Thứ Sáu, 04/10/2024 20:28 CH
Nhà văn Nguyễn Trọng Luân:
Với Phú Yên, cảm xúc rất trẻ
Chủ Nhật, 02/05/2021 15:00 CH

Vào một ngày tháng 5/2020, nhà văn Nguyễn Trọng Luân - người từng là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 - trở lại Tuy Hòa. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi ông cùng đại quân từ Tây Nguyên tiến về Phú Yên, bao cảm xúc tươi mới của một thời tuổi trẻ vụt quay trở lại.

 

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân tại Trại sáng tác Văn học ở Sao Việt, tháng 5/2020. Ảnh: YÊN LAN

 

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân sinh năm 1952, tại Hà Nội. Trước khi vào Nam chiến đấu, Nguyễn Trọng Luân là sinh viên Khoa Cơ khí Trường đại học Cơ điện Bắc Thái. Năm 1972, ông cùng hàng trăm sinh viên các trường đại học, cao đẳng nhập ngũ, vào chiến trường Tây Nguyên bổ sung cho Sư đoàn 320, Đại đoàn Đồng Bằng. Ông đã tham gia các trận đánh ở miền Trung - Tây Nguyên và cùng đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đất nước thống nhất, ông trở về Hà Nội học đại học và làm việc.

 

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân có hơn chục tập thơ, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết viết về đời lính, trong đó phải kể đến tập thơ Thơ viết cho mùa thu, tập truyện ký Những người bạn lính, tập thơ Gọi Tây Nguyên, tập truyện ngắn Bóng đổ nhà mồ, tiểu thuyết Rừng đói…

 

* Thưa nhà văn, sau hơn 45 năm trở lại vùng đất mà mình cùng đồng đội từng chiến đấu, cảm xúc của ông thế nào?

 

- Mỗi vùng đất đi qua đều có kỷ niệm. Riêng với Phú Yên, cảm xúc rất trẻ. Đây là nơi đầu tiên tôi được thấy biển. Ở miền Bắc, tôi đi học và rồi đi bộ đội, chưa bao giờ thấy biển. Vào chiến trường, sau nhiều năm chiến đấu ở Tây Nguyên, lần đầu tiên tôi thấy biển là ở Tuy Hòa. Và người con gái miền Nam đầu tiên tôi được gặp cũng là con gái Tuy Hòa, Phú Yên.

 

Hành quân vào miền Nam, chúng tôi đi trên rừng Trường Sơn, thế rồi đi qua Lào, vòng về Tây Nguyên và suốt những năm chiến đấu ở Tây Nguyên, chúng tôi rất ít khi được gặp phụ nữ chứ đừng nói là được gặp người con gái miền Nam. Vậy nên ấn tượng trong tôi - một người lính từ Tây Nguyên xuống đồng bằng là ấn tượng về con gái Tuy Hòa. Cảm xúc rất trẻ là như vậy.

 

Trở lại Phú Yên, thấy Phú Yên phát triển, mừng lắm. Người Phú Yên hồ hởi, vui vẻ với mình. Vui nhất là khi trở lại Củng Sơn, tôi gặp một người từng ở “phía bên kia”; người đó mời ở lại chơi và nói “tôi thích các ông”.

 

* Trong những năm tháng ở chiến trường khói lửa, đặc biệt là chiến trường Phú Yên, hình ảnh nào làm ông nhớ nhất?

 

- Đêm 31/3/1975, tiểu đội trinh sát của tôi được bổ sung 3 người, trong đó có 2 nữ du kích làm nhiệm vụ dẫn đường. Cô du kích ấy - tôi nghe người ta gọi là Út - dẫn đường cho tổ trinh sát đưa tiểu đoàn vào đèo Cả để chiến đấu. Út là một cô gái dũng cảm. Trên đường vào trận địa thì pháo của địch từ cầu Bàn Thạch bắn. Cô ấy rất gan dạ.

 

Sau khi hết nhiệm vụ ở Phú Yên, tôi có trách nhiệm đưa cô ấy vượt qua cây cầu gần ga Thạch Tuân để trở về đơn vị. Ban đêm, chỉ nhìn thấy loáng thoáng thôi nhưng tôi đoán đó là một cô gái xinh đẹp. Chúng tôi vượt qua đầm lầy - nơi có rất nhiều sen, tay chạm vào hoa sen. Đó không phải là văn học, đó là cảm giác thực. Cảm giác đôi lứa được nhóm lên từ đầm sen gần đèo Cả. Sau hơn 40 năm, tôi trở lại, dù tuổi đã trên 70 nhưng vẫn nhớ rằng từng có một cô gái ở Phú Yên đã mang đến cho ta cảm giác thật êm đềm và đẹp như thế.

 

Ngày 1/4/1975, Phú Yên được giải phóng. Tôi đến ga Thạch Tuân, hạnh phúc nhìn lá cờ nửa xanh nửa đỏ tung bay. Người dân và du kích tất bật trang trí, mừng sự kiện trọng đại. Tôi cảm nhận niềm vui rất lớn của người dân tại ga xép này. Tôi đã đi tìm Út nhưng không biết cô ấy ở đâu. Tôi quay về Hòa Xuân. Các bà mẹ đón chúng tôi về nhà ăn bữa cơm đầu tiên.

 

Nhưng các bà mẹ giấu kín việc có con tham gia địa phương quân. Hôm sau, đơn vị hành quân ngược lên Củng Sơn để lên xe đi chiến dịch Hồ Chí Minh. Cơn mưa ập đến. Ngoái nhìn về phía cầu Bàn Thạch, qua màn mưa, tôi thấy nhiều người đứng ở bên đường nhìn theo đoàn quân. Mưa suốt từ cầu Bàn Thạch cho đến khi chúng tôi ngược lên Phú Thứ. Cảm giác của tôi khi rời Phú Yên như thể rời quê hương mình.

 

* Thưa nhà văn, ông có nhận xét gì về cách viết của các cây bút trẻ?

 

- Lớp trẻ bây giờ viết rất mạnh dạn, đột phá. Chúng nó viết hừng hực, bỏ qua những tiểu tiết lằng nhằng. Cái đó lớp cũ không có. Cách viết văn của bọn tôi quả thật rườm rà hơn. Nhịp sống bây giờ khác xa trước kia, nên không chấp nhận chuyện trù trừ; văn chương cũng thế.

 

* Xin cảm ơn nhà văn.

 

Ngoái nhìn về phía cầu Bàn Thạch, qua màn mưa, tôi thấy nhiều người đứng ở bên đường nhìn theo đoàn quân. Mưa suốt từ cầu Bàn Thạch cho đến khi chúng tôi ngược lên Phú Thứ. Cảm giác của tôi khi rời Phú Yên như thể rời quê hương mình.

 

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân - người từng là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 64, Sư đoàn 320

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek