“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là một trong những phong trào của quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng trên phạm vi cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng và đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần đắc lực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó huyện miền núi Đồng Xuân là địa phương tiêu biểu trong thực hiện phong trào này.
Là huyện miền núi Đồng Xuân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhưng phong trào TDĐKXDĐSVH được huyện Đồng Xuân triển khai tích cực, có hiệu quả.
Kết quả đáng khích lệ
Trước đây, ở thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2), công tác tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa gặp không ít khó khăn. Thôn này có 102 hộ dân đều là người dân tộc Chăm sinh sống. “Với sự tận tâm của cán bộ các cấp, hầu hết người dân trong thôn đều biết đến các chỉ tiêu đạt gia đình văn hóa cũng như kiến thức cơ bản để xây dựng thôn văn hóa, đoàn kết khu dân cư”, Trưởng thôn La Mo Quạnh cho biết.
Còn chị La Mo Thị Lượm chia sẻ: “Trước đây, khi có người mất, đồng bào thường đập heo, đập trâu để cúng hoặc đám cưới, đám tiệc thì có tục giết thịt từ 5-10 con bò hoặc heo, tổ chức rất linh đình. Hiện nay, thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, các hủ tục dần được xóa bỏ; đám cưới, tân gia được người dân tổ chức văn minh, không còn đập bò, đập trâu như ngày xưa. Đặc biệt, việc nuôi heo thả rông đã được thay đổi. Nhà nào nuôi heo, nuôi bò đều phải có chuồng, có hố để tiêu hủy phân. Chuồng trại gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống cho bà con”.
Xây dựng Gia đình văn hóa được xác định là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào TDĐKXDĐSVH, luôn được các cấp từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, hầu hết các thôn, khu phố trên địa bàn huyện đã tổ chức cho nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đưa gương người tốt, việc tốt vào tiêu chí bình xét khen thưởng cho mỗi gia đình, tổ chức việc bình xét công khai, dân chủ, đúng quy trình, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Từ hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng thôn, khu phố văn hóa, môi trường văn hóa ngày càng được nâng cao. Nhiều thôn buôn, cơ sở không phát sinh tệ nạn xã hội, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, giảm nghèo, việc cưới, việc tang và lễ hội... tạo dư luận tốt, thu hút các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia. “Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tập trung xây dựng ý thức chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, lao động sáng tạo, hợp tác thân thiện, giúp đỡ nhau làm việc với năng suất cao, kích thích tinh thần thi đua học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Các trường học thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, qua đó giúp các em được trang bị các kỹ năng sống, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh”, ông Phạm Minh Hạnh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Đồng Xuân cho biết.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Năm 2018, huyện Đồng Xuân đã xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa cho 14.918/16.972 hộ, đạt gần 88%; 51/53 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa, đạt hơn 96%; 79/79 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đến nay, toàn huyện có 8/10 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 80%; 1 thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị, đạt 100%. Hàng năm, 100% thôn, khu phố tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, để phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển có chiều sâu, đồng bộ và thực sự trở thành phong trào rộng lớn, huyện Đồng Xuân tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện phong trào này. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, làng, cụm dân cư và đơn vị, cơ quan, trường học văn hóa, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo… góp phần xây dựng nếp sống văn hóa tại cộng đồng; tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
“Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Đồng Xuân sẽ tập trung chỉ đạo, đề xuất và triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động, đưa phong trào TDĐKXDĐSVH từng bước đi vào chiều sâu. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép có hiệu quả các phong trào ở cơ sở vào phong trào TDĐKXDĐSVH; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai phong trào nhằm nhân rộng, biểu dương những mô hình tốt, những cách làm hay”, ông Phạm Trung Chánh cho biết.
Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đánh giá: Là 1 trong 3 huyện miền núi của tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn song phong trào TDĐKXDĐSVH ở Đồng Xuân ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Để phong trào này phát triển bền vững hơn nữa, huyện cần kiện toàn ban chỉ đạo phong trào ở các xã; nâng cao vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện phong trào; đổi mới nội dung và phương thức trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia, làm cho mọi người hiểu rõ về ý nghĩa, nội dung và tác dụng thiết thực của phong trào, từ đó tự nguyện, tự giác thực hiện...”.
Huyện Đồng Xuân cần tiếp tục chú trọng nội dung xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao chất lượng danh hiệu này theo tinh thần Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ. Gia đình là nền tảng, tế bào của xã hội, vì vậy cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống trong mỗi gia đình...
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh |
THIÊN LÝ