Thứ Bảy, 05/10/2024 20:17 CH
Xúc động, tự hào giai điệu ngày Tết Độc lập
Thứ Tư, 02/09/2020 07:00 SA

Một tiết mục ca ngợi Đảng, Tổ quốc do Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển biểu diễn. Ảnh: THIÊN LÝ

Những ngày này, trên khắp các nẻo đường cả nước từ thành thị đến nông thôn, từ các thành phố lớn đến các địa phương vùng sâu tràn ngập cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

 

Tuy trong thời điểm đặc biệt này, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật phải tạm dừng để tập trung phòng chống dịch COVID-19, nhưng các ca khúc cách mạng hào hùng một thuở vẫn liên tục được phát đi trên các phương tiện phát thanh, truyền hình.

 

Lay động lòng người

 

Nghe những khúc ca hào sảng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, dường như ai cũng có thể cảm nhận được không khí hào hùng, sục sôi khí thế cách mạng của toàn dân tộc 75 năm về trước. Những ca khúc như: Lên đàng (Lưu Hữu Phước), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Phất cờ Nam Tiến (Hoàng Văn Thái), Tiến quân ca (Văn Cao), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Mười chín tháng Tám (Xuân Oanh)... đến nay không chỉ làm lay động trái tim những khán giả lớn tuổi từng tham gia các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà ngay cả lớp khán giả thế hệ 8X, 9X cũng phần nào hình dung được không khí đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc.

 

Trong hàng trăm khúc tráng ca làm lay động trái tim của nhiều thế hệ không thể không nhắc đến bài Tiến quân ca. Đây là ca khúc được nhạc sĩ Văn Cao viết trong nhiều ngày vào cuối năm 1944 tại căn gác nhà số 171 phố Mongrand (nay là nhà số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) và được in lần đầu trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập tháng 11/1944. Tên và lời ca khúc Tiến quân ca là sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long hành khúc ca trước đó. Với ca từ ngắn gọn, dễ thuộc, dễ phổ cập mà giai điệu lại hùng tráng thể hiện được khát vọng của dân tộc nên ngay từ khi mới ra đời, ca khúc đã được đội ngũ chiến sĩ cách mạng nồng nhiệt đón nhận, sau đó trở thành ca khúc chính thức của Mặt trận Việt Minh.

 

Cố nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ: “Tôi tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Ðộc Lập, còn giữ lại nét chữ viết của anh thợ mới vào nghề”.

 

Ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, Tiến quân ca được dàn nhạc Giải phóng quân cử hành, hàng triệu người hát vang lời ca theo tiếng nhạc của hành khúc hùng tráng, sôi động. Năm 1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định lấy bài Tiến quân ca làm Quốc ca Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, tại Điều 3 cũng ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa I (năm 1955) đã quyết định giữ nguyên nhạc, chỉ sửa đôi chút về lời của Quốc ca.

 

Ngoài Tiến quân ca, những giai điệu trong ca khúc Ba Đình nắng của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch: Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/ Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh… cũng khiến người nghe dâng trào cảm xúc đặc biệt. Ca khúc đã âm thầm lan tỏa và trở thành khúc ca không thể thiếu mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

 

Ba Đình nắng được phổ nhạc năm 1947, nghĩa là chỉ hai năm sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây thực sự là một ca khúc “độc nhất vô nhị”, đã đưa câu nói hào sảng mà rất thân thương, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào giữa Ba Đình lịch sử: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” vào ca khúc. Câu nói ấy được lồng vào giai điệu với 7 nốt nhạc rất nhuần nhị, tự nhiên mà nghe thật tình cảm.

 

Vọng mãi ngàn thu

 

Vượt qua thử thách nghiệt ngã của thời gian, đến nay, Tiến quân ca, Ba Đình nắng... và nhiều ca khúc cách mạng vẫn vẹn nguyên sức sống, sức lan tỏa trong lòng người. Giá trị các ca khúc vẫn còn đó, vẫn vọng mãi những âm vang hào hùng của mùa thu cách mạng, mùa thu cả rừng cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Ba Đình, giữa Hà Nội thân yêu. Để với các thế hệ trẻ hôm nay, những ca khúc ấy như một niềm tự hào về cha ông, như một lời hứa trách nhiệm với đất nước.

 

Bạn Nguyễn Văn Hiếu, sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trong thời bình, nên tôi chưa thực sự hiểu hết được những đau thương, mất mát, gian khổ, hy sinh của các thế hệ đi trước để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghe lại các ca khúc viết về thời điểm Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và ngày Tết Độc lập, tôi vẫn thấy rạo rực trong lòng. Những ca từ, giai điệu trầm hùng đã thật sự khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy tinh thần sục sôi của thế hệ trẻ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Còn bạn Lê Thị Sang, sinh viên Trường đại học Phú Yên bày tỏ: “Truyền thống vẻ vang được viết bằng máu, bằng nước mắt của nhiều thế hệ người Việt Nam cùng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là những giá trị cốt lõi và cũng là hành trang tư tưởng của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay trong học tập, rèn luyện, tiếp tục viết thêm những kỳ tích vào trang sử vàng chói lọi của dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển”. 

 

Mỗi lần nghe lại các ca khúc viết về thời điểm Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và ngày Tết Độc lập, tôi vẫn thấy rạo rực trong lòng. Những ca từ, giai điệu trầm hùng đã thật sự khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy tinh thần sục sôi của thế hệ trẻ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Nguyễn Văn Hiếu, sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek