Thứ Hai, 07/10/2024 19:24 CH
Những người có duyên với giải thưởng
Thứ Bảy, 22/06/2019 16:00 CH

Thể hiện những đề tài quen thuộc với góc nhìn mới lạ, đầu tư tâm huyết vào từng con chữ, khuôn hình..., các tác giả đã mang đến cho độc giả, khán giả những bài viết, phóng sự, phim tài liệu ấn tượng, đoạt giải A Giải Báo chí tỉnh Phú Yên năm 2018.

 

Nhà báo Lê Biết (Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên), đồng tác giả phóng sự “Nghĩa trang trên đầu - Nghĩa trang dưới nước”:

 

Cảm nỗi đau của người dân để nói lên tiếng lòng của họ

 

Trong một lần tác nghiệp về đề tài di dời dân cư tại các khu tái định cư, vấn đề ô nhiễm môi trường từ nghĩa trang chợt đến với nhà báo Lê Biết. “Hôm đó, sau khi tác nghiệp, tôi được một người dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) mời ở lại nhà họ ăn cơm. Vì bận công việc nên tôi từ chối. Vừa quay đi, tôi nghe tiếng chủ nhà bật khóc tức tưởi: “Sống kiểu này thì sao sống nổi. Cái xứ gì mà khách đến nhà, mời bữa cơm không ai dám ăn”. Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, tôi hiểu rằng khi một người đã gần 70 tuổi phải bật khóc thành tiếng thì có lẽ sự chịu đựng của ông đã đến giới hạn”, Lê Biết kể lại.

 

Quay trở lại gặp cụ ông nói trên vào một ngày khác, chị Lê Biết đã được ông cùng những người dân quanh vùng kể cho nghe về những nỗi vất vả, bức xúc của họ khi sống gần nghĩa trang Thọ Vức. Nhà dân nằm quá gần nghĩa trang, lại ở vùng thấp. 9 năm, hơn 10.000 ngôi mộ ở nghĩa trang đã gây ra hiện tượng ô nhiễm vi sinh trong vùng. Thế là ý tưởng về “nghĩa trang trên đầu” được hình thành.

 

Vế thứ hai của phóng sự mô tả về tình trạng ngập nước ở nghĩa trang Phật Giáo, hệ quả của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát. Trong phóng sự, bằng những hình ảnh chân thực, chị Lê Biết cùng đồng nghiệp đã giúp khán giả hình dung được nỗi đau cũng như những giọt nước mắt bất lực của người dân khi chứng kiến cảnh mồ mả của người thân bị ngập chìm trong nước hàng mấy tháng trời mỗi năm.

 

Theo nhà báo Lê Biết, dù đề tài về ô nhiễm môi trường ở Hòa Kiến không mới nhưng phóng sự thể hiện góc nhìn mới, bắt đầu từ sự bức bách của người dân mà vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả vấn đề tâm linh nên ít người muốn nhắc đến. Chưa kể, nguyên nhân ô nhiễm từ nghĩa trang là chuyện nhạy cảm nên chị và đồng nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện tác phẩm. Sau khi có ý tưởng, chị cùng các đồng nghiệp mất gần một tháng để làm tiền kỳ với không dưới 10 lần đến các nghĩa trang.

 

Chưa kể, để có những hình ảnh “đắt”, chị và đồng nghiệp phải tác nghiệp luôn trưa giữa nghĩa trang; khi về nhà, người mệt nhoài nhưng vẫn tiếp tục làm việc để hoàn thành phần hậu kỳ. Nhiều đêm, chị và kỹ thuật viên phải thức đến 1-2 giờ sáng để dựng cho xong phóng sự. Ngoài ra, chị còn vào tận TP Hồ Chí Minh phỏng vấn chuyên gia môi trường về vấn đề này. “Phải đến tận nơi, phải cảm được nỗi đau của người dân mới nói lên được tiếng lòng của họ. Vì vậy, tôi và đồng nghiệp đã cố gắng hết sức để hoàn thành phóng sự này”, nhà báo Lê Biết nói.

