Năm nay, con trai không nhờ mẹ đặt vé xe chỗ người quen ở quê như mấy năm còn sinh viên nữa, “để con tự liệu vì ngày nghỉ chưa định trước”.
Hăm bảy tháng Chạp đang loay hoay nhổ cỏ, tưới nước mấy rò cải trong vườn, có chuông điện thoại, màn hình sáng hiện chữ “con trai”. “Ba khỏe không…, con đang trên đường ra sân bay, nếu ba rảnh thì hơn tiếng nữa xuống sân bay Tuy Hòa đón con. Nghen ba!”. “Mấy bữa nay ai đâu rảnh, nhưng mà để ba đi chứ taxi chi, tốn kém”.
Lâu rồi, lúc đi làm “thợ đụng” cho người bà con nuôi tôm dưới Hòa Hiệp Nam, nhiều lần đi qua đoạn đường dọc biển mát rượi, có lúc thong thả dừng xe ngắm biển xanh với hoa tím chảy tràn bờ cát, chứ đâu được vô sân bay, thôi sẵn dịp đi sớm sớm xem sao. Thì ra, mọi thứ đều khác, khác hẳn với bến xe Phú Lâm hay liên tỉnh…; có căng tin bên trong, cà phê giải khát... bàn ghế sạch đẹp; có ghế đá bên ngoài, tầm nhìn thoáng đãng, gió biển thổi lên mát rượi. Người đi qua đi lại, từ mấy anh vệ sĩ đến hành khách cũng phong lưu tươm tất hơn hẳn... Người nhà quê như tôi dù rất cố gắng cũng không giấu hết lóng ngóng.
Nghe tiếng máy bay hạ cánh, tập trung ngóng chừng thằng con từ phía nhà ga, sao thấy toàn là người lạ. Bỗng chạm phải nụ cười nhìn thẳng về phía mình từ cậu thanh niên trạc ba mươi, “Nó cười với mình chớ ai, nhìn thẳng vào mắt mình còn gì”. Chưa kịp đáp trả nụ cười, nó đã tiến tới mở lời “Ủa chú”, tôi gật gật rồi đứng im, ra vẻ suy nghĩ nhưng có cái cột mốc nào đâu để nghĩ.
- Chú nhớ con không? Tôi lại đứng im.
- Hồi con bán cho chú 2 cây mai Tết mà không có hoa đấy. Tôi ậm ừ, à, à nhưng thật lòng tôi đâu có nhớ.
Nó tiếp: - Gần mười năm rồi chú, chớ mà chú cũng đâu khác gì mấy nên cháu mới nhận ra.
- À thì… cái tuổi trung niên nó hay chững lại vậy đó, như xe xuống dốc, càng về sau càng nhanh dần. Cho chú xin lỗi, nãy giờ chú vẫn chưa nhận ra cháu là con ai, nhìn chú, “ngoại thất” còn được như vầy nhưng bộ nhớ cũng bắt đầu giảm sút rồi.
- Dạ, không sao đâu chú, cũng lâu rồi mà; hồi năm ấy cháu bán mai Tết, xấu quá, không ai mua, chú mua giùm hai cây, cháu còn nợ chú hai mươi ngàn đó, chú chở theo đứa con trai nói là học lớp 5, lớp 6 gì đó…”. Nó nói một dây dài, ra vẻ cố bắt tôi nhớ chuyện cũ; tôi có tật mau quên, quên là quên “lửng” nhưng đến khi được gợi lại là tôi nhớ tất tật.
- Chú nhớ rồi, bây giờ cháu khác hẳn, cả chục năm rồi còn gì…
- Dạ đúng chục năm rồi đó chú, nó vừa nói vừa chỉ tay về phía ghế đá bên ngoài. Hai chú cháu chuyện trò say sưa làm tôi quên hẳn cái lóng ngóng lần đầu đến sân ga và cảm giác thời gian chờ đợi cũng qua mau. Hai người (một đi đón người thân, một chờ người thân đến đón) trở thành người thân là chuyện thường ngày. Tôi và nó còn có kỷ niệm “mùa mai năm cũ” để nhắc thì ngại ngùng gì mà không cởi mở, nó khai báo chân tình như người bạn “vong niên”.
- Cũng may mắn, con học xong là có việc làm ngay, công việc ổn định. Em con - thằng Thắng tốt nghiệp đại học đã hai năm, trường giữ lại, đang làm luận văn thạc sĩ. Anh em con mới mua được nhà ở quận 12, lần này về quyết chí đón mẹ vào cho yên tâm…
Tôi hỏi vui: - Còn mấy cây mai chưa ra hoa có chịu vô Sài Gòn không?
Nó cười: - Không bỏ mai đâu chú. Mai phụ mẹ nuôi anh em cháu đi học mà; còn hơn chục cây, kế cận với lứa mai chú mua năm ấy, đã gần hai mươi tuổi, mấy năm nay cháu thuê người chăm sóc, giữ lại, không bán.
Tôi vỗ vai nó rồi đứng lên: - Cháu có trí nhớ rất tốt chứ chú già khú còn chút màu sắc năm cũ nào đâu. Chú mừng cho công việc hai đứa, chúc ba mẹ con năm mới mạnh giỏi; thằng Cu, con trai chú nó ra rồi kia, cái thằng hồi ngồi sau ôm thùng mai của cháu đấy.
- Chào anh, ai vậy ba?
- Anh hồi xưa bán cho mình cây mai có cái quầng dưới gốc sâu hóm đấy con…
- Ủa, em này hồi đi cùng với chú hả?
- Nó chớ ai, nhớ không?
- Dạ không, giờ cao ngồng…
- Vậy là chú cháu mình đã huề rồi nhé!
Ngoài sân nắng lấp lánh, có tiếng gọi “Anh Chiến, anh Chiến…”. Nó quay ra, giơ cánh tay lên cao. Giờ tôi mới biết nó tên Chiến. Chiến vỗ lưng tôi rồi chỉ tay ra sân: “Em con đó chú, nó về trước mấy hôm…”.
Hai cha con tôi và hai anh em Chiến, Thắng cùng đi chung thêm một đoạn từ sân bay ra đến ngã tư phía nam cầu Hùng Vương rồi rẽ lối. Cha con tôi chầm chậm về nhà; hai bên đường hoa xuân khoe sắc đủ màu, mấy cô bán hoa chào mời cũng tươi rói. Vừa ngắm hoa vừa nhớ lại chuyện mùa mai năm cũ...
***
Năm ấy, chiều ba mươi tranh thủ đi chợ hoa như mọi năm. Tôi rất mê hoa, chủ đích là ngắm hoa và hít thở hương hoa mùa Tết chứ ít khi mua những chậu hoa lớn vì đường sá xa xôi, từ nhà đến chợ hoa xuân (Diên Hồng) phải vượt qua gần 30 cây số đường gồ ghề lởm chởm.
Đến nơi, tôi với con trai (hơn 10 tuổi) tha hồ rong rảo, vừa chiêm ngưỡng vừa chỉ cho con biết tên các loài hoa. Hoa nào cũng đẹp. Hai cha con trên chiếc cúp cánh én cứ mê mải chảy theo muôn trùng hoa… Bất chợt, khi ra gần khỏi “trung tâm” hoa; phía trước tôi, mấy chậu mai dáng vẻ hoang sơ trơ trụi như không hề biết ngày mai là mùng một Tết. Thấy hơi lạ, tôi dừng lại.
Hai đứa trẻ bán mai vừa nhỏ vừa gầy, đứa em mắt lim dim bên chậu mai chỉ vài búp, cành nhánh khẳng khiu không theo một quy luật nào. Có cây còn nguyên sợi dây nhôm quấn chặt lâu ngày quên tháo ra để lớp vỏ phủ lên gần hết. Tôi nghĩ cây này, nếu tháo dây không cẩn thận sẽ gãy ngay chỗ nút thắt…
Tôi tò mò “Sao bữa nay mà chưa có búp nào bung vỏ trấu vậy cháu?”. “Dạ, do cháu mới lặt lá, chứ giống mai này hoa dày và nhiều cánh lắm đó chú”. “Sao không lặt lá sớm cho kịp Tết”. Nó hơi ấp úng “Dạ! Năm nay con không về kịp, hăm hai tháng Chạp mới về nghỉ Tết, tranh thủ lặt lá chứ đâu kịp uốn, sửa…; kẹt quá phải đem bán kiếm tiền mua vé xe đi vô chứ bán hoa Tết mà chưa có hoa cũng ngại nên không dám mời…”. Tôi nghe giọng nó cứ chậm dần, nghèn nghẹn, ưa ứa. Sợ nó chảy nước mắt nên tôi cắt ngang: Chứ đi đâu xa? Mà hai anh em làm còn ba mẹ đâu?
“Dạ, trước kia thì ba con làm, từ khi ba con phát hiện bệnh… rồi đi xa, hai anh em con cũng tiếp tục công việc. Năm trước con còn ở nhà hoa đẹp lắm chú; năm nay con đi học đại học...”. Nó vừa nói vừa nhìn qua đứa em vẫn đang lim dim “Hồi ba con còn sống, không cho nó làm gì hết, ổng nói nó ham học để nó học… nên giờ lớp 9 rồi mà cũng chưa biết làm”.
Tôi bắt đầu ý nghĩ “mua mai” và muốn mua thật nhiều. Tôi xem xem cây nào nhẹ để chở được vài cây với thằng con trai cho vừa. “Vậy chứ còn mẹ đâu, sao không ra bán?”. “Dạ mẹ con đi mua nhôm nhựa, ngày nào mẹ cũng đạp xe đi từ sáng đến tối, chỉ khi nào mấy khớp chân sưng to thì mới ở nhà vài hôm. Gần Tết, giấy vụn, lon bia nhiều hơn nên mẹ ham lắm chú”.
Nó vừa nói vừa chỉ vào cây mai có búp lớn nhất của nó: “Cây này tự nó ra búp sớm, lớn tuổi hơn nên nó ra mạnh chứ tất cả đều lặt lá vào ngày hăm hai. Chú mua, con bán rẻ cho. Trăm chẵn thôi chú…”.
Thấy tôi lom khom săm soi, giọng nó nói càng gấp gáp. Tôi không dám hỏi gì thêm, sợ nó nghe giọng tôi cũng khác. “Chú mua hai cây kia”, tôi vừa nói vừa lấy ví trả tiền, hai đứa vội vàng khiêng cây mai để lên yên xe rồi hướng dẫn cu tí (con trai tôi) ngồi sau, tay vịn thùng mai tay níu áo; cây mai thứ hai để phía trước cũng vừa vặn. Tôi đưa hai trăm.
Thằng em nói: “Hai cây này nhỏ hơn, trăm tám thôi chú”. “Cây nào cũng như nhau mà…”. Tôi nổ xe, bỏ lại phía sau tiếng “cảm ơn chú” đồng thanh của cả hai đứa. Và tôi cũng bỏ qua kế hoạch vào quán phở Đại Nam gọi hai tô như mọi năm...
Năm nay, cây mai “năm ấy” rất nhiều hoa, cành nhánh đẹp, đều; gốc cây đã to gấp mười; vết hằn sợi dây nhôm vẫn còn nên càng tăng thêm dáng cổ thụ, đẹp hơn, dễ nhớ hơn.
NGÔ TRỌNG CƯ