Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, che thân từ cổ xuống đến quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ. Đặc biệt, áo dài thường được mặc trong các lễ hội, các nghi lễ trong hôn nhân hay trình diễn nghệ thuật. Các phụ kiện làm tăng thêm phần duyên dáng khi mặc áo dài là nón lá, khăn đóng, guốc mộc, giày cao gót, kiềng bạc… Tất cả sẽ tăng thêm nét quý phái cho phụ nữ.
Hình ảnh áo dài trên sân khấu ca nhạc. Ảnh: YÊN LAN |
Áo dài trong lịch sử
Ngược dòng lịch sử, không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao, mặc dù có nhiều nỗ lực nghiên cứu. Những hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây hàng ngàn năm cho thấy hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, khi mặc thì hai cổ áo giao nhau, áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy, thắt lưng buông thả. Người xưa đi chân đất, người quyền quý thì mang guốc gỗ, dép giày.
Ngoài chiếc áo giao lãnh còn có kiểu áo tứ thân, gồm bốn vạt nửa: vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải và vạt nửa sau trái. Kiểu áo do Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) định ra là áo năm thân cổ đứng cài khuy. Áo năm thân che kín thân hình không để hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nổi sống thành bốn vạt, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và vạt con nằm dưới vạt trước chính là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Vạt nhỏ nối với hai vạt lớn nhờ cổ áo có bầu đêm và khép kín nhờ năm chiếc khuy tượng trưng cho quan niệm về ngũ thường của Nho giáo trong triết học phương Đông. Đặc biệt trong thời kỳ này, để tỏ rõ quyết tâm độc lập với Đàng Ngoài, Nguyễn Phúc Khoát còn quy định y phục cho dân chúng, cụ thể là phụ nữ phải mặc áo dài và quần chứ không mặc váy như ở Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn giao cho triều thần nghiên cứu tham khảo chiếc áo dài của người Chăm (tiếng Chăm là Aw Kamei Cam) gần như áo dài hiện nay nhưng không xẻ nách. Áo dài cho phụ nữ Đàng Trong phải mặc với quần hai ống như thể để phân biệt với chiếc quần không đáy (tức là cái váy).
Áo dài - một biểu tượng của Việt Nam
Từ “Ao dai” (Áo dài) được đưa vào nguyên từ Việt nhưng không bỏ dấu vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của Việt Nam, với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.
Chiếc áo dài tân thời, tức chiếc áo dài hiện đại, đã được thiết kế để tôn vinh vẻ đẹp hình thể của phụ nữ; phần trên ôm sát thân hình và phần dưới hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng; hai tà áo được xẻ trên vòng eo vừa thướt tha vừa góp phần tôn nét đẹp nữ tính. Áo dài là trang phục kín đáo, toàn thân được bao bọc bởi vải lụa mềm, nhưng cũng không kém phần gợi cảm, bởi vì đặc trưng nổi bật của áo dài là nét thanh lịch, kín đáo, trang nhã, ôm sát cơ thể để tôn lên những đường cong tuyệt mỹ của phụ nữ, phần lưng áo chít lại được đẩy lên cao tạo cảm giác về đôi chân dài và làm “tăng thêm” chiều cao của người mặc. Áo dài mặc tôn lên dáng và tạo vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng cũng là một thách thức cho người mặc, phải biết cách chọn kiểu tóc và cách trang điểm, phụ kiện sao cho phù hợp, đẹp và quyến rũ.
Những năm gần đây, áo dài được thời trang hóa với nhiều sự cách tân, kết hợp nét văn hóa dân tộc với yếu tố thời trang hiện đại, tạo nên nét độc đáo trong các buổi trình diễn thời trang trong và ngoài nước, các cuộc thi nhan sắc, festival… Nhiều nhà thiết kế áo dài Việt Nam đã được quốc tế biết đến như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, La Hằng… Họ đã góp phần làm rạng danh trang phục áo dài - biểu tượng cho nét đẹp nữ tính trên quốc gia hình chữ S thân yêu.
Ở Việt Nam, áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Nó đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó hoặc xuất hiện trên truyền hình, áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của họ. Từ hàng trăm năm nay, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã được coi là “quốc hồn quốc túy” của dân tộc và được coi như một biểu tượng của Việt Nam. Áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.
Họa sĩ CHẤN HƯNG