Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một vấn nạn của xã hội cần được lên tiếng mạnh mẽ và phải giải quyết một cách triệt để. Thế nhưng, không ít người vẫn còn cho rằng BLGĐ chỉ là vấn đề nội bộ của vợ chồng, nên “đóng cửa bảo nhau”.
Chính từ quan niệm sai lầm ấy mà nhiều nạn nhân của BLGĐ đã phải cắn răng chịu đựng và càng chịu đựng, đối tượng gây ra BLGĐ càng có cơ hội lấn tới.
Thực trạng nhức nhối
“Sinh ra với thân phận phụ nữ, ai cũng mong gặp được người chồng yêu thương mình. Thế nhưng, mong ước là một chuyện, thực tế phũ phàng lại là chuyện khác”. Đó là chia sẻ của chị N.T.H ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh và cũng là tâm sự của chị N.T.M ở xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân. Cả hai bị chính những người thân của mình bạo hành. Các chị can tâm chịu đựng chứ không dám đứng lên tố cáo.
Theo thống kê mới nhất của TAND Tối cao, trong 5 năm qua, các tòa án địa phương đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc về ly hôn và gia đình. Trong số này, 186.954 vụ có hành vi đánh đập, ngược đãi, chiếm 53,1% nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Nạn nhân của BLGĐ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tại Phú Yên, từ năm 2015-2019, đã phát hiện hơn 860 vụ BLGĐ; trong đó có 129 vụ liên quan đến trẻ em, chủ yếu là bạo lực về thể xác, 91 trường hợp trẻ em gái bị xâm hại tình dục. BLGĐ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: gây tổn hại về sức khỏe, thể chất; gây thiệt hại về kinh tế; tổn thương về tâm lý, tinh thần, làm tan vỡ gia đình; gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội; ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, gây mất niềm tin vào gia đình, dẫn đến chán học, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi vi phạm pháp luật...
Là người từng tham gia nhiều buổi tư vấn, hòa giải, tiếp cận trực tiếp với các gia đình xảy ra nạn bạo hành, bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng nguyên nhân trực tiếp làm nảy sinh hành vi BLGĐ là do người chồng nghiện rượu, say rượu, những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chồng/vợ có học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật... Mặt khác tâm lý chung của người phụ nữ là chịu đựng để gia đình không tan vỡ. “Song yếu tố được coi là nguyên nhân sâu xa của BLGĐ và là yếu tố cơ bản nhất gây ra nạn BLGĐ là bất bình đẳng giới”, bà Hoa nói.
Những địa chỉ tin cậy
Trước thực trạng BLGĐ có chiều hướng gia tăng, những câu lạc bộ (CLB) gia đình hay các nhóm cộng đồng đã trở thành địa chỉ tin cậy cho chị em phụ nữ bị BLGĐ. Không chỉ là nơi cưu mang, giúp đỡ hay hòa giải, hàn gắn cho các gia đình, các CLB này còn là tiền đề để các gia đình xây dựng hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng. Và nhờ có đội ngũ tư vấn viên, hòa giải viên mà nhiều trường hợp không còn phải chịu nạn bạo hành. Không ít các CLB, nhóm hoạt động cộng đồng đã tạo dựng được những địa chỉ tin cậy, là nơi tìm đến của nhiều nạn nhân bị bạo hành gia đình, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng hạnh phúc. “Trên địa bàn tỉnh hiện có 275 CLB Gia đình phát triển bền vững và 35 nhóm phòng, chống BLGĐ đang hoạt động. Thành viên của các CLB và nhóm phòng chống BLGĐ đã đến từng ngõ, gõ từng nhà từ nạn nhân cũng như đối tượng gây ra BLGĐ để tư vấn, hòa giải...”, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), cần có những địa chỉ tin cậy, một đội ngũ tư vấn, hòa giải có kinh nghiệm, nhiệt tình và am hiểu pháp luật để giúp chị em phụ nữ vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần khi cần thiết. “Tuy nhiên, hơn ai hết, khi là nạn nhân của BLGĐ, chị em phải mạnh dạn đấu tranh, không nên cam chịu để trở thành nô lệ trong chính gia đình mình. Đây cũng là cách chị em tự bảo vệ mình và góp phần xóa bỏ BLGĐ, thực hiện tốt bình đẳng giới”, bà Hồng nói.
Ở CLB Gia đình phát triển bền vững thôn Long Phụng (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa), thành viên không chỉ là phụ nữ mà còn có cả nam giới và những người lớn tuổi. Từ những buổi sinh hoạt, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về gia đình, về bình đẳng giới được đến với từng gia đình, làng xóm. Ông Nguyễn Văn Chức, thành viên CLB này chia sẻ: “Tham gia CLB, tôi và các thành viên trong gia đình có thêm nhiều kiến thức về Luật Bình đẳng giới, về phòng chống BLGĐ... Từ đó, tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giáo dục truyền thống gia đình Việt Nam đến các thế hệ con cháu, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”.
Còn ngôi nhà của chị Nguyễn Quang Thị Thinh ở buôn Trinh (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) gần 20 năm qua đã trở thành nơi lánh nạn an toàn cho nhiều chị em mỗi khi bị bạo hành. Chính từ nơi này, cuộc đời của nhiều chị em phụ nữ đã được lật sang một trang mới - trang của niềm tin yêu và hạnh phúc. Chị Nguyễn Quang Thị Thinh bày tỏ: “Tôi nghĩ, bên cạnh tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, cần phải có các mô hình “nhà tạm lánh” để bảo vệ nạn nhân bị BLGĐ. Đồng thời, chính quyền cần có hình thức xử phạt đối với những trường hợp BLGĐ nghiêm trọng gây nguy hại cho phụ nữ và trẻ em”.
Bên cạnh tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, cần phải có các mô hình “nhà tạm lánh” để bảo vệ nạn nhân bị BLGĐ. Đồng thời, chính quyền cần có hình thức xử phạt đối với những trường hợp BLGĐ nghiêm trọng gây nguy hại cho phụ nữ và trẻ em.
Chị Nguyễn Quang Thị Thinh (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) |
THIÊN LÝ - NGUYỄN YÊN