyệt Tú thì công không nhỏ thuộc về anh Lê Quang Đạo”.
Sau khi ông Lê Quang Đạo mất, nhà văn Nguyệt Tú đã dồn niềm thương nỗi nhớ đấng phu quân vào tập thơ Mây trắng để xuất bản vào năm bà 90 tuổi.
TUY HÒA