1.
Nhận được tin nhắn từ thằng em trai rằng Nguyên đá Hạnh để theo một cô gái con nhà giàu trên phố, Thuần vui như bắt được vàng ròng. Từ lâu rồi Thuần thầm thương trộm nhớ Hạnh với tình yêu đơn phương. Nhiều khi ngồi một mình, gã si tình tưởng tượng ra mình đang dìu Hạnh lên xe hoa, tân lang và tân nương trao cho nhau ánh nhìn âu yếm nghe lòng rung lên bồi hồi thần tiên. Có lúc đang làm việc Thuần cũng thả hồn viễn tưởng.
Y như rằng gã thầu xây trường học đọc được suy nghĩ của Thuần: “Này! Này! Cái ông kia! Xách hồ cho thợ làm nhanh lên!”. Thuần tiếc nuối “giấc mơ ban ngày”, bật dậy lao về phía đống hồ xi măng cao chù vù bên đường. Gã thầu bước ra ngoài, lầu bầu: “Dính bùa mê của ai trông ngơ ngơ, ngác ngác như đồ mất hồn! Làm ăn kiểu này còn lâu mới giao công trình cho người ta đúng hẹn”. Trông điệu bộ lật bật của Thuần trong lúc xúc hồ vào thùng, rồi nhìn vẻ mặt cau có của gã thầu, đám thợ cười rúc rích: “Đã à nghen! Chắc ông Thuần đang tự sướng đó tụi bay”, “Thằng cha này hâm hâm sao ấy! Tao thường bắt gặp hắn nằm cười một mình!”, “Có khi nó đang yêu đó mấy cha nội! Tình yêu khiến cho con người ta lẩm cẩm vậy đó!”… Thuần nghe loáng thoáng lời đối đáp của đám thợ hồ biết là nhằm vào mình. Ấy thế, hắn cứ phớt lờ. Hắn đang vui mà lị. Nguyên đang rộng cửa cho hắn tiến vào con đường tiếp cận Hạnh trong nay mai. Nghĩ đến đó, hắn quần quật xúc hồ, chạy tới, chạy lui như con thoi vẫn không biết mệt.
Nhớ năm mười tám tuổi, Thuần suýt ăn quả cấm đầu đời. Giờ nghĩ lại cái thời ngu ngơ, Thuần tiếc hùi hụi. Đó là một đêm khuya trăng tròn vành vạnh. Thuần tát nước gàu sòng gần bên thửa ruộng của Nghĩ. Hôm ấy Thuần về sớm hơn mọi ngày, thấy Nghĩ tát nước một mình thì ỡm ờ: “Sao hôm nay múc ánh trăng vàng một mình vậy em? Còn bác Tám đâu? Có cần anh chia nửa vầng trăng không?”.
Cô bé dừng tay, thiệt thà: “Ba em đau bụng nghỉ rồi. Anh phụ tát nước giùm em đi!”. Thú thật khi ấy Thuần không háo hức chi cho lắm nhưng lỡ lời, đành miễn cưỡng mắc gàu tát nước tay đôi. Qua ánh trăng, Thuần vẫn nhận ra niềm vui hiện lên trên nét mặt của Nghĩ. Mà dường như đấy không phải sự hoan hỉ vì có người giúp việc? Ánh mắt Nghĩ với cái nhìn khác lạ. Cô bé nhìn Thuần đắm đuối nửa như mời gọi, nửa như khiêu khích: “Anh Thuần săn chắc như cây gỗ lim, giỏi giang và tốt bụng nhất làng. Cô nào lọt vào mắt xanh của anh thì thật là diễm phúc”.
Chưa có ai khen Thuần những câu lạ lẫm như vậy. Thuần ngắc ngứ. May sao ánh trăng khỏa lấp vẻ ngượng ngùng, bối rối: “Tôi đâu có săn chi? Càng không tốt bụng! Nghĩ rõ là khéo nói”. Rồi bụng bảo dạ, có lẽ Nghĩ chê mình nhút nhát chăng? Tự dưng Thuần nhớ đến câu nói của ai đó: “Thất bại lớn nhất của người đàn ông là để cho người khác nhìn thấy bản thân anh ta trong bộ dạng của kẻ yếu đuối”, Thuần nhìn lại Nghĩ bằng cái nhìn bạo dạn của giống đực.
Thường gặp nhau trên đường đi tát nước, trong những đêm xem cải lương ở sân bãi, rồi dọn vệ sinh trên đường làng, Thuần chưa hề có ý nghĩ đen tối về Nghĩ. Không hiểu sao khuya nay Thuần phát hiện Nghĩ đẹp. Một gương mặt bầu bĩnh với đôi mắt lá răm thăm thẳm tình, chiếc áo hở ngực, đôi gò bồng đảo nhấp nhô theo điệu lên, xuống của chiếc gàu, cộng hưởng đôi bắp chân trắng ngần trói trong hai ống quần xắn cao tận gối. Ông trời có vẻ như đồng lõa với Thuần. Mây kéo ùn ùn. Tích tắc cơn mưa trút xuống ào ào! Đôi trai gái cuống quít thả gàu, nhào vô gầm sòng tát nước tránh mưa. Và họ chạm nhau. Thuần nghe mùi thơm rất lạ từ cơ thể của Nghĩ. Nó quyến rũ như hương ngọc lan pha trộn hoa nhài, hoa linh lan…
Nó thơm đến mức Thuần đê mê. Chao ôi! Ngọt ngào, say đắm sao mùi da thịt con gái! Đôi bàn tay Thuần bắt đầu táy máy. Nghĩ chống đỡ yếu ớt. Ngay khi ấy, Thuần chợt nhớ lời của một người bạn thân: “Khi thật sự yêu hãy đến với nhau! Đừng bồng bột trong phút chốc để rồi ân hận một đời!”, Thuần buông thõng hai tay, bước ra khỏi sòng tát nước, lẳng lặng lấy gàu lủi thủi bước ra bờ mương đi thẳng, bỏ mặc Nghĩ đứng thẫn thờ một mình. Rồi Nghĩ lấy chồng xa xứ.
Ngày trở về gặp Thuần, nàng tếu táo: “Chưa có ai ngốc như ông! Hồi đó tui còn con gái đúng nghĩa đen luôn. Tui thương ông, tui cho ông, vậy mà…”. Hết tếu táo, Nghĩ lại tỉ tê: “Nói thiệt ngày đó tui thương ông nhiều lắm! Đã thương thì móc hết ruột gan ra mà cho! Ông làm vậy càng khiến cho tui thương ông, kính trọng ông và nhớ ông nhiều hơn!”.
2.
Mưa. Hạnh nhìn qua màn mưa. Một tấm rèm bằng nước trắng tinh nghiêng nghiêng dài phủ xuống hàng phi lao trước nhà. Mưa ào ạt bủa giăng cả khu vườn. Có những hạt mưa nhảy nhót bên thềm. Mưa gieo vào lòng Hạnh nỗi đau như dao cứa con tim. Xúc cảm dâng lên choáng ngợp tâm hồn Hạnh như từng con sóng. Đã mấy ngày qua Hạnh khóc và khóc. Đôi mắt sưng vù. Hạnh gặp rồi yêu Nguyên cũng vào một chiều mưa nơi hiên vắng. Những lời nói có cánh của Nguyên có mưa làm chứng tích: “Anh sẽ mãi nhớ em! Khi nào trời không còn mưa thì anh mới thôi nghĩ về em!”.
Vậy mà Nguyên đạp đổ tất cả để chạy theo một người con gái cao sang, quyền quý. Một bàn tay bóp nhẹ trên vai Hạnh và giọng nói từ phía sau lưng: “Con gái đừng tự đày đọa bản thân mình nữa có được không? Con yêu thương, đau khổ vì một người không ra gì, có đáng không? Mạnh mẽ lên con! Hãy xem đây là một bài học về lòng tin, con ạ!”. Hạnh nhìn mẹ, nước mắt lại lăn trên đôi gò má chẳng màng son phấn: “Con khổ quá mẹ ơi!”. Bà Hân ôm con gái vào lòng: “Tội nghiệp cậu Thuần mấy ngày nay đến tìm con”. Hạnh gạt nước mắt: “Mẹ bảo người ta về đi! Con căm ghét đàn ông!”.
Sáng nay Thuần lại đến với bó hoa ngọc lan trên tay, nhìn bà Hân bằng ánh mắt van lơn: “Con nhờ bác gởi cho Hạnh và khuyên cô ấy đừng buồn nữa! Con muốn được làm một người bạn chân thành của Hạnh”. Người mẹ động lòng trắc ẩn: “Bác cảm ơn con! Con nhiệt tình quá! Hạnh chưa muốn gặp ai hết!”. Sáng mai. Sáng mốt. Sáng ngày kia… Thuần vẫn đến nhà Hạnh với bó hoa trên tay. Thuần dày công tìm hiểu mới biết được Hạnh yêu hoa ngọc lan và tiểu thuyết của Quỳnh Giao. Những “Song Ngoại”, “Mùa Thu Lá Bay”, “Bên Bờ Quạnh Hiu”…
Thuần đều có cả. Hắn đâu có dại tặng những cuốn tiểu thuyết để tạt xăng vào lửa. Người đang thất tình đọc loại sách này không nhảy lầu thì cũng nhảy sông. Hạnh chưa nguôi ngoai tình đầu dang dở. Tình đầu thần tượng, thiêng liêng, cao quý như nước nhất của rượu sâm hảo hạng, như hạt ngọc không tì vết lung linh. Khi con người ta hoài bão, hoài vọng, hạnh phúc về tình đầu bao nhiêu thì cũng tuyệt vọng bấy nhiêu khi thần tượng sụp đổ. Thuần biết vậy, cứ làm dã tràng xe cát. Biết đâu có một ngày biển lặng trời yên?
Thuần hùng hục xúc cát, vác xi măng, trộn hồ thì Nguyên đến. Hắn lái con SH màu mận chín láng cóng, đeo kính râm loại đắt tiền với bộ vó jean bạc màu sành điệu: “Ê! Thuần! Mày nghỉ tay nói chuyện với tao chút!”. Anh chàng phụ hồ ngơ ngác: “Trời! Mày đó hả Nguyên? Sang như Tây, tao nhìn không ra! Nghe nói mày sắp cưới vợ giàu con một, đúng là chuột sa hũ nếp?”. Nguyên cười hô hố: “Hũ nếp, hũ gạo gì ở đây mậy? Cái số tao nó sướng. Mày đừng có mà ghen ăn tức ở nghe!”.
Cái cách bỗ bã, khiếm nhã của Nguyên không làm Thuần tức giận. Nguyên không bắt tay với Thuần cũng chẳng hề gì nhưng khi Nguyên xìa cái thiệp mời đỏ choét ra, Thuần phủi vội bàn tay vào ống quần, cầm lấy, không giấu nổi sự hoan hỉ: “Tao chúc mừng mày!”. Nguyên nhìn nét mặt hớn hở của Thuần, hắn cảm động lắm. Hắn đâu biết Hắn bỏ Hạnh, cưới Ái làm vợ là tạo cơ hội tốt cho Thuần tiếp cận Hạnh. Người mà Thuần tơ tưởng.
3.
Hải (thầu xây dựng) giao trường học đúng quy cách, hợp đồng, nghiệm thu đạt chất lượng cao. Một bữa tiệc dành riêng cho thợ hồ diễn ra tại quán Gió Chiều. Mọi người đang rôm rả chén chú, chén anh, Thuần phát hiện Nguyên khệnh khạng bước về phía toilet, liền đứng dậy đi theo. Giọng nói lè nhè của một trung niên ngồi ở bàn nhậu cạnh lối đi khiến anh dừng lại: “Thằng Nguyên, con rể của Giám đốc Ân đó tụi bay! Lão Ân và nhóm lợi ích vừa bị khởi tố tội tham nhũng. Nhà cửa, đất đai, ô tô tiền tỉ bị tịch thu hết.
Thằng Nguyên giờ trắng tay nên quẫn chí sáng xỉn chiều say. Đúng là lên voi xuống chó!”. Thuần không muốn chạm mặt với Nguyên trong bộ dạng của kẻ thất chí. Chàng nghĩ lại mình ray rứt, tự hỏi có phải mình lợi dụng nước đục thả câu không? Rồi có một người khác trong Thuần phản biện, nếu Thuần không yêu, không đến với Hạnh rồi cũng có người khác yêu thương Hạnh thế thôi! Ai bảo có được một người yêu xinh đẹp, đoan trang như Hạnh mà Nguyên không biết trân trọng. Không hiểu giờ này Hạnh đã biết được tình cảnh bi đát của Nguyên chưa? Cô ấy sẽ vui hay buồn khi biết kẻ phản bội mình bị trả giá?
Có một cuộc đối thoại giữa con chuột và hũ nếp không hiểu sao lại rò rỉ ra ngoài. Hũ nếp: “Anh đâu có yêu thương gì tôi? Anh yêu cái gia tài của ba tôi. Tôi biết quá mà!”. Con chuột: “Cô nghĩ lại xem tôi gạ gẫm làm quen cô hay cô chủ động tán tỉnh, lôi kéo tôi?”. Hũ nếp: “Anh biết tôi là con gái rượu của giám đốc sở giàu có, quyền uy nên tôi chỉ đánh tiếng là anh theo như bò tót thấy vải đỏ”. Con chuột: “Cô gạ tình, khoe của để nhử tôi dính bẫy. Tôi ghê tởm cô!”. Hũ nếp: “Kẻ đáng ghê tởm chính là anh! Anh tham phú phụ bần. Hạnh một lòng một dạ yêu anh, chung thủy với anh vậy mà anh nỡ lòng nào ham giàu, bỏ rơi cô ấy?”.
