Khi bàn chuyện quá khứ và tương lai của TP Tuy Hòa, cộng đồng luôn ưu ái dành cho đô thị này nhiều tình cảm trân trọng; tất cả sự quan tâm đều thể hiện lòng yêu thương và những kỳ vọng tốt đẹp đem lại niềm tin, tự hào về vùng đất thân thương này. Nhưng cũng từ tình yêu ấy, đôi lúc lại trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở về một tầm nhìn tương lai cho thành phố.
Không gian hoài niệm
Nếu ví mỗi viên gạch, hòn đá như là những nốt nhạc, thì linh hồn của phố thị chính là lời ca, bài ca. Đô thị Tuy Hòa có lúc thăng, lúc trầm ở mỗi cung đoạn khác nhau. Tuổi đời của đô thị dài vô hạn, là sự kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, vì vậy rất cần bàn tay của người nhạc trưởng tài hoa, có tầm và có tâm. |
Tuy Hòa là thành phố bên bờ cửa sông Đà Rằng, con sông lớn ở khu vực Nam Trung Bộ; phía đông là biển cả bao la, phía tây là cánh đồng lúa Tuy Hòa nổi tiếng cả nước, được coi là ba công viên lớn đem lại môi trường trong lành. Núi Chóp Chài và núi Nhạn là biểu trưng, là công viên tâm linh, niềm tự hào của người Tuy Hòa.
Đô thị Tuy Hòa trước năm 1945 là xã Châu Thành có nền văn hóa Sa Huỳnh với nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản là chính; xã Châu Thành có nhiều ấp, tên rất đẹp như: Ấp Bình Nhạn, Bình An, Bình Hòa… theo thời gian các tên trên thay là phường. Danh xưng Tuy Hòa có từ rất sớm, gắn liền với cánh đồng lúa Tuy Hòa, nhất là từ khi có đập Đồng Cam, nay có thêm TP Tuy Hòa.
Trước kia, đô thị Tuy Hòa phát triển theo hướng đông - tây, đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ đều hướng về biển; ngoài chức năng về giao thông, đường phố còn là hành lang đưa nắng và gió vào lòng phố thị. Buổi tối đi dạo phố, xem phim ở rạp Hưng Đạo, trăng theo ta cả chặng đường, thời đó ít có điện nên trăng rất quý. Đi trên phố, nhà ở hai bên đều rộng từ 5-6m, không có nhà hẹp 3-4m, độ cao nền, cốt của ô văng tầng trệt đều nhau, một nét đẹp chỉn chu, tạo nên linh hồn của phố thị Tuy Hòa.
Tôi còn nhớ, khi chưa tách tỉnh, có một căn nhà xây dựng ô văng tầng trệt không đúng, chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, để tôn trọng kỷ cương đô thị. Người dân ở đô thị này, họ hiểu về quy hoạch, về quy tắc đô thị; họ bàn tán mỗi khi có công trình làm sai; có được diện mạo đô thị như hôm nay là bao công sức của các thế hệ đi trước, cần quý trọng, không nên tùy hứng, vô cớ thay đổi.
Hệ thống giao thông đô thị được quy hoạch theo dạng ô bàn cờ, đa phần là ngã 4; xưa có ngã 5 Trần Hưng Đạo, nay thêm ngã 5 Nguyễn Huệ. Quảng trường giao thông ngã 5 Trần Hưng Đạo góc tây - nam vẫn như xưa, 30 năm rồi chưa được cải tạo. Mỗi năm lũ lụt về, chợ được dời lên ngã 5, họp thâu đêm. Đặc biệt trong lòng đô thị Tuy Hòa có những thửa ruộng trồng lúa, trồng hoa, trồng rau màu. Theo quy hoạch khu vực dọc kênh Rạch Bàu được xây dựng Công viên Thanh thiếu niên; hy vọng sẽ là công viên đẹp, là hồ điều hòa sinh thái, là vườn bách thảo, là “lá phổi xanh” của đô thị.
Kỳ ước và tín hiệu mang tính thời đại
Một không gian đô thị tốt đem lại sức sống khỏe mạnh cho cộng đồng, một căn nhà đẹp đem lại cách sống mới cho mỗi gia đình. Vóc dáng đô thị Tuy Hòa hôm nay khác xưa, phát triển theo trục bắc - nam. Đô thị có 3 cây cầu đường bộ và cầu đường sắt nối đôi bờ, một không gian mở, thành phố của biển và sông.
Hai năm nay thành phố tập trung nguồn lực xây dựng công viên biển, có chiều dài hơn 7km; bờ biển hôm nay nhiều người khen rất đẹp, thoáng đãng, là không gian của cộng đồng, một màu xanh tươi mới, tha hồ thỏa sức mà dạo chơi, tắm biển. Trong đời sống xã hội đã và đang xuất hiện nhiều kiểu dáng kiến trúc mang phong cách thiết kế hiện đại, chất liệu và kỹ thuật tiên tiến, công năng phức hợp, từ một số dự án mới, cao cấp hoặc cao tầng, tạo điểm nhấn cho Tuy Hòa. Kiến trúc xanh, kiến trúc truyền thống cũng đã xuất hiện ở một số công trình, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Tuy nhiên vẫn có một vài công trình chưa phù hợp với khí hậu, vì dùng quá nhiều kính, hình khối, đường nét na ná đã được xây dựng ở đâu đó.
Đô thị Tuy Hòa có thể phân thành các giai đoạn: Từ năm 1945-1975 là giai đoạn sinh thành và lớn lên đến tuổi 30, là nền móng hình thành bản sắc đô thị hôm nay. Từ năm 1975-1989 là giai đoạn đô thị phát triển chậm, có thời gian ngắn đô thị Tuy Hòa bị lãng quên, nhập vào huyện Tuy Hòa. Từ năm 1989 đến nay, đô thị phát triển nhanh, là tỉnh lỵ Phú Yên, là thành phố đô thị loại II.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG