Mỗi khi Tết đến xuân về, bạn bè văn nghệ thỉnh thoảng gặp nhau lại nhắc đến đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên như một nét đẹp văn hóa rất đáng tự hào của quê hương Núi Nhạn Sông Ðà mà không phải địa phương nào cũng tổ chức được.
Trong ký ức của nhiều người yêu văn học ở TP Tuy Hòa, chắc vẫn còn lưu lại hình ảnh về những buổi giới thiệu sách ở Thư viện Hải Phú do Hội Những người yêu sách chủ trì. Xin nói rõ thêm, gọi là hội cho vui thôi, chứ thực ra chỉ là một nhóm người yêu văn học sẵn sàng làm cái việc không công là giới thiệu sách mới cho bạn đọc của thư viện. Trong số các đầu sách được giới thiệu, có nhiều tập thơ của tác giả trong và ngoài nước, ưu tiên cho các tác giả Phú Yên. Nếu tôi nhớ không nhầm thì các sinh hoạt văn hoá này bắt đầu hình thành từ năm 1980. Chủ trì các buổi giới thiệu thơ văn những năm ấy là các ông: Phạm Văn Tu, Ái Dân, Trần Huiền Ân, Nguyễn Tường Văn, Dương Thái Nhơn… Ngoài ra còn có nhà thơ Thanh Quế và chị Phạm Thị Hồng là những người con của Phú Yên công tác ở xa cũng về tham dự.
Chính sự thành công bất ngờ của đêm thơ đầu tiên ấy nên năm sau, thư viện lại tiếp tục tổ chức, có bổ sung phần trình bày thơ của các tác giả địa phương. Vậy là “hữu xạ tự nhiên hương”, những năm sau, nhiều người yêu thơ đã đến dự với những bài thơ của chính mình, rồi các cụ, các bác ở CLB hưu trí và các em học sinh trường Lương Văn Chánh, trường Nguyễn Huệ cũng nhiệt tình tham gia. Ðêm thơ Nguyên tiêu năm 1982, các nhà thơ ở Nha Trang tổ chức cả một đoàn gồm các nhà thơ Giang Nam, Văn Công, Ðào Xuân Quý, Nguyên Hồ, Nguyễn Gia Nùng… ra góp mặt.
Một tiết mục nghệ thuật do các nghệ sĩ đến từ Chungbuk (Hàn Quốc) và Phú Yên biểu diễn tại hội thơ - Ảnh: LÊ MINH |
Sau ngày tái lập tỉnh, do số người tham dự đêm thơ ngày càng đông, phòng đọc của thư viện không đủ sức chứa, nên cần phải tìm một địa điểm mới. Nhiều phương án đã được đề xuất và thử nghiệm, kể cả việc đưa vào hội trường Nhà Văn hóa Diên Hồng, nhưng cuối cùng ban tổ chức đã quyết định đưa lên Tháp Nhạn dù phải đối mặt với những khó khăn về âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu, kể cả việc phải leo dốc, gió mạnh và không có bãi để xe… Nhưng bù lại, người tham dự được đắm mình trong một buổi sinh hoạt mang đậm chất thi ca vô cùng lãng mạn bên chân tòa Nhạn Tháp uy nghi, cổ kính, với vầng trăng Nguyên tiêu tỏa bóng xuống dòng sông Ba thơ mộng.
Bắt đầu từ năm đó, giống như những tri kỷ gặp nhau, Ðêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên gắn liền với tòa tháp cổ, dẫu có năm gió rét căm căm thổi bay cả ghế nhựa, át cả tiếng sáo, tiếng đàn, giọng ngâm, nhưng người xem vẫn đến rất đông. Nhiều bạn thơ ở tỉnh ngoài về dự đều ghi nhận, không ở đâu có địa điểm và khán giả lý tưởng như Ðêm thơ Nguyên tiêu ở Phú Yên. Bên cạnh việc tham gia tổ chức tốt đêm thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh còn đồng thời xuất bản tuyển tập “Thơ Nguyên tiêu” gồm các bài thơ chọn lọc của các tác giả tham dự đêm thơ.
Những năm đầu, người dẫn chương trình đêm thơ chủ yếu là các thành viên trong ban tổ chức. Tuy nhiên, khi đêm thơ được đưa lên Tháp Nhạn thì không thể làm theo kiểu “cây nhà lá vườn” như thế nữa. Ban tổ chức đã mời các anh chị Nguyễn Ðình Quảng, Phan Kim Việt, Trần Huiền Ân, Nguyễn Tường Văn, Nguyễn Thị Thu Trang và nhiều người khác thay nhau dẫn chương trình. Cho đến nay, người dẫn chương trình được yêu mến nhất vẫn là nhà báo Phương Trà ở Báo Phú Yên. Về các nhạc công và giọng ngâm có nhiều đóng góp cho đêm thơ, phải kể đến Nguyên Ðạt, Hoàng Hường, Ngọc Hà, Vân Phi, Thúy Ba, Nguyễn Ðình Quảng, Nguyễn Ðình Phú, Phan Kim Việt… và nhiều anh chị em khác trong Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Ðể quảng bá cho Ðêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên đến với bạn yêu thơ trong cả nước, không thể không nhắc đến bản tham luận “Luận án Thơ từ Núi Nhạn” của nhà văn Nguyễn Gia Nùng viết về Ðêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên và được ông trình bày tại Hội nghị Văn học miền Trung lần thứ II tổ chức tại Sầm Sơn, Thanh Hóa vào năm 2002, làm cho các đại biểu vô cùng thán phục. Và đó cũng là một tiền đề quan trọng góp phần làm nên “Ngày Thơ Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ năm 2003. Cũng trong Ðêm Thơ Nguyên tiêu năm ấy, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức ghi hình và dàn dựng 2 bộ phim tài liệu “Vầng trăng Thơ”, “Thơ Nguyên tiêu Phú Yên 2003” và phóng sự truyền hình “Trăng và Thơ Núi Nhạn” để phát sóng trên VTV1, VTV3 và PVTV. Nhờ những thước phim tài liệu và phóng sự này mà bạn xem truyền hình cả nước đã biết thêm về một nét đẹp văn hóa của Phú Yên. Ðến năm 2010, được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh, Ðêm Thơ Nguyên tiêu Phú Yên được nâng lên thành Hội Thơ Nguyên tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của bạn yêu thơ trong và ngoài tỉnh.
Ðể có một bề dày truyền thống gần nửa thế kỷ, Hội Thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã được nhiều người chung tay vun đắp với một tấm lòng hết sức vô tư và tinh thần trách nhiệm cao. Dẫu đã trải qua không ít sóng gió và cũng đã tự lột xác nhiều lần để đến hôm nay, Hội Thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã trở thành một nàng thơ xinh đẹp giữa chốn thị trường văn chương muôn màu muôn vẻ.
ÐÀO MINH HIỆP