Chuyến xe buýt hôm ấy thật nhộn nhịp. Các bà, các mẹ ở quê lên thăm con cháu mình đang trọ học ở chốn thị thành. Nhìn sơ qua đủ biết họ đều là dân nhà nông chân lấm tay bùn. Giọng nói rổn rảng hào sảng, nước da ngâm đen, đôi tay thô ráp chai sần, cùng với đầu tóc búi kiểu củ hành và chiếc áo bà ba đặc trưng. Thậm chí nhiều cụ còn quấn chiếc khăn rằn trên cổ, miệng nhai trầu bỏm bẻm như tô son. Nét mộc mạc, hồn hậu của họ không lẫn vào đâu được.
Trên xe buýt bắt đầu ồn ào thấy rõ. Phụ nữ thường dễ bắt chuyện dù không quen. Vì vậy sau vài câu xã giao, họ bắt đầu hỏi thăm nhau. Giới thiệu quê quán thường là câu mở đầu, sau đó thì hỏi chuyện công việc, mà cốt yếu nhất là chuyện trồng trọt, chăn nuôi. Chưa dừng lại ở đó, họ “bắc cầu” sang nhiều câu chuyện khác thú vị hơn. Từ giá cả nông sản, kỹ thuật chăn nuôi, chuyện ăn học của con cái cho đến tin tức thời sự trong và ngoài nước... Nhiều bà mẹ lớn giọng, nói rổn rảng, cười to tiếng đến nỗi tài xế và nhân viên soát vé phải đề nghị giữ trật tự.
Xe buýt trở thành “cái chợ” thu nhỏ. Nếu ai ngủ mê bất ngờ tỉnh giấc, chắc hẳn sẽ lớ ngớ như mình đang ngồi giữa chợ quê. Rất nhiều giỏ đồ mang những thứ quà quê như trái cây, gạo, thức ăn làm sẵn, bánh đặc sản, mía đường… nằm ngổn ngang. Đặc biệt là những giỏ đệm xếp đầy rau muống, mồng tơi tươi ngon. Những món quà quê đặc trưng không những được nhìn thấy bằng mắt mà có thể cảm nhận được qua mùi hương đang được gói kín trong nhiều lớp giấy. Khứu giác tôi cũng bị kích thích bởi mùi mít chín, bánh phồng, bánh tráng thơm phưng phức. Sau khi xã giao, nhiều bà mẹ gửi trái cây cho nhau để ăn lấy thảo, sẵn tiện giới thiệu đặc sản của miền quê mình. Họ hào sảng đến mức gửi cho mỗi người trên xe một ít, kể cả bác tài và nhân viên soát vé.
Đã rất lâu rồi tôi không có dịp về thăm quê. Nhớ nhà, nhớ quê là những cảm xúc luôn thường trực trong tôi. Nay được nhìn các mẹ, các bà chở quê lên phố, tôi như đang sống giữa không gian xanh mát của làng quê mình.
NGUYỄN HOÀNG DUY