Đó là Nguyễn Thị Trúc Linh - cô gái sinh năm 1989 có giọng ca thiên phú ở làng biển Lò 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa. Linh được đào tạo bài bản về thanh nhạc ở TP Hồ Chí Minh và có những đóng góp tích cực cho phong trào văn nghệ quần chúng của huyện Đông Hòa nói riêng và tỉnh nhà nói chung.
Tại các hội diễn vừa qua, Trúc Linh đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, Trúc Linh thực sự khiến khán giả phải ngỡ ngàng trước chất giọng đầy nội lực, phong cách biểu diễn tự tin, rất “nhà nghề”.
“Máu” nghệ sĩ
Nguyễn Thị Trúc Linh là con gái của nghệ nhân Bình Thảng (tên thật là Nguyễn Đình Thoảng), Phó Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa. Từ nhỏ, Trúc Linh đã được nghe những làn điệu dân ca, bài chòi từ người cha mê ca hát của mình. Thừa hưởng “gien âm nhạc” từ cha nhưng chỉ đến khi lên cấp ba, Trúc Linh mới bộc lộ năng khiếu và dành nhiều tình cảm yêu mến cho âm nhạc.
Trúc Linh kể: “Mặc dù được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng lúc nhỏ tôi chưa từng có hứng thú và nghĩ mình sẽ gắn bó với âm nhạc. Cho đến năm vào lớp 10, trong một lần xem hội thi văn nghệ ở trường, tôi đã bị “hớp hồn” trước màn trình diễn đầy ấn tượng của một chị lớp trên. Hình ảnh ấy đã khơi dậy tình yêu âm nhạc trong tôi. Từ đó, tôi bắt đầu yêu thích ca hát và quyết định theo đuổi con đường âm nhạc”.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, được sự ủng hộ của gia đình, Trúc Linh thi đậu chuyên ngành Thanh nhạc, Trường cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn. Năm 2010, Trúc Linh tốt nghiệp và tham gia Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bình Dương. Một năm sau, Trúc Linh tiếp tục theo học chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc tại cơ sở 2 Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, TP Hồ Chí Minh; đồng thời gia nhập Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7.
Trong thời gian học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Trúc Linh đã tích cực tham gia nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật có quy mô và “rinh” về nhiều giải thưởng. Nổi bật như: giải nhì Liên hoan Giọng hát hay của Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; giải ba Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh; tham gia và lọt vào chung kết Liên hoan Tiếng hát truyền hình khu vực phía Nam…
Không chỉ giành nhiều giải thưởng tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật, Trúc Linh còn mang lời ca tiếng hát đến với các chiến sĩ nơi hải đảo đầy nắng và gió trong chuyến đi Trường Sa vào đầu năm 2016. “Được đi, được trải nghiệm, mỗi ngày tôi học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Tôi cảm thấy rất may mắn! Nhưng sau ngần ấy thời gian xa quê, tôi quyết định trở về quê hương, mong muốn đem những gì mình được đào tạo, học hỏi đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng tỉnh nhà”, Trúc Linh chia sẻ.
Cô gái đa năng
Giữa năm 2016, Trúc Linh trở về Phú Yên và công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đến cuối năm 2018. Từ đầu năm 2020 đến nay, Trúc Linh đã trở thành một trong những tuyên truyền viên chính thức của Đội Thông tin lưu động, Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ngoài vun vén cho giọng ca mỗi ngày một đầy hơn, Trúc Linh còn tích cực viết kịch bản, tiểu phẩm cho các hội thi tuyên truyền theo chủ đề: phòng chống ma túy, an toàn giao thông, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng cháy chữa cháy, nông thôn mới, bảo vệ môi trường... để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.
Không chỉ thể hiện thành công thế mạnh ở dòng nhạc dân gian đương đại, dân ca..., Trúc Linh còn khẳng định vị trí của mình với dân ca bài chòi. Năm vừa qua, Trúc Linh đã ra mắt khán giả tác phẩm “Nhớ anh mùa xuân” theo làn điệu bài chòi. Tác phẩm này đã được trao giải khuyến khích trong Cuộc thi Sáng tác bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2019 do Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức.
Trúc Linh cho biết cô yêu những làn điệu dân ca ngọt ngào ngay từ khi còn nhỏ. Nghe nhiều, hát nhiều, nhưng sáng tác bài chòi thì đây là lần đầu tiên với Linh. “Chuyến đi Trường Sa là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác. Hình ảnh người chiến sĩ nơi biên cương hải đảo và nỗi nhớ người thân nơi quê nhà là đề tài xuyên suốt trong tác phẩm của tôi. Với giai điệu thiết tha, ca từ giản dị và lắng đọng, Nhớ anh mùa xuân thể hiện được ý chí của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc”, Trúc Linh chia sẻ về đứa con tinh thần của mình.
Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi, Trúc Linh còn dạy hát và truyền dạy kỹ năng biểu diễn cho những người đam mê, nhất là các em học sinh cấp 3. Nhiều bạn trẻ được Trúc Linh nhiệt tình chỉ dạy đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, liên hoan ở địa phương và xuất sắc đậu đại học các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật...
Là con “nhà nòi” nên từ nhỏ Trúc Linh đã có khả năng cảm thụ tiết tấu tốt. Ngoài các dòng nhạc sở trường (dân gian đương đại, dân ca), Trúc Linh còn thể hiện nhiều dòng nhạc khác. Với niềm đam mê ca hát, Trúc Linh đã đóng góp vào công tác tuyên truyền, phát triển phong trào văn nghệ địa phương.
Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Đông Hòa Nguyễn Văn Tuấn |
THIÊN LÝ