Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng câu chuyện về Người vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các văn nghệ sĩ. Nhiều ca khúc viết về Người đã trở thành món ăn tinh thần vô cùng to lớn, quý giá đối với nhiều thế hệ người Việt.
Thời điểm này khá đặc biệt khi các chương trình biểu diễn nghệ thuật tiếp tục tạm dừng để tập trung phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra. Mặc dù vậy, câu chuyện về Bác vẫn luôn được ngân vang bằng những giai điệu dạt dào tình cảm, chạm đến trái tim người nghe qua các ca khúc trên sóng truyền hình, phát thanh.
Bác Hồ - tình yêu bao la với thiếu niên, nhi đồng
Nhắc đến tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu niên nhi đồng và thiếu niên nhi đồng dành cho Bác Hồ không thể không nhắc đến ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Đây là một trong những ca khúc thiếu nhi hay nhất về đề tài Bác Hồ. Ra đời vào cuối năm 1945, ngay sau khi nước nhà giành độc lập, ca khúc không chỉ là mốc son trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã mà giai điệu đẹp này còn gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua. Hình ảnh Bác Hồ trong Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng hiện lên dung dị mà lại rất thanh cao: Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài/Bác chúng em nước da nâu vì sương gió... Ca khúc đã đóng góp một phần quan trọng để hình ảnh Bác trường tồn trong lòng mỗi người dân Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Bên cạnh đó, rất nhiều ca khúc đã nói lên những tình cảm sâu sắc của thiếu niên nhi đồng dành cho Bác Hồ kính yêu, như: Bác Hồ người cho em tất cả (Hoàng Long - Hoàng Lân), Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác (Hoàng Long - Hoàng Lân), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Bên Lăng Bác Hồ (Dân Huyền)... Đặc biệt là ca khúc Em mơ gặp Bác Hồ do nhạc sĩ Xuân Giao sáng tác vào năm 1969 - ngay sau khi Bác Hồ mất ít ngày. Sự tiếc thương của người Việt Nam khi hay tin Bác qua đời mang tới niềm xúc động mạnh trong lòng nhạc sĩ. Lúc sinh thời, nhạc sĩ gốc Hưng Yên sinh ra và lớn lên ở thành phố Hoa Phượng Đỏ cũng là người lính Cụ Hồ này đã từng chia sẻ, ông nén nỗi đau mất mát, kìm lại những giọt nước mắt như hàng triệu người đang khóc Bác. Khi Bác đi xa, nhạc sĩ Xuân Giao nhìn ảnh Bác, nhớ về Bác bằng cái đẹp của nụ cười, ánh mắt cùng một cách sống bình dị, chan hòa. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để những giai điệu hồn nhiên trong sáng bật ra, mà đó còn được cộng hưởng bởi một câu chuyện “đẹp như trong mơ” vào năm 1946. Khi ấy, ông mới 15 tuổi và đã có dịp gặp Bác Hồ trong một chuyến công tác của Bác tới Hải Phòng. Chân dung vị Cha già dân tộc hiện lên trong ánh mắt trẻ thơ gần gũi, thân quen như một vị tiên ông trong truyện cổ tích: Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ... trong ca khúc ấy.
Ngoài các tác phẩm nói trên, còn rất nhiều ca khúc mới viết về tình cảm của Bác với các em thiếu nhi do các nhạc sĩ trẻ sáng tác, như: Chuyện kể về một người ông, Thiếu nhi thành phố Bác Hồ, Hoa thơm dâng Bác, Nhớ lời Bác em càng học chăm, Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Chiếc khăn quàng, Chúng em làm theo lời Bác, Thiếu nhi làm theo lời Bác...
Bác Hồ trong trái tim của dân tộc
Mỗi ca khúc viết về Bác mang màu sắc riêng, nhưng tất cả đều dạt dào tình cảm của những người con thế hệ hôm nay nhớ về Người. Tháng 5 này, mỗi người con Việt Nam lại được chìm vào những giai điệu đẹp của Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Ca ngợi Tổ quốc…, hoặc lắng đọng với Tháng Năm nhớ Bác, Ngợi ca Hồ Chủ tịch, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Lời Bác dặn trước lúc đi xa…
Giữa hàng trăm ca khúc viết về Bác, có lẽ Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (nhạc sĩ Trần Kiết Tường sáng tác năm 1960) là một trong những nhạc phẩm xuất sắc với giai điệu đầy xúc cảm về tấm lòng của những người con miền Nam với vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc: Trên cánh đồng miền Nam/ Đau thương mây phủ chân trời/ Khi ca lên Hồ Chí Minh/ Nghe lòng phơi phới niềm vui/ Trên xóm làng miền Nam/ Hình Người như Tiến quân ca/ Giục lòng vươn cánh bay xa/ Vùng lên giải phóng quê nhà... Nhạc sĩ Trần Kiết Tường viết ca khúc này vào thời điểm nhân dân miền Nam đang phải sống trong cảnh đất nước chia cắt nhưng vẫn luôn nhớ về Bác, với niềm tin vững chắc đến ngày thống nhất…
Trong rất nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Bác, đến nay, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn là người giữ “kỷ lục” với 26 ca khúc viết về Người. Trong đó, ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của ông. Ca khúc mang giai điệu thiết tha, sâu lắng, ca từ thấm đẫm cảm xúc, chứa chan tình yêu bao la làm lay động biết bao tâm hồn: Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa/ Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung thu gửi cho quà/ Bác thương đoàn dân công, đêm nay ngủ ngoài rừng/ Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương....
Theo chị Trầm Huyền Trang ở huyện Tây Hòa, người thể hiện thành công nhiều ca khúc viết về Bác, điểm chung của những bài hát về Bác là cái hồn dân tộc, rất mộc mạc, sâu lắng. Vì vậy, khi hát không cần điệu đàng hay phô diễn kỹ thuật quá. “Các ca khúc viết về Bác rất hay nhưng không dễ hát. Để thể hiện thành công, người hát cần chịu khó tìm ra những nét khác nhau để thể hiện cho phù hợp với tinh thần mỗi ca khúc. Tôi cũng không nhớ đã hát bao nhiêu ca khúc về Bác, nhưng mỗi khi hát, điều đầu tiên là thể hiện sự tôn kính và tình yêu đối với Người”, Huyền Trang nói.
THIÊN LÝ