Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2017), tôi và các đồng nghiệp Hồ Nhật Thảo, Park Hyung-sil, Park Ji-won… may mắn được thực hiện 2 tập phim tài liệu Đối mặt - một dự án hợp tác giữa VTV và kênh truyền hình Arirang Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc, chúng tôi chọn nhạc sĩ Hong Sun Gwan làm người dẫn chuyện. Ở Việt Nam, tất nhiên là nhà thơ Văn Lê.
Nhà thơ Văn Lê đã đoạt nhiều giải thưởng văn học: Giải A cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1975-1976), giải B thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984, giải A thơ về đề tài chiến tranh cách mạng của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1994, với tập thơ Phải lòng; tặng thưởng của Bộ Quốc phòng, năm 1994, với tiểu thuyết Nếu anh còn được sống. Tập trường ca Những cánh đồng dưới lửa của nhà thơ Văn Lê nhận giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng, năm 1999 và giải thưởng Văn học quốc tế Me Kong, năm 2006. Tiểu thuyết Mùa hè giá buốt đoạt giải B (không có giải A) về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng (2004-2009), giải nhất Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh lần thứ I (2006-2011). Tiểu thuyết Phượng hoàng nhận giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng (2009-2014) và giải nhì Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh lần thứ II (2012-2017). |
Sự dẫn dắt của hai con người này, phần nào còn giúp ê kíp bảo vệ được một đề tài khá “nhạy cảm” mặc dù không mới, đó là vấn đề lính Nam Hàn sát hại dân lành các tỉnh miền Trung Việt Nam. Câu chuyện này lại được kể trong bối cảnh hai nước có nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhưng ngay trong phần mở đầu phim, nhà thơ Văn Lê đã gửi đi một thông điệp vô cùng có ý nghĩa cho phim. Ông nói: “…Thực ra những câu chuyện về chiến tranh cũng có những người cho rằng không cần thiết phải nhắc lại. Nhưng cũng có những người lại cho rằng nếu không được nhắc lại quá khứ thì tất cả sẽ trở thành hoang vu.
Và việc Arirang của Hàn Quốc đến để nói chuyện với tôi về chiến tranh thì tôi nghĩ đó cũng là cái cách để cho tôi được chia sẻ những suy nghĩ của mình với các bạn Hàn Quốc. Bởi vì tôi nghĩ một điều đơn giản là nhân loại thường sai lầm vì họ không hiểu nhau. Nhưng những câu chuyện kể của nhau thì có thể giúp cho người ta hiểu nhau, hiểu nhau thì người ta mới có thể yêu nhau…”.
Vâng, những câu chuyện nhà thơ Văn Lê kể - qua thơ, tiểu thuyết, phim ảnh, hay nói chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp - lúc nào cũng hừng hực hơi nóng của khói lửa chiến tranh, nhưng vẫn thủy chung tình người trong cận kề cái chết.
Ông luôn khát khao chiến tranh nhanh chóng kết thúc để được trở về “cày cấy” trên cánh đồng thơ văn mà ông đã bén duyên với nó. Ông khẳng định: “… Con người gây ra chiến tranh thì cũng chỉ có con người mới bảo vệ được hòa bình. Ngoài ra không ai cả. Không ai có thể giúp chúng ta cả...”.
Thời gian cả ê kíp làm việc với ông không nhiều, nhưng đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên về một con người đã vào sinh ra tử nhưng lúc nào cũng sống hết mình với bạn bè, đồng nghiệp. Cái tên Văn Lê - tên của một người bạn yêu thơ đã ngã xuống trên chiến trường - mà ông lấy làm bút danh suốt mấy mươi năm qua phần nào minh chứng cho điều đó.
Nhà thơ - Nghệ sĩ Ưu tú Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy sinh năm 1948 tại Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng năm 1974.
Sau 1975, ông công tác ở tuần báo Văn nghệ Giải phóng rồi tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở mặt trận 479, Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải phóng cho tới năm 2010 nghỉ hưu.
Văn Lê là con người đa tài, từ làm thơ ông chuyển sang viết văn, viết kịch bản và đạo diễn phim, đạt nhiều giải thưởng lớn. Ông đã xuất bản 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện, 15 tiểu thuyết và được phong Nghệ sĩ Ưu tú của ngành Điện ảnh.
Trong lĩnh vực điện ảnh, Văn Lê đã 3 lần đoạt giải thưởng kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất, một giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất, một giải Bông Sen Vàng, 5 Bông Sen Bạc, 2 Cánh Diều Vàng, một giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản và nhiều giải thưởng cao về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ông là tác giả kịch bản phim truyện Long Thành cầm giả ca, giải nhất về kịch bản của Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL). Bộ phim được nhận giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2012.
Sau một cơn đau tim đột ngột, nhà thơ - Nghệ sĩ Ưu tú Văn Lê đã từ trần vào lúc 20 giờ 45 ngày 6/9/2020 tại nhà riêng ở 28 đường Văn Chung, phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 73 tuổi.
Từng là một người lính tham gia chiến tranh, từng chịu nhiều đau khổ và mất mát thì không có điều gì làm cho ông khao khát bằng, mong muốn bằng việc mọi người trên hành tinh này hãy đoàn kết với nhau, nắm chặt tay nhau để đấu tranh gìn giữ một gia tài quý báu nhất của con người, đó là hòa bình vĩnh viễn trên trái đất. Ông đã “kết” câu chuyện phim cho chúng tôi bằng những gửi gắm cho thế hệ hôm nay như thế…
TRẦN THANH HƯNG