 

Vào nghề năm 1998, hơn 20 năm làm việc, Lê Biết đã sở hữu nhiều giải thưởng từ địa phương đến trung ương. “Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy rằng nếu không chịu cực khổ, lăn lộn từ cơ sở thì khó có thể phát hiện những vấn đề phát sinh từ cuộc sống để có những đề tài báo chí hay. Nghề gì cũng vậy, nếu không yêu, không tâm huyết thì không dấn thân được. Và nếu không dấn thân thì không thể vượt qua giới hạn của bản thân, không thu được những giá trị đằng sau đó mà nghề đem lại. Đó là niềm vui, sự trưởng thành về nghề, là niềm tin của người dân, của những thông tín viên, sự tín nhiệm và tôn trọng của đồng nghiệp”, Lê Biết chia sẻ thêm.

 

Đại úy Tấn Nghĩa (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), tác giả phim tài liệu “Thắm mãi màu cờ”:

 

Chuẩn bị kỹ các khâu trước khi tác nghiệp 

 

Phim tài liệu “Thắm mãi màu cờ” của tác giả Tấn Nghĩa kể về cựu binh Nguyễn Văn Thắm ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa và quá trình ông cùng đồng đội làm ra lá cờ giải phóng cũng như hành trình cất giấu, gìn giữ lá cờ này từ những ngày bị địch giam cầm, tra tấn đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Cùng với đó là quá trình đấu tranh gian khổ của cha ông ta với kẻ thù xâm lược, cũng như việc tái thiết, dựng xây đất nước sau khi quê hương đã sạch bóng quân thù. Qua đó trao truyền khát vọng độc lập, tự do cho con cháu mai sau.

 

Theo tác giả Tấn Nghĩa, cách đây 2-3 năm, từ gợi ý của một đồng nghiệp, anh biết đến nhân vật Nguyễn Văn Thắm. Sau khi nói chuyện, phát hiện được những cái hay của nhân vật, anh bắt đầu làm một phóng sự ngắn về bác Thắm. Đến năm 2018, khi tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quân tổ chức tại TP Cần Thơ, anh bổ sung hình ảnh, thông tin, nâng tác phẩm này thành phim tài liệu.

 

“Quá trình thực hiện đề tài, tôi gặp nhiều thuận lợi, từ sự hỗ trợ của Bộ CHQS tỉnh, sự hợp tác của nhân vật cũng như người đại diện các nơi tôi ghi hình. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi chủ quan. Sau khi có ý tưởng, tôi xây dựng kịch bản chi tiết rồi liên hệ với nhân vật và các nơi liên quan. Trước khi đi quay, tôi chuẩn bị thật kỹ các đạo cụ, chú ý đến từng chi tiết nhỏ như nhờ nhân vật chuẩn bị 5-6 bộ quần áo cho nhiều cảnh quay; mua hương, hoa mang theo khi quay cảnh nhân vật viếng nghĩa trang...

 

Nhờ vậy, chỉ trong vòng vài ngày, tôi đã hoàn thành phim tài liệu này. Dù phải bỏ ra nhiều công sức hơn trước nhưng tôi thấy hài lòng vì phim đã chuyển tải được hết ý nghĩa của đề tài, sự sống động của nhân vật và những gì tác giả muốn gửi gắm”, Tấn Nghĩa cho biết.

 

Công tác tại Bộ CHQS tỉnh, Tấn Nghĩa đã có hơn 20 năm cầm máy (từ 1995 đến nay). Nhiệm vụ chính của anh là làm chương trình truyền hình Quốc phòng toàn dân. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, Tấn Nghĩa thường xuyên đi thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ cũng như phản ánh hoạt động của các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh. Quá trình này giúp anh phát hiện ra nhiều đề tài thú vị làm “của để dành”, để những khi cần thiết thì đem ra... dự thi.

 

“Là người làm báo không chuyên nhưng tôi khá có duyên với các giải thưởng, đặc biệt là tại các liên hoan toàn quân. Riêng với giải báo chí tỉnh, tôi chỉ mới tham gia 2 năm trở lại đây. Lần đầu, tôi được giải C với tác phẩm “Người xây bia liệt sĩ của thôn”, lần này được giải A với tác phẩm “Thắm mãi màu cờ”. Đây là niềm vui cũng như sự động viên, khích lệ để tôi tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới”, đại úy Tấn Nghĩa nói.

 

Nhà báo Phương Trà (báo Phú Yên), tác giả loạt bài “Giáo sư - Tiến sĩ y học - Bác sĩ Bùi Đức Phú: Người hai lần làm nên lịch sử”:

 

Vượt qua áp lực khi viết về một nhà khoa học tài năng 

 

 Giáo sư - Tiến sĩ y học - Bác sĩ Bùi Đức Phú, một người con Phú Yên, là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tim mạch và ghép tạng ở Việt Nam. Ông công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế trong một thời gian dài, sau đó là Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội). Nhà báo Phương Trà biết đôi nét về giáo sư qua một người quen. Chị kể: “Tôi tìm hiểu và liên lạc được với giáo sư.

 

Ông rất bận nhưng cực kỳ thân thiện. Tôi cùng chị bạn đồng nghiệp ra Hà Nội gặp ông sau khi ông đi công tác nước ngoài về, dự Hội nghị khoa học ghép tạng lần thứ IV và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh với hai kỷ lục: Ca ghép tim đầu tiên do người Việt Nam thực hiện và ca cấy tim nhân tạo bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam”.

 

Gặp GS-TS-BS Bùi Đức Phú trong một buổi sáng, nhà báo Phương Trà được nghe ông kể về quá trình học nội trú rồi tu nghiệp tại Pháp, những ca phẫu thuật tim cam go… đến việc thành lập trung tâm tim mạch và đặc biệt là ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não. Trở về Phú Yên, chị tìm đọc các tư liệu để hiểu hơn về nhân vật này, về lĩnh vực phẫu thuật tim mạch và ghép tạng. “Viết về GS Bùi Đức Phú rất áp lực. Mình ở xa tới gặp ông mà viết không tốt thì sẽ rất… quê. Chưa kể, ông là một bác sĩ, một nhà khoa học tài năng, bài viết cũng phải xứng tầm nên mình càng cố gắng”, nhà báo Phương Trà nói.

 

Sau khi “gỡ” file ghi âm, “thấm” các thông tin từ rất nhiều tư liệu và trao đổi với các giáo sư trong lĩnh vực này, Phương Trà hình thành “kịch bản”, dự tính viết bao nhiêu kỳ, thắt - mở chỗ nào để tạo hứng thú, cái kết của kỳ trước sẽ dừng tại đâu để tiếp tục lôi cuốn độc giả tìm đọc kỳ sau. “Khi đã tính toán những điểm nhấn như thế, bài của tôi sẽ khác với người khác về bố cục, chưa kể cách thể hiện cũng rất khác. Tôi đã dồn tâm huyết vào bài viết này. Bây giờ, nếu ai đó bảo tôi viết về GS Bùi Đức Phú, tôi sẽ không viết được như thế nữa”, nhà báo Phương Trà trải lòng.

 

Phương Trà làm báo từ cuối năm 1998. Ban đầu, chị viết những bài nho nhỏ về phụ nữ, đoàn thanh niên, y tế, rồi chuyên tâm vào mảng văn hóa văn nghệ. Gần đây, chị quay trở lại với mảng y tế và có nhiều bài viết tâm huyết về lĩnh vực này. Không chỉ làm báo, Phương Trà còn viết văn và là một người dẫn chương trình được nhiều người biết đến. Đa năng, đạt nhiều giải thưởng trong sự nghiệp cầm bút song chị suy nghĩ rất đơn giản: Làm những việc mình yêu thích, viết về những đề tài mình tâm đắc, đó là niềm vui. 

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek