Xuất hiện lần đầu tiên trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào năm 2008, cây bút nữ người Ninh Bình được nhận định sẽ “đi đường dài” với văn chương. Hơn 10 năm sau, với Nhà thánh - một truyện ngắn vừa phiêu diêu kỳ ảo vừa đậm chất hiện thực và giàu tính biểu tượng, nhà văn Vũ Thanh Lịch đoạt giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nhà văn Vũ Thanh Lịch. Ảnh: CTV |
Có thể nói, với Nhà thánh, Vũ Thanh Lịch đã chọn một lãnh địa riêng để ngòi bút của chị tha hồ cày xới. Thạc sĩ Văn hóa học đã phát huy sở trường của mình khi “đặt” tác phẩm vào không gian tín ngưỡng thờ Mẫu mà chị dày công nghiên cứu. Truyện ngắn này, vì thế, độc đáo từ đề tài cho tới cách thể hiện của một cây bút đạt đến độ chín. Vậy nên những ai theo dõi Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018-2019) của Văn nghệ Quân đội - một địa chỉ uy tín trên văn đàn, hẳn không có gì ngạc nhiên khi Vũ Thanh Lịch vượt qua hơn 300 tác giả dự thi, trở thành Khôi nguyên Lửa Mới.
* Chào chị. Tôi nghĩ rằng đọc Nhà thánh của chị, nhiều người có suy nghĩ giống tôi, rằng truyện ngắn đó được viết bởi sự thôi thúc, ám ảnh. Điều gì thôi thúc chị viết Nhà thánh?
- Thực ra bất kỳ vấn đề nào của cuộc sống cũng có thể thôi thúc, ám ảnh nhà văn, và bất kỳ nhà văn nào, khi chạm tới các vấn đề của cuộc sống đều có mong muốn được biểu đạt suy nghĩ, xúc cảm của mình. Tôi cũng vậy, tôi tiếp xúc nhiều với mảng văn hóa tâm linh, thánh thần, đền chùa miếu phủ, tôi nghĩ về những câu chuyện liên quan và tìm cách biểu đạt, chia sẻ với các bạn. Cách thuận tay với tôi hơn cả là ngôn ngữ, mà cách sử dụng ngôn ngữ hiệu quả nhất với tôi, là kể thành một câu chuyện.
* Có ý kiến cho rằng chỉ riêng về đề tài, chị đã vượt qua nhiều cây bút đáng gờm cùng dự thi Lửa Mới. Chị nói gì về điều này?
- Tôi nghĩ rằng đề tài cũng quan trọng, quan trọng nữa là cách người viết tiếp cận, triển khai đề tài, nếu không thì đề tài có hay đến mấy cũng không thể khiến bạn đọc thích thú theo dõi được.
* Bây giờ đọc lại Nhà thánh, chị có còn thấy hài lòng như khi vừa viết xong?
- Khi một tác phẩm đã lên báo, đã đến tay bạn đọc, tôi thường không nghĩ về nó nữa, đã có rất nhiều bạn đọc nghĩ về nó rồi còn gì. Tôi dành thời gian và công sức nghĩ về những cái mới, những cái đang viết và sắp viết thôi.
* Trước khi đoạt giải nhất cuộc thi Lửa Mới, chị đã có nhiều năm viết rất đều trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị có thể chia sẻ một chút về nguồn năng lượng sáng tác của mình?
- Trong cuộc sống tôi có nhiều thua thiệt và thất bại nhiều hơn so với bạn bè cùng trang lứa, vì vậy tôi luôn luôn nỗ lực, cố gắng để khẳng định mình, mà ngoài viết truyện ra tôi không biết làm gì nữa cả. Khi viết, tôi được các biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội động viên, được bạn đọc bốn phương cổ vũ, đó là một trong những nguồn năng lượng tích cực để tôi không ngừng viết.
* Văn chương là con đường nhọc nhằn. Với riêng chị thì sao?
- Tôi tìm thấy sự tự tin, niềm vui và điểm tựa khi đến với văn chương. Khi cầm bút, văn chương cho tôi những thách thức mà mỗi lần vượt qua tôi lại tích lũy thêm được bao nhiêu là năng lượng quý.
* Bây giờ, khi chị ngồi vào bàn viết, áp lực liệu có lớn hơn lúc trước?
- Đương nhiên là có rồi, tôi sợ nhất là không vượt qua được tôi của ngày hôm qua mà.
* Xin cảm ơn chị!
Nhà văn Vũ Thanh Lịch sinh năm 1978, ở Ninh Bình. Chị hiện là Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình). Năm 2012, chị tham gia khóa học ngắn hạn Thẩm bình và sáng tác văn chương do Khoa Viết văn - Báo chí, Trường đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức. Vũ Thanh Lịch đã in các tập sách: Trú rét, Đi qua đồng cói, Chân núi có một con đường, Đánh thức trái tim, Người hát gọi mặt trời. Năm 2019, chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. |
YÊN LAN (thực hiện)