Con chuột: “Cô vì mê trai mà ăn cơm trước kẻng, bất chấp sự phản đối của gia đình. Giờ sao không chảnh vì giàu có, quyền thế nữa đi?”. Hũ nếp: “Loại đàn ông con trai bất nhơn, mạt hạng như anh, không hiểu sao tôi lấy làm chồng cơ chứ?”. Dứt cuộc đấu khẩu là tiếng đổ vỡ của ly tách, bình chén. Hũ nếp ngồi ôm đầu rên rỉ, ủ rũ. Còn con chuột chán chường, lê bước đến quán nhậu buông thả. Thời gian sau, Thuần không còn thông tin gì về họ nữa.
4.
Một hôm Thuần đến tặng hoa. Hạnh xuất hiện, tươi cười: “Anh không có chuyện gì để làm hay sao mà sáng nào cũng tặng hoa cho em?”. Thuần lòng vui như mở hội: “Có chứ! Có chứ em! Anh từ người phụ hồ giờ đã trở thành thợ hồ chính hiệu rồi em!”. Hạnh thấy Thuần thật tội nghiệp. Hiếm có ai kiên trì như Thuần. Có lẽ Thuần thương Hạnh thật lòng. Bà Hân nghe con gái hỏi Thuần một câu hơi lạnh nhạt, thấy ái ngại: “Thuần tặng hoa cho con sớm để còn đi làm. Con không cảm động thì thôi, còn dửng dưng, tội nghiệp nó!”. Anh chàng như được gãi trúng chỗ ngứa, cười hiền: “Dạ! Đúng rồi bác! Con tranh thủ tặng hoa cho em Hạnh, sau đó đi làm luôn.
Dạo này người ta thi đua xây nhà nên thợ hồ tụi con bận bịu lắm! Em Hạnh chịu gặp con là con vui lắm rồi, bác đừng trách cứ!”. Hạnh như cây lúa sau cơn bão đi qua, được chăm bón, đã tươi xanh trở lại. Qua lần vấp ngã, dường như Hạnh bản lĩnh hơn: “Em hỏi thật anh Thuần nha! Liệu anh có tặng hoa cho em cả đời này được không? Anh hãy dành thời gian để trau dồi nghề nghiệp. Em chúc mừng anh trở thành thợ chính! Anh cừ lắm!”. Bà Hân thấy đôi trẻ cởi mở với nhau thì lặng lẽ rút lui.
Thuần và Hạnh đứng gần nhau hơn với cái nhìn ấm áp. Thuần cảm xúc dâng trào. Một buổi sáng thật đáng nhớ đối với Thuần. Trên đường tới công trình mới, Thuần nuối tiếc cho Nguyên có một người yêu xinh đẹp, nết na như Hạnh lại buông bỏ để chạy theo ảo vọng. Những lần đến chơi, được tiếp cận với gia đình Hạnh, Thuần cảm nhận được đây là một gia đình tuy nghèo khó nhưng mọi người sống hết lòng trân trọng, yêu thương nhau. Riêng Hạnh tỏa ra cái đẹp thuần khiết, thanh cao.
Gia cảnh của Thuần cũng gần giống như Hạnh. Cũng chỉ có mẹ già. Nhà ở xa công trình đang xây dựng nên trưa nào Thuần cũng ở lại với những người chung cảnh ngộ. Hôm nay là ngày đầu tiên kể từ khi Thuần “dấn thân” trên con đường chinh phục Hạnh, anh cảm thấy niềm tin phơi phới. Thuần đang nghĩ về Hạnh, chợt có tin nhắn: “Em là Hạnh đây! Chúc anh nghỉ trưa yên lành! Sáng mai anh đừng tặng hoa cho Hạnh. Em đã hiểu được lòng anh rồi!”.
Thuần bật dậy như chiếc lò xo. Suýt nữa anh nhảy cẫng lên reo hò nếu không có đồng nghiệp bên cạnh. Từ lâu Thuần rất muốn xin số điện thoại của Hạnh để tỏ tình. Không ngờ Hạnh lại có số điện thoại của Thuần, lại còn chủ động nhắn tin cho Thuần với ẩn ý “mở lòng”. Hạnh khuyên Thuần như vậy nhưng sáng mai, sáng mốt, sáng ngày kia… Thuần sẽ vẫn tặng hoa ngọc lan cho Hạnh. Thuần không muốn một lần nữa Hạnh mất đi lòng tin về một con người.