Thứ Bảy, 05/10/2024 00:18 SA
Phát huy giá trị văn hóa trong Lễ hội Đền Lê Thành Phương
Thứ Ba, 16/03/2021 15:00 CH

Lễ rước linh Danh nhân Lê Thành Phương. Ảnh: THIÊN LÝ

Tuy An là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương. Hiện nay, địa phương này vẫn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của nhiều lễ hội độc đáo, đặc biệt là Lễ hội Đền Lê Thành Phương.

 

Đền Lê Thành Phương được xây dựng tại chân núi Đá Chồng, phía nam đèo Quán Cau thuộc thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp. Đây là địa điểm gần với gò Mừng Quân (thao trường tập luyện của nghĩa quân) và cầu Mỹ Phú (nơi chí sĩ cách mạng Lê Thành Phương tập trung quân đi đánh chiếm thành An Thổ). Hiện nay, khu mộ và đền thờ Lê Thành Phương đã được tu sửa khang trang. Đường từ mộ về đền thờ cũng được bê tông càng làm tăng diện mạo cho khu di tích quan trọng này.

 

Tổ chức lễ theo nghi thức truyền thống

 

Lễ hội Đền Lê Thành Phương hàng năm được tổ chức trong hai ngày 27 và 28 tháng Giêng. Đây là một trong những lễ hội thu hút đông đảo người dân nhất ở Phú Yên với các hoạt động văn hóa, thể thao đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Chiều 27 tháng Giêng diễn ra nghi thức giỗ Danh nhân Lê Thành Phương với lễ rước sắc, rước linh vị từ mộ về đền thờ với sự tham gia của họ tộc Lê, ban hành lễ, ban tổ chức, đại diện ngành Văn hóa, chính quyền, đoàn thể ở địa phương... Tất cả những nghi lễ cổ truyền ấy tạo nên nét thành kính, trang nghiêm cho lễ hội.

 

Sáng 28 tháng Giêng là lễ dâng hương. Đây là lễ dâng lên Thống soái quân vụ đại thần Lê Thành Phương những tấm hương thơm, thể hiện sự biết ơn công lao to lớn đối với ngài cũng như các vị tiền nhân. Sau khi phần lễ kết thúc, những trò chơi dân gian như: bài chòi, cờ tướng, cờ người, kéo co, nhảy thụng, đẩy gậy, nhảy ba chân... diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia.

 

Theo Ban tổ chức Các lễ - hội xuân Tân Sửu năm 2021 huyện Tuy An, năm nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, Lễ hội Đền Lê Thành Phương - xuân Tân Sửu 2021 chỉ tổ chức phần lễ, dừng toàn bộ các hoạt động ở phần hội. Trong đó, phần lễ được tổ chức trang nghiêm với lễ rước linh từ mộ về đền thờ và họ tộc Lê tổ chức giỗ Danh nhân Lê Thành Phương theo nghi thức truyền thống.

 

Sáng 28 tháng Giêng, phần lễ diễn ra theo tuần tự: tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; biểu diễn võ thuật cổ truyền, múa siêu, biểu diễn trích đoạn Lê Thành Phương; đại diện chính quyền huyện đọc diễn văn; dâng lễ vật; dâng hương tưởng niệm. Sau lễ dâng hương, các đại biểu tham gia trồng cây xanh trong khuôn viên Đền thờ Lê Thành Phương hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và thực hiện đề án Trồng 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Ngoài ra, ban tổ chức còn tặng quà cho gia đình khó khăn và học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn xã An Hiệp.

 

Ông Lê Xuân Ngọ, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban tổ chức Các lễ - hội xuân Tân Sửu năm 2021 huyện Tuy An, cho biết: “Mặc dù giảm quy mô tổ chức nhưng Lễ hội Đền Lê Thành Phương năm nay vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần trong lòng mỗi người dân nơi đây.

 

Đây là dịp để các thế hệ tiếp nối tỏ lòng thành kính và tri ân những công lao to lớn của chí sĩ cách mạng Lê Thành Phương cùng một số sĩ phu, văn thân yêu nước, nghĩa quân ở Phú Yên trong phong trào hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử này; từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống của địa phương”.

 

Gìn giữ cho muôn đời sau

 

Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL) cho rằng, những năm qua khi đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng cao, do đó việc tham gia lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng, có ý nghĩa lớn. Lễ hội ngày càng phát huy và có tác dụng mạnh mẽ như lời cổ vũ, động viên, tăng cường vai trò làm chủ của nhân dân.

 

Các đại biểu tham gia trồng cây xanh trong khuôn viên Đền thờ Lê Thành Phương. Ảnh: THIÊN LÝ

 

“Tuy nhiên, trong bối cảnh mở cửa và giao lưu văn hóa, kinh tế với thế giới, vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa và phát huy văn hóa truyền thống được đặt ra bức thiết, trong đó lễ hội có vai trò quan trọng. Lễ hội ngày nay có sự thay đổi, bổ sung phong phú hơn, nhất là phần hội. Sự tiếp biến và phát triển văn hóa được thế hệ trẻ tiếp thu và phát triển mạnh mẽ, mở rộng so với trước đây.

 

Song, ý thức của cộng đồng vẫn được duy trì và phát huy trong tổ chức và tham gia lễ hội. Người dân Phú Yên luôn tôn vinh những nhân vật lịch sử, những người có công lớn đối với đất nước, quê hương và họ luôn bảo vệ, gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống thông qua lễ hội, từ đó giáo dục, truyền lại cho con cháu mai sau”, ông Huỳnh Từ Nhân nhìn nhận.

 

Theo ông Phan Quang Phi, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy An, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hơn nữa trong việc tổ chức Lễ hội Đền Lê Thành Phương trong những năm sau, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa nói chung và lễ hội nói riêng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thụ hưởng, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa.

 

Đồng thời là chìa khóa để ngăn chặn có hiệu quả những sản phẩm phi văn hóa, độc hại, các tệ nạn xâm nhập vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xã hội hóa trong việc tổ chức lễ hội; đổi mới chương trình, kịch bản lễ hội trên cơ sở bảo tồn các yếu tố gốc mang tính truyền thống của lễ hội, đa dạng các hoạt động phần hội; tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị lữ hành du lịch, đưa Lễ hội Đền Lê Thành Phương vào tour du lịch để kết nối với du khách; nghiên cứu giới thiệu một số món ăn đặc sản của địa phương phục vụ khách dự hội...

 

Cũng theo ông Phan Quang Phi, những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên không chỉ của riêng ngành Văn hóa mà cần sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Do đó, các giải pháp cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài. Hơn nữa, tính bền vững của lễ hội phải gắn với các phong trào hành động của quần chúng, mà trọng tâm là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và huyện Tuy An nói riêng trong thời kỳ hội nhập; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Mặc dù giảm quy mô tổ chức nhưng Lễ hội Đền Lê Thành Phương năm nay vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần trong lòng mỗi người dân nơi đây. Đây là dịp để các thế hệ tiếp nối tỏ lòng thành kính và tri ân những công lao to lớn của chí sĩ cách mạng Lê Thành Phương. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử này; từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống của địa phương.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Lê Xuân Ngọ

 

THIÊN LÝ 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek