Thứ Bảy, 05/10/2024 14:26 CH
Sông quê – truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG
Chủ Nhật, 08/11/2020 10:29 SA

Minh họa: P.V

1. Lần nào ba gởi thư về cũng nhắc nhở: “Con trai à, chụp ảnh cho ba chưa hả? Mang sang bưu điện gởi gấp cho ba nghe”. Tôi thương ba vô cùng. Đâu phải tôi vô tâm với ba mà vì một lý do tôi không thể nói ra sợ ba buồn. Em gái tôi đọc thư ba, nó nhấm nhẳng: “Ba kỳ cục ghê vậy đó. Chụp ảnh làm gì cái bến sông chết tiệt kia chứ?”. Tôi gắt gỏng: “Em sao nói thế? Chúng mình là phận làm con phải tôn trọng sở thích của ba mới phải. Em học đâu ra cái thói chanh chua kia?”. Em gái tôi cụp mắt xuống, vùng vằng bỏ đi.

 

Ngày ba về miền Nam đoàn tụ gia đình sau bao năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chiều hôm đã vãn khách, ba ngoắc tôi lại gần, nói nhỏ: “Con đi chơi với ba nghe”. Tôi nhìn ba cười bảng lảng: “Chơi đâu hở ba?”. Ba cười bí mật: “Đi với ba con sẽ biết ngay thôi”. Tôi gật đầu ngoan ngoãn theo chân ba. Đến bến sông cuối làng, gió heo may lành lạnh. Bỗng dưng ba khựng lại như người đạp phải gai, tôi phát hoảng: “Ba sao thế?”. Môi ba run run: “Trời ơi! Ngôi đình!?”. Tôi chợt hiểu “Ngôi đình ấy người ta dỡ lâu rồi ba. Giờ là sân phơi lúa của hợp tác xã nông nghiệp đấy”. Mắt ba tối sầm: “Trời hỡi! Cái làng Hạ mênh mông chi xứ này không có chỗ để cho người ta làm sân phơi hay sao? Người ta đã cướp mất phần hồn của cái làng Hạ này”.

 

Tôi còn nhớ, hồi đó trong một cuộc họp dân làng, ông Phà - Chủ nhiệm hợp tác xã đã đưa ra “một sáng kiến” làm mọi người chưng hửng: “Hợp tác xã đang thiếu sân phơi lúa. Ngôi đình cuối làng đang đến hồi đổ nát, thôi thì dỡ quách cho xong”. Mọi người nhốn nháo. Cụ Ẩn, lão làng đứng phắt dậy, cười nhạt: “Ơ, đừng giỡn ông chủ nhiệm. Ngôi đình này là nơi thờ cúng tiền hiền từ lâu đời, không thể ngang nhiên đập phá”. Ông Cẩm, chú ruột của chủ nhiệm Phà bật dậy, quên phắt đó là cuộc họp, khản giọng mắng cháu sa sả: “Mày điên rồi Phà ơi! Mày sống từ trên trời rơi xuống à? Làm người phải có cội có nguồn. Mày mà phá ngôi đình ấy, tao từ mày luôn”. Sau đó còn có nhiều ý kiến phản đối nữa mà tôi không nhớ hết. Chỉ biết ông Phà đã tỏ ra là người “cứng cựa” (theo cách nhìn nhận của số người đứng ngoài cuộc lúc bấy giờ). Chủ nhiệm Phà vận động một số người có máu mặt trong làng thuyết phục chính quyền cho tháo dỡ ngôi đình. Vào một đêm trăng thanh, đám thanh niên xung kích của hợp tác xã thực thi nhiệm vụ của chủ nhiệm Phà. Khi các lão làng hay tin kéo đến thì chuyện đã rồi. Trời xui đất khiến thế nào tháng sau trên đường đi họp ở huyện về, lão Phà bị tai nạn. Thế là dân làng đàm tiếu xôn xao: “Lão Phà chủ trương phá đình nên bị chư thần oán giận xô vào xe tải, đáng đời!”.

 

Ai không biết “nghĩa tử là nghĩa tận”, ấy thế đám ma của lão Phà không có lấy một cụ già. Cụ Ẩn và cụ Cẩm là hai người kịch liệt lên án chủ trương phá đình của chủ nhiệm Phà phải làm thầy lễ viết mấy bức trướng cho hợp với lẽ đời. Theo sau cỗ quan tài của lão Phà, ngoài bà con ruột thịt, bạn bè cũng chỉ có mấy anh cán bộ hợp tác xã và đám thanh niên xung kích ngày nọ tích cực phá đình.

 

2. Ba đưa tôi ra bến sông, nơi có cây đa từ lâu đời, thân cây hai người ôm không xuể, tán lá một phần vươn tới xõa bóng che chở ngôi đình, một phần xoãi ra bến sông. Ngôi đình bị phá, cây đa cũng bị vạ lây. Tôi huơ tay phát họa “Ba biết không? Cây đa vươn tới tận trong sân kia như cánh chim đại bàng khổng lồ chứ đâu cụt ngủn một phía như vậy”. Ba thở dài, trong đáy mắt ba có nỗi buồn xa xăm đọng lại: “Ngày xưa, mỗi lần đến dịp lễ hội ở làng, ông nội con thường thủ trống. Chiếc trống có đường viền tròn làm tâm điểm, thân trống sơn đỏ, chính giữa có ba vòng tròn bằng cây đóng ghép giữ cho thân trống lâu bền. Lũ trẻ con đứa nào cũng hau háu nhìn chiếc trống, nơi phát ra tiếng vang dữ dội, hùng hồn, vang động cả xóm làng. Mê để mà mê chứ có ai cho đánh đâu. Ông nội con đánh trống cừ lắm! Tiếng trống của ông vừa chắc, vừa có sức vang rất xa. Điệu bộ đánh trống coi mới ngộ làm sao. Ông nội mặc áo dài gấm thêu chữ Nho, đầu đội khăn đóng. Mỗi lần đánh trống, ông con bước tới ba bước, một tay vòng ngang trước ngực, một tay cầm dùi trống dang thẳng cánh đánh dứt khoát từng hồi một, rồi lùi lại ba bước, đứng im như pho tượng. Đừng tưởng bở, người đánh trống oai như người chỉ huy dàn nhạc ấy chứ. Đánh phải đúng kiểu, đúng cách, đúng nhịp. Lớn lên, ba xa nhà đi kháng chiến, mỗi lần băng vào lửa đạn, ba nghe như có tiếng trống của ông nội con giục giã tiến lên!”.

 

Bước tới gốc đa, giọng ba vui hẳn lên: “Ngày xưa, đám con trai, con gái choai choai trong làng thường ra đây tắm sông vào những buổi trưa hè. Sông quê mình mát và hiền lắm. Mỗi độ đông về, nước từ thượng nguồn đổ xuống đỏ quạch cồn cào trôi dạt những cồn cát lô nhô. Sự xói lở của nước lũ tạo thành những nhánh sông uốn khúc, nơi câu cá lý tưởng đối với ba và lũ bạn trong làng. Tắm sông chán chê rồi lên bờ vui đùa dưới gốc đa này. Hồi ấy, bộ rễ đa dài như con suối màu nâu từ trên cao chảy xuống. Ba và đám con nít trèo lên cây đa hái trái bỏ đầy túi áo, rồi bám vào rễ cây tụt xuống cái một. Trái đa có vị chát như sung”. Tôi cười, hỏi ba: “Trong đám con gái ấy hẳn là có má?”. Ba cười nhẹ: “Ừ, má con tánh tình hiền lành từ nhỏ”. Tôi lại khúc khích cười: “Có phải vì cái tánh hiền hòa và sự xinh đẹp của má làm ba để ý thương chăng?”. Ba gật đầu, dõi mắt nhìn về phía bên kia sông như kiếm tìm ký ức đẹp của thời trai trẻ: “Chắc má đã kể với con, nhà ngoại con ở vùng đất soi bên kia sông, quanh năm sinh sống bằng nghề trồng rau quả và chài lưới. Những lúc chiều xuống, ba nhìn má hái dưa, hái mướp… xung quanh má rực rỡ hoa vàng. Hoàng hôn dát vàng trên đôi má căng tròn, mũm mĩm lông tơ, tóc mây bay bay trong gió và đôi mắt huyền long lanh của má con, ba ước gì cái khoảnh khắc ấy đừng trôi đi. Những đêm trăng, ba âm thầm men theo bến sông, dùng hai bàn tay bắc loa giả tiếng ếch kêu ộp! ộp! Ba gọi liền ba hồi dài là sau đó má con tóc dài, mặt đẹp như ngọc, áo bà ba, quần lụa, hai tay thoăn thoắt mái dầm bơi sang với ba. Ngày ba ra đi, gốc đa này đã chứng kiến lời hẹn thề của ba má.

 

3. Sau khi má tôi bạo bệnh qua đời, ba đưa má về an táng ở quê nhà theo tâm nguyện của má tôi lúc còn sống, rồi chuyển cả gia đình về quê cũ. Ba thuyết phục anh em tôi: “Cuộc sống ở chốn thị thành xô bồ lắm các con. Người thành phố đèn nhà ai nấy rạng, không tình cảm đậm đà như dân quê mình “miếng mắm trao qua, chén cà trao lại”. Phong cảnh làng quê còn giúp cho con người ta thư thái tinh thần. Với lại còn mồ mả ông bà. Nay mai đến tuổi nghỉ hưu ba sẽ về với các con”.

 

Hết đợt nghỉ hè này tôi và em gái tiếp tục lên thành phố ăn học. Bao nhiêu công việc nhà đều trông vào sự cáng đáng của cô Út. Cô Út sống với ba má tôi từ nhỏ. Ông bà nội tôi qua đời, cô Út ở luôn với gia đình tôi đến giờ. Ngày trước, cô Út có người yêu ở làng Thượng. Hai người thề non hẹn biển. Người yêu của cô Út thoát ly lên căn cứ tham gia cách mạng, cô Út năm tháng mỏi mòn đợi chờ. Có lần má tôi khuyên cô Út: “Út à! Em lấy chồng đi! Chiến tranh còn dài, biết người ta có trở về không? Cứ cho là trở về đi, nhưng liệu người ta có giữ trọn lời hẹn ước? Tuổi xuân con gái có thì em à”. Cô Út chẳng những không nghe lời khuyên nhủ của má tôi, còn cãi lại: “Chị bảo em đi lấy chồng, còn chị sao chị biết chung thủy với anh Hai?”. Đó là lần đầu tiên tôi nghe cô Út nặng lời với má. Má tôi chưa kịp đáp, cô Út đã bật khóc: “Em biết em là gánh nặng của gia đình chị nên chị tìm cách đuổi khéo em. Em đi lấy chồng đây cho khuất mắt chị”.

 

Cô Út vừa nói, vừa lôi chiếc valy dưới gầm giường ra nhét vội mấy bộ quần áo, quày quả bước ra ngõ. Anh em tôi vụt chạy theo, mỗi đứa ôm ghì mỗi ống chân cô, khóc ầm lên. Má tôi hoảng quá chạy theo dang hai tay ra chặn cô Út lại, òa khóc: “Út ơi! Chị xin em hãy bình tĩnh lại, đừng ngộ nhận mà tội nghiệp cho chị. Chị thương em mà”. Cô Út thả chiếc valy xuống đất, ôm chầm má tôi khóc ngất. Từ ấy, má tôi không dám hé môi nói nửa lời về chuyện nhân duyên của cô Út dẫu có mấy đám ngấp nghé muốn cầu hôn với cô.

 

Tuổi thơ của anh em tôi gắn liền với sự yêu thương vô bờ bến của cô Út. Trên đời này có bao nhiêu tình thương, cô Út đều dành cả cho anh em tôi. Cô có cả ngàn pho truyện cổ tích và là bậc thầy của điệu hát ru ngọt ngào, sâu lắng. Một hôm, tôi bơi thuyền đưa cô và em gái sang sông, khi thuyền cập bến, cô khắc khoải: “Hai con biết không, chỗ kia ngày xưa cô và người ấy thường ngồi tâm sự”. Nói xong, cô Út bước lên cồn cỏ bờ sông buông tóc nhìn xuống dòng sông, ánh mắt cô buồn buồn. Tôi hiểu, tóc cô không còn xanh, môi cô không còn thắm. Có những lúc tôi bắt gặp cô thở dài khi chải tóc có nhiều sợi vướng vào răng lược. Sáng nào cô cũng dậy sớm loay hoay gom những chiếc lá vàng ở cuối sân. Tôi vươn vai làm mấy động tác thể dục, cô đến sát bên tự lúc nào: “Hôm qua con rầy la em hay sao cô thấy nó mặt buồn hiu vậy?”. Tôi ấp úng: “Dạ, con… nói ít thôi”. Cô Út ôn tồn: “Nhà có hai anh em, chuyện gì không phải thì tìm lời nhẹ nhàng mà khuyên bảo con à”. Tôi nhìn cô, hối lỗi: “Thưa cô, con xin vâng lời cô dạy. Cuối tháng này anh em con lên thành phố, cô ở nhà đừng làm việc quá sức ngã bệnh thì khổ”. Cô Út cười xòa, cốc yêu vào trán tôi như hồi tôi còn thơ bé: “Cái thằng, giống hệt con em cứ lo cho cô hoài. Cô khỏe thế này ngã bệnh thế nào được. Cứ lo chuyện học hành đi con, đừng lo cho cô”. Tiếng nói sau cùng vừa dứt, cô đã tới chuồng heo.

 

Tôi vào nhà lấy máy ảnh lững thững bước ra bến sông. Mấy lần đưa máy ảnh lên ngắm, chọn bố cục, nhưng ngón tay bấm máy của tôi như tê dại đi, mắt tôi vô hồn, nỗi đau dâng tràn: “Ba ơi! Tán lá vươn ra bến sông cũng bị người ta chặt mất rồi. Ba mà nhìn thấy cây đa như người bị đứt hai cánh tay kia, ba sẽ còn đau đến bao giờ!”.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phim chiếu rạp tăng tốc cuối năm
Thứ Ba, 03/11/2020 14:00 CH
Hai chương trình giao lưu ấm áp tình
Chủ Nhật, 01/11/2020 06:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek