Vùng đất Kinh Bắc, nơi khởi phát một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu ở châu thổ sông Hồng, nay đã nhộn nhịp thị thành song vẫn còn đó những mái đình, ngôi đền cổ kính. Và câu quan họ mượt mà, sóng sánh tình từ các liền anh, liền chị vẫn dùng dằng bước chân khách đường xa.
Các anh Hai, chị Hai quan họ bên cổng làng Diềm - Ảnh: NAM PHƯƠNG |
NGÔI ÐỀN THIÊNG Ở LÀNG QUAN HỌ CỔ
Với người Kinh Bắc, đền Vua Bà ở làng Diềm - một làng quan họ cổ nay thuộc phường Hòa Long, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) là ngôi đền thiêng, bởi nơi đây thờ thủy tổ dân ca quan họ.
Tương truyền rằng Vua Bà là con gái Hùng Vương đời thứ 6. Khi công chúa đến tuổi lập gia thất, nhà vua tổ chức kén phò mã nhưng người ném được 3 quả cầu, sau đó giành chiến thắng trong cuộc thi đấu vật lại không được công chúa thuận ý. Nàng bèn xin vua cha cho du ngoạn cùng 49 nữ tú và 49 nam thanh. Công chúa cùng đoàn tùy tùng vừa ra khỏi thành thì bị một cơn lốc cuốn về trời. Ba quả cầu theo dòng nước sông Cầu trôi xuôi và dừng lại ở Ấp Viêm Trang, tức làng Diềm - thôn Viêm Xá ngày nay. Nghĩ rằng ý trời đã định, con gái vua Hùng giáng xuống Ấp Viêm Trang.
Công chúa dạy người dân cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Làm công việc nào công chúa cũng sáng tác câu hát dạy cho dân chúng hát. Công chúa còn dạy cho dân chúng hát cầu đảo (cầu mưa). “Các cụ làng tôi truyền lại rằng ngày xưa, làng nào không đến cầu đảo thì mưa sẽ không đến làng ấy”, bà Nguyễn Thị Tranh, 73 tuổi, người thủ nhang (trông nhang đèn) đền Vua Bà kể với các văn nghệ sĩ Phú Yên khi chúng tôi viếng đền.
Công chúa dựng vợ gả chồng cho 49 người nam và 49 người nữ trong đoàn tùy tùng, lập thành 49 làng quan họ cổ; vùng đất thuộc Bắc Ninh ngày nay có 44 làng, vùng đất thuộc Bắc Giang ngày nay có 5 làng. “Vua Bà để lại hơn 200 làn điệu, hơn 400 bài hát. Ðầu xuân, làng chúng tôi cũng như trên tỉnh đều tổ chức thi hát quan họ. Ai thuộc 100 bài thì mới đi thi 50 bài, còn nếu thi 150 bài thì phải thuộc 300 bài”, bà Tranh cho biết.
Sau khi công chúa qua đời, người dân Ấp Viêm Trang tưởng nhớ công ơn nên lập đền thờ, tôn là Vua Bà - thủy tổ dân ca quan họ.
Vua Bà giáng Ấp Viêm Trang vào mùng 6 tháng 2. Ngày đó trở thành ngày hội đền Vua Bà. Trong 49 làng quan họ cổ, chỉ làng Diềm có đền thờ Vua Bà nên lễ hội ở đây được xem là lễ hội quan họ đích thực. “Ngày mùng 5, dân làng Diềm tổ chức mở cửa đền. Buổi chiều, các cụ ông tế, các cụ bà dâng hương. Tối mùng 5 và tối mùng 6, tất cả anh Hai chị Hai (thứ bậc của các liền anh liền chị - PV) ở các làng đến, trước hết là hát hầu Vua Bà, sau là hát giao lưu, đối đáp nam - nữ, hát thi lấy giải, hát canh”, bà Tranh kể. Ông cụ thân sinh bà Tranh cũng là nghệ nhân quan họ, dù nặng tai nhưng vẫn còn hát khi đã…100 tuổi!
“NGƯỜI Ở, ÐỪNG VỀ…”
Lần đầu tiên đến với làng quê Kinh Bắc, nơi khởi phát một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng và đã lan tỏa ra thế giới, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cảm xúc thật khó diễn tả bằng lời! Cùng các đồng nghiệp ở Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Khen, chúng tôi có trải nghiệm thú vị về một “bữa cơm quan họ”.
Trong kho tàng dân ca Việt Nam, quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về giai điệu, được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Một bài ca quan họ gồm lời chính theo dạng hát nói, ca dao…, có tính ẩn dụ cao và những tiếng đệm, tiếng đưa hơi. Muốn hát quan họ phải có “bọn”; “bọn nam” và “bọn nữ” khác làng hát đối đáp. Ðể được công nhận là nghệ nhân quan họ thì phải có giọng hát “vang, rền, nền, nảy”, mượt mà, rung, ngân, luyến, láy… điêu luyện. |
Trên chiếc chiếu hoa trải giữa phòng khách, những món ăn đặc trưng của vùng Kinh Bắc được bày biện một cách giản dị nhưng trông rất hấp dẫn, có cả đặc sản bánh khúc. Niềm nở chào đón khách, bà Khen, chủ nhà kiêm “bếp trưởng” nhanh chóng khuất vào bên trong. Rồi bà trở ra trong bộ áo tứ thân mớ ba, khăn mỏ quạ trùm đầu, tay nâng đĩa trầu têm cánh phượng. Bà Khen trước mắt chúng tôi đích thực là một chị Hai quan họ. Ngồi xuống chiếu hoa bên các chị Hai duyên dáng và các anh Hai mặc áo the đội khăn xếp, bà Khen cất giọng thanh tao: “Mời các anh các chị ăn bữa cơm quan họ của quê hương Bắc Ninh, đầu mâm đĩa muối cuối mâm đĩa dưa, và thưởng thức một canh quan họ đối đáp. Nhạc ở trong bụng, không có nhạc ở ngoài”.
Quan họ cổ rất giàu chất thơ, chủ yếu là hát đối đáp giữa đôi liền anh với đôi liền chị trong dịp lễ hội của vùng đất Kinh Bắc, không có nhạc đệm và cũng không có khán giả; người trình diễn cũng chính là người thưởng thức sự mượt mà trong giọng hát và cái tình của bạn hát. Ðó là hát hội, hát canh, khác với hát thờ, hát chúc mừng - khi nhóm liền anh hát đối đáp với nhóm liền chị. Ngày xưa, những cuộc hát quan họ theo lề lối có thể kéo dài đến mấy ngày đêm.
Trầu têm cánh phượng - Ảnh: NAM PHƯƠNG |
Canh quan họ có 3 chặng: hát giọng lề lối, giọng vặt và giọng giã bạn, mỗi giọng có rất nhiều bài hát. Hôm đó tại nhà nghệ nhân Khen, các anh Hai chị Hai quan họ mở màn bằng bài La rằng trong giọng lề lối thay vì hát Mời nước, Mời trầu. Sau đó họ hát giọng giọng vặt với những âm điệu, sắc thái phong phú, tiết tấu linh hoạt, và kết thúc bằng giọng giã bạn. Liền chị hát từ giã, gửi vào câu hát bao lưu luyến:
“Em về, em vẫn
Nay có mây… trông theo là
Trông nước bây giờ như nước chảy
Mà này cũng có trông bèo
Trông bèo là bèo trôi
Người ơi người ở em về”.
Liền anh tiếp lời:
“Người về tôi dặn
Ðâu hơn là hơn sóng đôi người kết
Mà này cũng có đâu bằng
Ðâu bằng người đợi chúng tôi
Người ơi người ở đừng về...”.
Những câu hát sóng sánh tình, song theo tục lệ của người quan họ thì các liền anh liền chị không được phép cưới nhau, một khi hai làng đã “kết chạ” (kết bạn). Nghĩa là trở thành anh em, giao duyên trong câu hát, quan tâm giúp đỡ nhau mỗi khi có việc hiếu, hỷ… chứ không thể hẹn hò, nên duyên chồng vợ. Phải chăng vì thế mà câu giã bạn càng thêm lưu luyến?
NAM PHƯƠNG