Thứ Hai, 07/10/2024 15:21 CH
Đất nước qua những vần thơ mùa thu yêu thương
Thứ Sáu, 02/08/2019 13:00 CH

Tháng tám nhớ về mùa thu Cách mạng Tháng Tám, “mùa thu lớn” của dân tộc; nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong ảnh: Du khách thập phương viếng thăm nhà Bác Hồ ở Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - Ảnh: PV

Mùa thu lại về, gợi trong hồn người biết bao cảm xúc. Cảm xúc về nắng thu, gió thu, lá thu, trăng thu. Mùa thu, mùa của hương cốm, mùa của những chiếc lá vàng... Tất cả đã tạo nên xao động, tạo nên tinh tế của các nhà thơ.

 

Thu xưa, nhà thơ Nguyễn Khuyến cảm nhận thu xa vắng mà không cô quạnh: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Và thu trong thơ hiện đại: Chắc gì mắt em như lá liễu/ Đã cắt lòng anh một nét dao (Liễu của Tế Hanh).

 

Chạm đến mùa thu là chạm đến mùa thơ. Người đầu tiên đặt bút vẽ về nàng thu có lẽ là Xuân Diệu, mùa thu của Xuân Diệu cũng có cái màu vàng như trong thơ ca cổ điển: Đây mùa thu tới, mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng. Và cái mới của Xuân Diệu chính là tạo cái dáng vẻ mùa thu trên đôi mắt buồn thiếu nữ: Mây vẩn từng không chim bay đi/ Khí trời u uất hận chia ly/ Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/ Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

 

Khoảnh khắc giao mùa trong bài thơ Sang thu của nữ sĩ Anh Thơ - một mùa thu nhẹ nhàng, nữ tính, trông qua như một cô thôn nữ mộc mạc mà sao lại đằm thắm khó quên: Gió may nổi bờ tre buồn xao xác/ Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây/ Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay. Còn trong thơ Thế Lữ, mùa thu lại đẹp đắm đuối: Ánh chiều thu/ Lướt mặt hồ thu/ Sương hồng làm nhẹ trên sóng biếc (Tiếng trúc tuyệt vời). Những ánh sáng, những màu sắc ấy đủ làm cho người ta thẩn thờ ngây ngất.

 

Thu là nguồn cảm hứng bất tận cho bao nhiêu thi sĩ. Trong vườn thơ ca Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại có rất nhiều bài thơ về mùa thu với những chủ đề, cảm xúc khác nhau. Đọc lại những bài thơ viết về mùa thu giúp ta thêm đồng cảm và nhận ra những cái đẹp khác nhau của mùa thu đã qua, cho ta thêm yêu mùa thu quê hương đất nước đang đến.

Mùa thu cũng là mùa tan tác chia ly như tiếng thổn thức của nữ sĩ T.T.KH một thời gây sôi nổi dư luận: Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ/ Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu/ Gió về lạnh lẽo chân mây vắng/ Người ấy bên sông đứng ngóng đò (Hai sắc hoa ty gôn).

 

Trong bối cảnh buồn bã của Trịnh Công Sơn đã nói về mùa thu của ông đi qua khi Nhìn những mùa thu đi. Thu đi để lại cho chúng ta những chia ly những nuối tiếc sầu rơi những ý nghĩa riêng tư man mác trong tâm hồn: Nhìn những màu thu đi/ Em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song/ Nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”.

 

Nhà thơ Tản Đà có lần diễn tả mùa thu: Gió thu lạnh lẽo trời quang/ Sân thu đêm khuya rơi lá vàng/ Trăng tà chìm lặn nhạn kêu sương/ Gối chiếc chăn đơn thiếp nhớ chàng (Thu khuê hành). Những câu thơ của Tản Đà là sự hỗn hợp những tình cảm bồn chồn, hồi hộp xao xuyến của người thiếu phụ xa chồng chợt cảm thấy tâm hồn bừng dậy dập dồn nỗi nhớ giữa đêm thu.

 

Còn Lưu Trọng Lư thì trái lại, sóng bằng lạc quan, bằng mơ mộng nên chỉ phác qua nỗi nhớ như một nốt nhạc êm đềm xôn xao: Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức?/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ?/ Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô ? (Tiếng thu).

 

“Tiếng thu” trong thơ Lưu Trọng Lư thật không khác gì tiếng đàn thu não nùng của Verlaine trong bài hát thu về. Nó thật nhẹ nhàng từ âm điệu đến ý tưởng, nó cám dỗ ta bằng sự mơn man, rồi thấm dần vào cõi lòng ta, làm cho ta phải ngây ngất về cái hiu quạnh ở bên sự sống của loài người. Người cô phụ, con nai vàng, bất cứ là người hay vật, đã góp phần vào cuộc sống thì đều phải rạo rực, ngơ ngác về cái tiếng thổn thức của mùa thu dưới ánh trăng mờ.

 

Mùa thu Cách mạng Tháng Tám - “mùa thu lớn” của dân tộc, đã giải thoát cho nhà thơ khỏi những tù túng, tủi buồn của cuộc đời cũ. Tưởng đã mất đi những gì cao quý, tin yêu của cuộc đời. Cách mạng lại tái sinh, trả lại cho người nghệ sĩ lẽ sống và nhân phẩm cao đẹp, thổi vào thơ ca Việt Nam một luồng gió mới, tươi xanh: Tháng Tám mùa thu xanh thắm/ Mây nhởn nhơ bay hôm nay trời đẹp lắm/ Mây của ta, trời thắm của ta/ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Trong thơ Vĩnh Mai tràn đầy sự tươi mới, sinh sôi: Mùa thu dừng lại ở Long Biên/ Để một mình tôi lên Vĩnh Yên/ Nắng trút từ đỉnh đồi trút xuống/ Nắng trào từ mặt đất trào lên (Lên Vĩnh Yên).

 

Nguyễn Đình Thi với xúc cảm nao nức, xôn xao khi đất nước mùa thu lại về trong sắc màu tươi sáng: Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng nghe vui giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha (Đất nước). Và sau đó là mùa thu vui thắng lợi hòa bình, mùa thu… bắt đầu trái ngọt xã hội chủ nghĩa. Giờ đây là mùa thu Thu đổi Mùa thu đã là mùa vui, mùa cách mạng.

 

NGUYỄN VĂN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek