Tình thương yêu Bác Hồ dành cho tất cả mọi người, nhưng đối với miền Nam đó là tình cảm đặc biệt. Bởi vì Bác thương: “miền Nam đi trước về sau”, “miền Nam thành đồng Tổ quốc”. Điều ngẫu nhiên là các nhạc sĩ viết về những ca khúc “Bác Hồ với miền Nam ruột thịt” đều lựa chọn dòng nhạc mang âm hưởng của những làn điệu dân ca.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Cầu và ca khúc “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”
Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, mùa xuân năm 1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc! Từ ngày rời Bến Nhà Rồng năm 1911, Bác chưa một lần trở về miền Nam, nhưng trong tâm trí Người luôn hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt.
Trong Di chúc, Bác Hồ vẫn thể hiện niềm khao khát: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Chính vì lẽ đó, càng thêm thôi thúc nhạc sĩ Lưu Hữu Cầu cho ra đời ca khúc “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”. Ca khúc đã sử dụng chất dân ca của một câu hò Đồng Tháp:“dẫu núi có mòn sông kia cạn, Miền Nam ơi, miền Nam nhớ mãi ơn Người thiết tha”. Và chính câu hò này đã làm nên sự thành công của bài hát. Với nốt xuống xề rất lạ lẫm ở chữ “ơn Người” đầy chất Nam Bộ, tình cảm thiết tha.
Nhạc sĩ Ngô Đồng Nai với ca khúc “Người sống mãi trong lòng miền Nam”
Nhạc sĩ Ngô Đồng Nai tập kết ra Bắc, học tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1962, ông là cán bộ Vụ Âm nhạc và Múa, Bộ Văn hóa. Từ năm 1967, ông trở lại chiến trường miền Nam.
Năm 1969, khi nhạc sĩ đang ở căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thì nghe tin Bác Hồ mất. Sự kiện đau thương đã thôi thúc nhạc sĩ ngồi vào bàn viết. Nhạc sĩ nhớ những ngày còn sống, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn không bao giờ quên các cháu thiếu niên, nhi đồng, vì vậy nhạc sĩ viết câu mở đầu: “Con khắc sâu đời đời trong ánh mắt em thơ/trong triệu trái tim thương nhớ”. Nhạc sĩ nhớ công ơn của Bác với đất nước, với dân tộc Việt Nam. Chính nhờ có Người đã“Nâng chúng ta lên cuộc sống làm người”, cuộc sống mà Bác đã khẳng định “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và một tình cảm luôn canh cánh trong lòng Người, đó là mảnh đất miền Nam, vì vậy nhạc sĩ đặt thành tên ca khúc “Người sống mãi trong lòng miền Nam”.
Nhạc sĩ Trần Hoàn với ca khúc “Thăm Bến Nhà Rồng”
Trong một lần đến thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ trên Bến Nhà Rồng, nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết thành công ca khúc “Thăm Bến Nhà Rồng”.
Nếu như trong bài thơ Người đi tìm hình của nước, nhà thơ Chế Lan Viên cho người đọc thấy được hình ảnh của người thanh niên đi tìm đường cứu nước trong một không gian buồn với một tâm trạng cô đơn, thì nhạc sĩ Trần Hoàn cũng làm được điều đó qua ca khúc Thăm Bến Nhà Rồng.
Thăm Bến Nhà Rồng, nghe trong không gian sóng nước Sài Gòn:“Ai về Thủ Thiêm, ai qua Bến Nghé/ Ai xuôi, ai ngược/ Nhớ ghé Bến Nhà Rồng/ Chiều về khói tỏa trên sông/ Lắng nghe câu hát, hò ơ! Lắng nghe câu hát, chạnh lòng nước non”.
Bằng cách gợi và qua âm hưởng của hò Nam Bộ kết hợp với lời ca “Lúc cập thuyền ai đưa tiễn Người đi. Hay chỉ một mình Bác khăn gói biệt ly…” đã đánh trúng tâm lý người nghe để tạo nên trạng thái cộng hưởng về chiều sâu của mặt tình cảm. Hình ảnh của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã được hiển hiện trước một không gian buồn xa vắng, sâu lắng.
Nhạc sĩ Trần Khiết Tường với ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”
Năm 1960, khi đang ở Hà Nội, nhạc sĩ đã nghĩ đến việc sáng tác một bài hát về Hồ Chí Minh. Bởi đối với đồng bào miền Nam, hình ảnh của Bác là niềm vui sống, là niềm tin chiến thắng. Nhạc sĩ nghĩ nhiều đến đời sống giản dị và vĩ đại của Bác. Chính vì lẽ đó, Trần Khiết Tường đã nghĩ đến làn điệu dân ca Nam Bộ. Chỉ có thể trên cơ sở nhạc dân gian mới tạo nên một tác phẩm đi vào lòng người.
“Hò ơ… ơ…
Tôi hát ngàn lời ca
Bao la hơn những cánh đồng
Mênh mông hơn mặt biển Đông
Êm đềm hơn những dòng sông
Hò ơ… ơ... hò… ơ... hơ… ơ
Tôi hát ngàn lời ca
Nồng nàn hơn nắng ban mai đẹp tình hơn cánh hoa mai
Hùng thiêng hơn núi sông dài
Là một niềm tin Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người
Là một niềm tin Hồ Chí Minh”.
Giai điệu rộn ràng, phấn chấn như một bản độc tấu đàn mandoline, vốn là ngón đàn sở trường của nhạc sĩ.
Ca khúc“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” không những là một trong các tác phẩm để đời với nội dung ca ngợi Bác Hồ, mà đối với tác giả đây còn là điểm sáng trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc. “Chính chất liệuhò Cần Thơ của quê hương anh là đoạn mở đầu để nói lên Bác từ nhân dân mà ra, rồi phát triển dần thành những bước đi trìu mến, để biểu hiện cái đẹp của đất nước rực sáng dần trong đó có Bác Hồ” (Trích trong tự truyện Nhạc và Đời. NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1989).
Ngoài ra còn có rất nhiều ca khúc viết theo âm hưởng của những làn điệu dân ca. Như nhạc sĩ Đỗ Nhuận với bài “Trồng cây lại nhớ đến Người”. Câu hát “A ơ, chứ trồng cây tôi lại nhớ Người/ chứ rừng bao nhiêu cây mọc/ thì tôi ơn Người bấy nhiêu…” khiến người nghe liên tưởng đến một bài dân ca Nghệ - Tĩnh. Nhạc sĩ An Thuyên cũng đem âm hưởng dân ca Nghệ - Tĩnh vào bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, để hình dung về thời niên thiếu của Bác Hồ: “Tuổi ấu thơ Bác đã đi/ suốt chiều dài câu đò đưa/ Tuổi ấu thơ Bác đã sống/ suốt chiều rộng câu dân ca...” …
Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng đẹp cho khát vọng sống, cho hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Biểu tượng đó đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ cho bao nhạc sĩ, thi sĩ. Làm sao kể xiết! |
NGUYỄN VĂN THANH