Tin “vua” tư liệu Trần Thanh Phương từ giã cõi đời giữa lúc tôi đang ở Phú Yên, ngay trong ngôi nhà tuổi thơ tôi mà ông cùng đoàn nhà văn từ TP Hồ Chí Minh từng ra thăm. Và bao kỷ niệm với con người đặc biệt này cũng như hành trình cuộc đời ông hiện dần lên…
Cái duyên với Phú Yên của một người kỳ lạ gốc Bạc Liêu
Cách đây gần tròn mười năm, vào cuối năm 2010, vợ chồng Trần Thanh Phương cùng đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh ra Phú Yên tham quan, do Công ty Sao Việt của nhà báo Trần Quang Phú góp phần hỗ trợ. Là “thổ địa” đất này nên tôi đưa đoàn đi thăm hầu hết các di tích thắng cảnh, dâng hương Đền thờ Thành hoàng Lương Văn Chánh và viếng cả ngôi chùa cổ Long Tường tận thôn Phú Thọ, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Đến đâu, Trần Thanh Phương cũng khen Phú Yên cảnh đẹp người lành và ghi chép tỉ mỉ, chụp lại những tư liệu cần thiết.
Ngoài quan hệ thân thiết với nhà văn - nhà báo Trình Quang Phú khi làm báo Đại Đoàn Kết thuộc Trung ương MTTQ Việt Nam, hơn mười năm trở lại đây, nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương còn chơi khá thân với một người Phú Yên khác là nhà báo - nhà giáo Phan Lê Lưu, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Phú Yên. Phan Lê Lưu khi làm lãnh đạo Trường Phát thanh - Truyền hình Trung ương 2 ở TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu các đoàn học viên đến tham khảo kho tư liệu quý của Trần Thanh Phương. Và trong những lần tôi hội ngộ với hai ông, nhiều câu chuyện thú vị về cuộc đời “vua” tư liệu được “bật mí”.
Đất phương Nam luôn xuất hiện những nhân vật kỳ lạ. Nếu như Vương Hồng Sển nổi tiếng nhờ chơi đồ cổ trước khi thành học giả thì Trần Thanh Phương được biết đến nhiều với tư cách người sưu tầm tư liệu trước khi trở thành tác giả của gần 30 đầu sách. Sinh thời, lúc trà dư tửu hậu với nhau, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngạc nhiên về người bạn của mình: Một “thằng cha” dân Bạc Liêu nổi tiếng ăn chơi mà suốt ngày ngồi sưu tầm cắt dán tài liệu như Trần Thanh Phương thì thật lạ, thật hiếm. Còn nhà văn Lê Văn Thảo hay đùa rằng, Trần Thanh Phương mê tài liệu hơn mê nhậu và mê phụ nữ, dù cái nào cũng… mê!
Tôi thì thầm phục sự chăm chỉ, kiên nhẫn của bậc đàn anh làng báo làng văn này. Rõ ràng, không có một niềm đam mê lớn lao và một ý thức cao đối với cuộc sống và lịch sử thì Trần Thanh Phương không thể có một “gia tài” đồ sộ vô giá: hơn 1 tấn tư liệu báo chí, văn học sau bao năm mày mò đọc - cắt - dán. Thực ra, việc sưu tầm xưa nay không phải là ít người làm, nhưng ở nước ta những người chuyên sưu tầm tư liệu báo chí, văn học một cách có hệ thống như ông rất hiếm hoi.
Trần Thanh Phương sinh năm 1940 ở huyện Cái Nước nay thuộc tỉnh Cà Mau. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc học ở trường học sinh miền Nam. Đến năm 1967, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội về làm phóng viên Ban Miền Nam Báo Nhân Dân. Do thường xuyên được cử tiếp xúc với các đoàn đại biểu từ chiến trường miền Nam ra thăm miền Bắc, mà ông lại xa Nam Bộ tập kết ra Bắc từ khi mới 15 tuổi, ít am hiểu về quê hương, nên ông bắt buộc phải tìm hiểu qua tư liệu sách báo. Từ đó, công việc sưu tầm tư liệu trở thành niềm đam mê của chàng trai gốc Bạc Liêu này.
Trò chuyện với tôi, nhà văn Trần Thanh Phương nói: “Tư liệu đối với nghề cầm bút cực kỳ quan trọng. Nó giống như “gia tài” ngổn ngang trong thùng đồ nghề của anh thợ sửa xe, khi cần ốc vít gì có nấy. Bên Pháp, đến lá thư hay vật dụng của Bác Hồ từ xưa vẫn còn lưu giữ rất kỹ. Cái gì thuộc về quá khứ họ luôn tìm mọi cách giữ gìn, trân trọng. Ở Việt Nam chưa có truyền thống làm tư liệu. Hơn nữa, chiến tranh liên miên nên muốn lưu giữ cái gì cũng khó”.
Gia tài đồ sộ của Trần Thanh Phương có ảnh chân dung, bút tích và tư liệu của hơn 700 nhà văn Việt Nam. Trong đó có thể kể đến: Nguyễn Tuân (2 tập, 300 trang A4/1 tập), Chế Lan Viên (2 tập), Xuân Diệu (2 tập), Huy Cận (2 tập), Nguyễn Công Hoan (2 tập), Nam Cao (2 tập), Vũ Trọng Phụng (2 tập), Nguyễn Đình Thi (2 tập), Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh (2 tập), Nguyễn Khải (2 tập) Nguyễn Quang Sáng (2 tập), Nguyễn Minh Châu (2 tập), Lý Văn Sâm (1 tập), Phan Tứ (1 tập), Lê Anh Xuân (1 tập)… Mỗi nhà văn có một thế giới riêng, với những nét độc đáo riêng.
Đồng thời, trong bộ sưu tập còn có nhiều nghệ sĩ quen thuộc như: Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương, Đoàn Chuẩn, Phan Huỳnh Điểu, Ba Vân, Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Kim Cương, Diệp Lang, Thanh Tòng, Lệ Thủy, Bạch Tuyết… cùng nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội và các tướng lĩnh. Sau này những vụ án kinh tế và hình sự đã chiếm nhiều thời gian của ông và trong bộ sưu tập tôi tìm thấy nhiều hồ sơ vụ án: nước hoa Thanh Hương, Tamexco, Epco - Minh Phụng, PMU 18… và mấy năm nay khi đã lâm bệnh nan y nhưng ông vẫn cùng vợ là nhà giáo Phan Thu Hương không ngừng sưu tầm, cắt dán báo chí để làm tư liệu.
Tồn tại theo cách riêng của mình
Trong một hồ sơ ngăn nắp của Trần Thanh Phương, tôi từng đọc được bút tích lá thư đề ngày 22/4/1988 của nhà thơ Chế Lan Viên gửi cho ông, có đoạn viết: “Các tài liệu không cần với người này thì lại rất cần cho một nhà sử, nhà báo, nhà nghiên cứu, chứ đâu phải chuyện tò mò. Lẽ ra Chính phủ phải bỏ tiền lập một cái phòng, hay trả lương cho một số người làm công việc âm thầm, mà lại tốn tiền như anh (nội mua bìa đã chết rồi, nói chi mỗi kỳ báo đều lại có số). Anh tự làm, mọi người phải hùn vô, tôi sẽ nộp cho anh bút tích của Tô Hoài, Chu Văn, Nguyễn Minh Châu, Phan Huỳnh Điểu…”.
Ngoài nhà thơ Chế Lan Viên, nhà sưu tập Trần Thanh Phương còn nhận được sự ủng hộ của nhà báo, nhà văn khác. Nhà báo Thép Mới, lúc hai người còn làm chung Báo Nhân Dân, mỗi lần đi chiến trường miền Nam ra bao giờ Thép Mới cũng tìm đến động viên Trần Thanh Phương. Các nhà văn, nhà thơ Huy Cận, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Lý Văn Sâm, Lê Văn Thảo… cũng luôn hỏi thăm, khuyến khích ông và khi cần tư liệu để viết cũng đã nhờ đến “đại gia” người Bạc Liêu.
Hành trình sưu tầm của Trần Thanh Phương cũng có những nỗi éo le. Ông từng thổ lộ với tôi rằng: “Có nhà văn khi tôi gửi thơ tới xin ảnh và bút tích, họ từ chối, lại còn lên tiếng chê bai. Tôi không nản lòng. Về sau thấu hiểu công việc của tôi, họ đã nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp nhiều tư liệu về họ lẫn những bạn văn mà họ thân thiết”.
Từ nguồn tư liệu dồi dào, kết hợp với những chuyến đi thực tế, Trần Thanh Phương đã biên khảo, sáng tác cho xuất bản gần 30 tác phẩm gồm biên khảo và truyện ký, đáng chú ý như: Xứ sở phù sa, Cửu Long địa chí, Minh Hải địa chí, Những trang về An Giang, Đây, các nhà tù Mỹ ngụy, Sài Gòn tầng thấp - Sài Gòn tầng cao, Bán đảo Cà Mau, Ngòi bút và cây kéo, Chân dung và bút tích nhà văn… gần đây là Lời cuối với Nhà văn đã đi xa (2016), Rượu với văn chương (2017).
Không chỉ phục vụ cho công việc nghiên cứu viết lách của chính mình, mà kho tư liệu của Trần Thanh Phương đã thường xuyên giúp ích cho các nhà văn, nhà nghiên cứu, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và gia đình những nhân vật liên quan. Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã có một phòng trưng bày cho tư liệu của ông. Thú vị hơn, ông còn thành kỷ lục gia được ghi nhận bởi Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam, với 3 kỷ lục được xác lập: “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”, “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” và “Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam”.
Bây giờ thì nhà báo, nhà văn, kỷ lục gia tư liệu Trần Thanh Phương đã rời xa trần thế ở tuổi 80 vào trưa 7/2/2020 sau nhiều năm lâm bệnh nặng. Nhà thơ Nga Evtusenko từng viết: “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Thế giới này chẳng phải của riêng ai”. Không phải là cây bút sáng tạo tài hoa bằng trí tưởng tượng, số phận dành cho Trần Thanh Phương làm “đại gia” tư liệu để giúp ích cho đời và ông đã tồn tại cùng lịch sử theo cách riêng của mình. Cuộc đời ông cũng là bài học về sự đam mê và dấn thân vì cộng đồng!
PHAN HOÀNG