Ngày hội trưng bày “Sắc màu văn hóa các dân tộc thiếu số tỉnh Phú Yên” vừa được Bảo tàng tỉnh tổ chức tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) huyện Sơn Hòa đã thu hút nhiều người đến xem.
Tại Nhà tập đa năng Trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) huyện Sơn Hòa, hơn 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật được tập hợp từ quá trình sưu tầm của các đơn vị cũng như hiến tặng của nhân dân trên địa bàn được giới thiệu đến với công chúng.
Các hiện vật trưng bày đã thể hiện sống động bức tranh văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số tại Phú Yên, biểu hiện qua các phong tục tập quán (trang phục truyền thống, lễ hội, ma chay…); sinh hoạt đời sống (dệt thổ cẩm, nghi lễ tín ngưỡng dân gian: Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê, lễ cúng mừng lúa mới…); các nhạc cụ dân tộc (cồng chiêng, trống đôi của người Ba Na, Chăm); công cụ lao động sản xuất, săn bắt…
Có mặt rất sớm tại buổi trưng bày, em La Hoàn Nhật Ý, dân tộc Ba Na, học sinh lớp 9A, Trường phổ thông DTNT huyện Sơn Hòa, vui mừng bày tỏ: “Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng, ví như trang phục truyền thống của người Ba Na luôn có những hoa văn tinh tế, đầy màu sắc tái hiện cuộc sống sinh động qua từng đường chỉ dệt, kết hợp với những dây chuông leng keng kết trên áo, làm cho bộ trang phục trở nên độc đáo hơn. Vì vậy, em rất tự hào khi được giới thiệu sản phẩm của dân tộc mình cho các bạn cùng chiêm ngưỡng”.
Còn em Sô Minh Quang, dân tộc Chăm, học sinh lớp 9B, Trường phổ thông DTNT huyện Sơn Hòa, nói: “Múa trống đôi là sự kết hợp tiết tấu đầy ngẫu hứng của các nghệ nhân, được thể hiện vào các dịp lễ hội lớn của bà con trong buôn làng, gắn kết mọi người lại với nhau. Nếu có dịp, em xin mời mọi người cùng trải nghiệm điệu múa này với buôn làng em”.
“Triển lãm được bố trí đẹp mắt, thu hút người xem. Với các em học sinh dân tộc thiểu số nói riêng, công chúng nói chung đây là một hoạt động hết sức bổ ích. Triển lãm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa của dân tộc mình và các dân tộc khác. Từ đó biết yêu quý, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để nó không bị mai một theo thời gian”, thầy Đoàn Ngọc Ân, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT huyện Sơn Hòa nhận xét.
Ông Lê Thế Vịnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Bằng những hiện vật và hình ảnh trưng bày sinh động này, các em học sinh có điều kiện trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời trên vùng đất Phú Yên. Qua đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời là một nhân tố tích cực, tiếp tục khơi dậy sức sống mãnh liệt của truyền thống văn hóa nhằm phục vụ công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập, phát triển”.
HỒNG LINH - MỸ AN