Thứ Hai, 20/01/2025 00:51 SA
Hai nhà giáo tài hoa xứ Huế và con đường hướng về cách mạng
Thứ Hai, 06/04/2020 15:40 CH

Từ rất lâu Huế đã trở thành vùng đất của thơ văn nhạc họa. Người thầy giáo ở xứ sở này cũng vì thế mà trở nên tài hoa. Và có hai người thầy giáo đã sử dụng sự tài hoa này của mình để đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc.

 

Nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha

 

Liệt sĩ, nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha

Sớm nhận thức được bản chất của chế độ Việt Nam Cộng hòa là bù nhìn và tay sai của Mỹ nên sau khi tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên Trường đại học Sư phạm Huế (1958-1959) và tốt nghiệp cử nhân Luật khoa (1962) người thanh niên yêu nước Ngô Kha (1935-1973) vừa đi dạy văn, vừa tích cực tham gia các phong trào yêu nước tại Huế.

 

Trong khi miền Nam đang nhiễm độc bởi thứ văn nghệ “tâm lý chiến” được chế độ Mỹ - Diệm “rao hàng tận nơi” thì vào năm 1961, nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Hoa cô độc. Tập thơ xuất hiện như một “nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch, thực chất là một thái độ hoài nghi và dừng lại trước lẽ sống bịa đặt của chế độ Mỹ - Diệm” (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nhớ Ngô Kha, 1990). Tiếp đó, ông đã liên tiếp xuất bản các tập thơ Trường ca hòa bình (1968) và Ngụ ngôn của người đãng trí (1969), kêu gọi mọi người cùng đứng lên giành lại hòa bình cho dân tộc. Với cách nhìn tiến bộ như thế, nhiều tác phẩm văn chương và chính luận của ông cũng thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí công khai ở miền Nam, như: Trình Bày, Mai, Đất Nước, Đối Diện, Hướng Đi, Tin Tưởng...

 

Năm 1970, nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San chủ trương phong trào Tự quyết, ra tập san Tự Quyết. Năm 1972, ông tham gia thành lập và được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế. Ông cũng là chủ biên tập san của Mặt trận. Đặc biệt, ông đã cùng với văn nghệ sĩ Huế lên tiếng ủng hộ tuyên bố 7 điểm đề nghị chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình được bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công bố tại Hội nghị Paris (ngày 1/7/1971).

 

Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, thành viên của nhóm trí thức đấu tranh Tự quyết của Ngô Kha, nhớ lại: “Đầu những năm 70, thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn. Những bài thơ mới của Ngô Kha trong giai đoạn này là những khúc tráng ca mang đầy dấu ấn của thời cuộc: Bài ca tự quyết, Cho những người nằm xuống, Trường ca hòa bình… Chính vì vậy mà nhà chức trách đương thời ở Huế điên cuồng tìm mọi cách để triệt hạ ngọn cờ Ngô Kha”.

 

Nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha đã từng bị chế độ Việt Nam Cộng hòa bắt hai lần vào các năm 1966, 1971. Đến khoảng đầu năm 1973, khi gần Tết đến xuân về, Liên Thành - Trưởng ty Cảnh sát quốc gia Thừa Thiên lệnh bắt ông và sau đó giết hại người thầy giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh Huế.

 

Ngày 3/11/1981, nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha được công nhận là liệt sĩ. Ngày 26/6/1989, ông được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Ngày nay, một con đường ở gần nhà ông và trường tiểu học tại địa bàn phường Phú Hiệp, TP Huế được mang tên Ngô Kha.

 

Nhà giáo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 

Nhà giáo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Huế là quê hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001). Sinh ra ở Đắk Lắk nhưng từ 4 tuổi, ông đã theo gia đình ra Huế sinh sống. Sau đó, ông vào Sài Gòn học triết học Trường Tây Lyceé Jean Jacques Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây. Tiếp đó, ông theo học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em Trường sư phạm Quy Nhơn (1962-1964), rồi theo nghề giáo tại tỉnh Lâm Đồng từ năm 1964-1967 và tại tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 1973-1974.

 

Ngoài là một nhà giáo, nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn còn là người đấu tranh tích cực cho phong trào hòa bình tại miền Nam. Năm 1968, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp những anh Bộ đội Cụ Hồ trong 26 ngày đêm cách mạng giải phóng Huế. Theo đạo diễn Lê Phong Lan, đạo diễn 12 tập phim tài liệu “Mậu Thân 1968” phát trên VTV1 năm 2013, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết quân đội cách mạng vô cùng nghiêm túc, kỷ luật và đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong ông. Bởi thế, vào năm 1970, ông tham gia phong trào Tự quyết với Ngô Kha, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San. Lê Khắc Cầm, một trí thức làm cơ sở cho Thành ủy Huế nhớ lại: “Chúng tôi và Trịnh Công Sơn đọc rất nhiều sách báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái radio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ cách mạng”.

 

Ngày 30/4/1975, nhà giáo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài “Nối vòng tay lớn” tại Đài Phát thanh Sài Gòn vừa được cách mạng tiếp quản. Ông xúc động nói: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam”.

 

Sau khi đất nước được giải phóng, người thầy giáo năm nào đã sống lại một cách yêu đời, yêu người trong tâm hồn của ông. Các thế hệ đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, những chủ nhân tương lai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hát vang ca khúc Khăn quàng thắp sáng bình minh của ông: “... Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường/ Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh/ Từng cánh tay măng non, đang xây ngày mai hồng/ Đoàn thiếu nhi em là hy vọng Việt Nam...”.

 

Ở Huế hiện đã có đường Trịnh Công Sơn, đã có Gác Trịnh ở đường Nguyễn Trường Tộ. Nếu thành công, sắp tới Huế sẽ có thêm Không gian Văn hóa Trịnh tại phường Thủy Biều, TP Huế. Mộ phần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng sẽ được dời từ TP Hồ Chí Minh về Huế. Về các chương trình âm nhạc, Huế đã có các chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn nằm trong khuôn khổ Festival Huế. Cách đây hai năm, tại Festival Huế 2018, dự án “Vẽ nhạc Trịnh” đã khiến du khách thích thú.

 

NGUYỄN VĂN TOÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek