Thứ Hai, 07/10/2024 13:22 CH
Bảo tồn nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Năm, 08/08/2019 13:00 CH

Trình diễn cồng chiêng trong Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh tại huyện Sông Hinh - Ảnh: THIÊN LÝ

Phú Yên là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống, hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc. Bên cạnh các lễ hội, phong tục tập quán như: lễ cúng trưởng thành, lễ cúng bến nước, lễ gọi hồn lúa, lễ cúng đổ đầu, lễ bỏ mả... thì các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Phú Yên còn có nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo, như: cồng, chiêng, trống, goong (ting ning), đing năm, bro...

 

Với những nét độc đáo và giá trị trong đời sống của người đồng bào DTTS, nhạc cụ âm nhạc tạo nên sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa giữa núi rừng đại ngàn.

 

Kho tàng nhạc cụ phong phú

 

Cồng ba, chiêng năm và trống đôi là bộ nhạc cụ quen thuộc trong các lễ hội của người đồng bào DTTS. Trong đó, cồng ba gồm có 3 chiếc. Tên gọi mỗi chiếc theo thứ tự từ nhỏ đến lớn là: Mâm (chiếc nhỏ nhất), Môn (chiếc lớn trung bình), Anưa (chiếc lớn nhất). Chiêng năm gồm có 5 chiếc. Tên các chiếc được gọi như sau: Prens, Prons, Prươp, Priến, Pruồn. Còn trống đôi theo tiếng Chăm Phú Yên là Akua Ktua. Hai mặt của trống đều bịt bằng da bò khô, mặt bên phải gọi là “tuy”, mặt bên trái gọi là “xa”.

 

Đồng bào DTTS quan niệm rằng, khi tiếng cồng gõ lên âm thanh bay cao lên trời, len lỏi trong rừng sâu, vách núi cao để yàng (trời) và các đấng thần linh thấu hiểu, cùng chia sẻ những điều không may mắn với làng buôn. Họ cầu mong “bề trên” độ trì cho họ có một đôi chân mạnh mẽ, có một đôi vai vững chắc để vượt qua những mất mát, thương đau. Vì vậy trong tang lễ, cồng ba là nhạc cụ không thể thiếu.

 

Công tác bảo tồn, phát huy, lưu giữ giá trị di sản văn hóa truyền thống của các DTTS ở địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả. Chưa có nhiều chính sách khuyến khích đồng bào DTTS lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình.

“Nếu như cồng ba được đánh lên khi buôn làng có người chết, phục vụ trong tang lễ và những chuyện không vui ở làng buôn, thì chiêng năm được sử dụng trong những lễ cúng quan trọng như: mừng tuổi con trưởng thành, cầu mưa, mừng gia đạo an lành, cúng bến nước, gọi hồn lúa về chòi khi đã thu hoạch xong... Còn trống đôi thường được diễn tấu ở tư thế đứng và di động như múa, nên thường gọi là múa trống đôi. Người biểu diễn đeo trống trước bụng và dùng tay kích vào mặt trống tạo ra âm thanh gây ấn tượng mạnh nhất, làm cho không khí các cuộc hội vui thêm rộn rã”, ông Ma Nhà, người dân tộc Chăm ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa nói.

 

Với âm thanh rộn ràng, đàn goong cũng là nhạc cụ không thể thiếu trong những ngày vui, dịp lễ hội của đồng bào DTTS. Tiếng đàn goong lúc rạo rực như tiếng chim ch’rao, khi da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như núi rừng đại ngàn dần tắt nắng, hiền dịu như tiếng suối chảy róc rách... Cũng bởi âm thanh đa dạng ấy mà đàn goong luôn được các chàng trai lựa chọn để “đấu” với nhau, chơi độc tấu hoặc cũng có thể dùng để đệm cho nhau hát và còn là phương tiện để bày tỏ tình cảm với các cô gái.

 

Anh Nie Y Linh ở buôn Ly (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh), chia sẻ: “Để chơi goong, người chơi phải kỳ công, vừa chống gốc đàn vào bụng, hai bàn tay vừa đỡ thân đàn, vừa dùng ngón để gảy. Âm thanh đàn goong được truyền từ dây qua thân đàn đến bầu cộng hưởng...”.

 

Nỗ lực giữ gìn và phát huy

 

Dưới bàn tay khéo léo, sự đam mê, cần mẫn của ông Ma Ngun, người dân tộc Chăm (xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa), những vật liệu tưởng chừng vô tri vô giác như: tre, nứa, sừng trâu, quả bầu khô... đã trở thành những nhạc cụ dân tộc độc đáo. Những loại nhạc cụ này không chỉ được ông biểu diễn trong những lễ hội của buôn làng mà còn được biểu diễn ở các chương trình nghệ thuật lớn trong tỉnh.

 

Ma Ngun thổ lộ: “Bây giờ chỉ còn vài ba người biết cách làm và sử dụng thành thạo những loại nhạc cụ của ông bà tổ tiên sáng tạo ra và để lại. Vì vậy, khi thanh niên, trai tráng trong buôn, làng có ý định học các loại nhạc cụ, tôi vui lắm và sẵn lòng chỉ dạy”.

 

Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Thế hệ trẻ người DTTS ngày nay nhiều em không muốn học cách chế tác nhạc cụ của ông bà tổ xưa, một phần nhiều nghệ nhân già yếu và mất dần, không có người truyền dạy.

 

Nghệ nhân đánh cồng chiêng, đánh đàn... cũng không còn nhiều và rất hiếm bạn trẻ là người DTTS biết hát khan, hát ei rei… bằng tiếng dân tộc mình để lưu giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS cho đời sau. Hơn nữa, công tác bảo tồn, phát huy, lưu giữ giá trị di sản văn hóa truyền thống của các DTTS ở địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả. Chưa có nhiều chính sách khuyến khích đồng bào DTTS lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình.

 

“Những năm gần đây, chúng tôi đã cố gắng khơi dậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS, qua các phong trào sinh hoạt, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, văn nghệ dân gian, múa hát dân ca, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc; thành lập các CLB đàn hát dân ca... Các hoạt động mang tính cộng đồng cao, có tác động vào công cuộc xây dựng bản làng văn hóa, thực hiện nếp sống mới trên các huyện miền núi...”, ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh chia sẻ.

 

Còn theo Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thái, thời gian qua, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, cung cấp thiết bị âm thanh, hoàn thiện các thiết chế văn hóa... nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS; xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của tỉnh. Qua đó tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS.

 

THIÊN LÝ - LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek