Vừa cho ra mắt tập thơ đầu tay Soi mình trong sắc tháng Giêng, trên facebook của chị, tác giả Nguyên Hậu chia sẻ: “Mình soi vào những yêu thương, quan tâm, chia sẻ của những người thật sự trân quý. Với họ, những yêu thương lòng mình sẽ không bao giờ cạn kiệt. Soi những dại khờ đã qua để chợt nhận ra rằng, dù đi qua tuổi nào, trong mình vẫn luôn tồn tại sự nông nổi vụng về theo năm tháng…”. Vậy là tôi lùng tìm tập thơ đọc ngay.
Bìa sách Soi mình trong sắc tháng Giêng của tác giả Nguyên Hậu. Ảnh: TƯỜNG VĂN |
Sách dày khoảng 90 trang, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên hỗ trợ 2/3 kinh phí và Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép. Tập thơ do Ngọc Xuân và Thế Hoàng trình bày trang trọng, bắt mắt, giới thiệu tròn trịa 60 bài được chị sáng tác hơn 15 năm qua. 60 thi phẩm trong tập sách như 60 lát cắt tản mạn về tình quê, tình yêu và tình đời.
Ai đó sẽ băn khoăn, một năm 12 tháng sao không soi mình vào tháng nào khác mà phải là tháng Giêng? Bởi tháng Giêng là tháng khởi đầu, tháng chính của năm. Đầu năm ta thường thành tâm cầu mong những điều tốt đẹp. Đất trời tháng Giêng hiền hòa, êm đềm nhân gian dễ giao cảm: Ta soi mình trong sắc tháng Giêng/ Để hanh hao cả một vùng ký ức/ Khuất lấp gương mặt người qua bao mùa nguyệt thực/ Lại thấy rõ mình hơn… (Soi mình trong sắc tháng Giêng). Có nhà tâm lý học từng nói, là người ai cũng có một người để thương, một quê hương để nhớ và một Tổ quốc để phụng thờ. Vậy nên cây bút Nguyên Hậu thời cư ngụ chốn phồn hoa đô hội phía Nam, lòng vẫn luôn hướng về miền quê Xuân Phước, Đồng Xuân. Nơi ấy có xóm làng với bao người thân yêu, nhất là thiên nhiên gắn bó thuở hoa niên: Đêm thị thành ta nghe mưa tháng Giêng/ Nơi con tim còn thao thức mãi/ Quê nhà ơi, ngày mai ta trở lại… (Nghe mưa tháng Giêng). Câu thơ bày tỏ sự khát khao quay về bản xứ: Lâu lắm rồi ta không về Phú Yên/ Nghe biển Tuy Hòa sóng mặn mòi bờ cát (Gửi biển); nhất là miền quê dân dã - nơi chôn nhau cắt rốn - chị càng da diết: Tháng Ba gọi những sắc màu/ Hoa cà hoa cải bên nhau tím vàng/ Bướm ong lạc nẻo lang thang/ Khát quê theo gió mênh mang tìm về (Nỗi nhớ tháng Ba)...
Tình yêu xưa nay trong thi ca biết bao gam màu. Trong tập Soi mình trong sắc tháng Giêng, người đọc bắt gặp nhiều bài thơ đầy tâm trạng nao lòng. Buồn thương hờn trách, đậm nhạt khác nhau. Lúc xa xôi khi gần gũi, lúc nông nổi khi lặng chìm… Nơi tập thơ Soi mình trong sắc tháng Giêng, không như các nữ văn thi sĩ Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng trước đây hơn nửa thế kỷ đã khao khát tình yêu kiểu trường phái “hiện sinh” của Jean Paul Sartre: Có ai về thăm chiều nay/ Cho tôi chết giữa vòng tay một người, Nguyên Hậu nói về tình yêu đầy trách nhiệm trước cuộc sống. Nếu có thất bại chị tự đứng lên bước tiếp: Em sẽ sống một cuộc đời thiếu phụ/ Kín áo choàng xuống phố mỗi ngày đông/ Rũ thị phi để ánh nhìn kiêu hãnh/ Rũ cơn mơ hoang tìm lại giấc nồng (Đừng để thu đi qua mới nói lời thương nhớ)...
Khép tập thơ riêng Soi mình trong sắc tháng Giêng, ta thấy cây bút nữ Nguyên Hậu có những cảm xúc thật bản lĩnh nhưng cũng rất nữ tính, nhất là tự soi mình trong quá khứ để bước tiếp về tương lai, mà nữ thi sĩ quốc dân Xuân Quỳnh từng bộc bạch: Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ/ Nhưng đâu phải là điều em luyến tiếc!
NGUYỄN TƯỜNG VĂN