Thứ Hai, 29/04/2024 15:13 CH
Chuyện về một văn công trong kháng chiến
Thứ Hai, 30/04/2018 13:05 CH

Cha hy sinh khi ông còn trong bụng mẹ, lớn lên trong loạn lạc, 17 tuổi, ông Huỳnh Như Ngân, nguyên Phó Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên, được giác ngộ và tham gia cách mạng. Cùng các đồng chí đồng đội ở Đoàn Văn công Giải Phóng Phú Yên, ông cất tiếng hát trong lửa đạn, để những người cầm súng thêm bền chí vững lòng, để đồng bào ở vùng giải phóng hiểu hơn về cách mạng, thêm tin yêu cách mạng.

 

Cùng đồng đội hát trong lửa đạn

 

Ông Huỳnh Như Ngân và vợ - diễn viên Phương Nga lúc còn trẻ - Ảnh tư liệu

Huỳnh Như Ngân chào đời vào năm 1955, trong một xóm nghèo ở Hòa Mỹ (nay thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) sau khi cha ông, chính trị viên xã đội, bị địch bắt, tra tấn dã man và hy sinh 6 tháng trước đó. Năm 1962, anh trai ông gia nhập lực lượng vũ trang, cầm súng ở Tiểu đoàn 85. Rồi anh trai ông cũng ngã xuống vào năm 1966.

 

Trong ký ức của ông Huỳnh Như Ngân, thời gian vẫn chưa làm nhòa trận càn của lính Nam Triều Tiên sau khi đổ bộ xuống Hòn Hương. Khi đó, cả nhà ông cùng bà con trong làng phải chạy vào tận Hòn Ông, Hòn Chúa (nay thuộc xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) lánh nạn cả tháng trời. Ông cũng nhớ như in những lần tản cư khổ sở. Tháng 4/1972, được giác ngộ, cùng bà Mỹ Hạnh, bà Thắm, bà Liễu..., ông tham gia cách mạng. Ban đầu, nhóm thanh niên ở tại Hòn Ông. Ban ngày, họ náu dưới gộp đá, ban đêm thì cùng nhau trồng sắn. Gần một tháng sau, cán bộ trên tỉnh xuống. Ông Nguyễn Bá Kỷ, Phó Đoàn Văn công Giải Phóng Phú Yên tiếp cận nhóm thanh niên từ dưới làng lên. Thấy ông Ngân hát được, ông Kỷ đưa về đoàn. Thời điểm đó, Đoàn Văn công Giải Phóng Phú Yên (thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) có hơn 20 người; ông Vũ Trung Uyên làm Chính trị viên, ông Nguyễn Ngọc Thừa làm Trưởng đoàn. Những cái tên, những gương mặt thân thương mà giờ đây, sau gần nửa thế kỷ, kẻ còn người mất, song ông Huỳnh Như Ngân vẫn nhớ rất rõ: bác Chín Đạm, bác Mười Kèn, chú Lê Văn Ngang, anh Nguyễn Công Phường, chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy, anh Nguyễn Phụng Kỳ, anh Nông Bình An, chị Thu Thao, chị Mai Hương, chị Tuyết Mai, chị Kim Nhị; cùng lứa với ông có Phương Yến, Bích Liên, Trần Văn Huynh, Đàm Hữu Hân… Nhạc cụ của đoàn rất đơn sơ: cây đàn bầu, đàn nhị, guitar gỗ, cây kèn và trống chiến. Người đi trước tập cho người đi sau.

 

Giữa những trận càn, giữa những trận bom, pháo... của địch, từ Sơn Long, Sơn Định (huyện Sơn Hòa), đoàn văn công xuống vùng giải phóng biểu diễn. Để đến An Lĩnh, An Xuân (huyện Tuy An), họ phải đi ròng rã một ngày. Tới bìa rừng, tìm được nơi tương đối bằng phẳng, họ treo màn lên. Khi đêm buông xuống, họ thắp đèn măng xông và cất tiếng hát. Đoàn biểu diễn tân nhạc, dân ca, tuồng; diễn xong thì trở về ngay trong đêm.

 

Tham gia kháng chiến, những người yêu nước đương đầu với bao khó khăn gian khổ, đói cơm lạt muối triền miên. Thức ăn chủ yếu của đoàn văn công là sắn, bắp; hôm nào bắn được con chồn, con cheo và có được lon gạo nấu cơm ăn, văn công mừng lắm, gọi là liên hoan. Rồi bệnh tật hoành hành. Cũng như nhiều người đã thoát ly trước đó, ông Ngân mắc bệnh sốt rét ác tính. Những cơn sốt quật ngã ông, mê man. Cuối năm 1972, “lính mới” của đoàn văn công bước lên sân khấu, cùng anh chị em hát đồng ca, tốp ca và đóng vai phụ trong một số vở tuồng, như vai quân canh trong Ngọn lửa Hồng Sơn, vai Quản Hợi, Lý Quán trong vở Trần Bình Trọng

 

Năm 1973, ông Lê Hữu Phước làm Chính trị viên Đoàn văn công thay ông Vũ Trung Uyên. Sau khi rời khỏi nhà tù của địch, ông Nguyễn Thanh Thương, ông Sang… được bổ sung vào đoàn. “Gần Tết năm 1973, đoàn xuống An Nghiệp diễn kết hợp với tuyên truyền vận động bà con. Đêm đó, đoàn diễn vở Ngọn lửa Hồng Sơn. Tiếng trống vang xa; địch ở Hòn Đình nghe thấy bèn bắn pháo lên. Bà con và diễn viên vội chạy tránh pháo”, ông Huỳnh Như Ngân nhớ lại.

 

Cuối năm 1973, đầu 1974, một số văn công được cử đi học ở Khu V. Những người lớn tuổi ở lại, lứa trẻ thì có ông Ngân, ông Đàm Hữu Hân và ông Trần Văn Huynh. Không đủ lực lượng cho những đêm diễn, họ tập trung lao động sản xuất, trồng bắp, sắn - lương thực chính lúc bấy giờ. “Thời điểm đó rất khó khăn, sắn và trái sung cũng không có mà ăn, phải ăn cả trái ngái. Ba anh em tôi xuống Hòa Thắng, Hòa Quang. Đến bìa rừng, Hân chơi đàn còn tôi và Huynh thì hát, vừa vận động thanh niên thoát ly, vừa để có lương thực. Chúng tôi hát Việt Nam trên đường chúng ta đi, Đôi dép Bác Hồ, Đêm hành quân nhớ về quê mẹ, Đường về quê mẹ, Nổi lửa lên em… Đó là những lần tổ chúng tôi “đánh lẻ”. Trần Văn Huynh hát bài chòi hay lắm!”, ông Ngân mỉm cười nhớ lại.

 

Rồi có những lần, họ xuống làng mua lương thực, trên đường trở về thì bị địch phục kích. Anh em tả xung hữu đột, tìm cách thoát thân. Nhưng dù nguy hiểm đến đâu, họ cũng không bỏ lại gạo, muối - vật bất ly thân. “Nhiều lần bị phục kích, nhưng mà đạn tránh mình”, ông nói vui như vậy.

 

Ông Huỳnh Như Ngân vào vai Thi Sách (giữa) trong vở tuồng Phất cờ nương tử, đoạt huy chương bạc Hội diễn Nghệ thuật sân khấu tuồng toàn quốc năm 1985 - Ảnh tư liệu

 

Phục vụ tiếp quản Củng Sơn

 

Tháng 3/1975, khi chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, cánh thanh niên nhận nhiệm vụ lên Gia Lai, Đắk Lắk tải đạn về cho đơn vị vũ trang chủ lực. Ông Ngân kể: “Chúng tôi đi suốt ngày đêm, rất khí thế. Đợt cuối cùng, tôi cùng anh Lê Văn Trúc ở Ban Tuyên huấn và Đàm Hữu Hân được giao nhiệm vụ chốt tại một điểm trên đường 7, ngay vị trí khúc cua cạnh Nhà máy đường Vạn Phát bây giờ. Chúng tôi chốt ở đó 3 ngày thì giao liên mang lệnh của chú Phạm Hồng Quang, Trưởng Ban Tuyên huấn (sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh - PV) xuống: “Củng Sơn đã được giải phóng, lên phục vụ tiếp quản Củng Sơn”. Chúng tôi theo đường 7 đi lên, vừa đi vừa tránh bố phòng. Và chúng tôi gặp tàn quân của địch từ Pleiku tràn xuống, cả hàng ngàn tên đi trong bìa núi. Hai bên cách nhau chỉ 600-700m. Là người phụ trách tổ, tôi nói anh em không được nổ súng. Ba anh em tham gia phục vụ tiếp quản thị trấn Củng Sơn. Khi chúng tôi vào sân bay ở thị trấn, xe tăng địch vẫn còn nổ máy. Ngày hôm sau, thủ trưởng Hồng Quang yêu cầu tôi trở về Ban Tuyên huấn. Tôi được giao cho một chiếc xe Honda 67. Tôi lái xe và cầm khẩu AK; anh Ngô Đông Ký bên đội chiếu bóng ngồi ở phía sau, cầm khẩu AR-15, sẵn sàng chiến đấu. Tàn quân của địch vẫn tràn về dưới này. Một số đi trong bìa núi, một số cải trang đi dọc đường 7. Khi hai anh em tôi chặn lại, họ nói: “Xin các ông cho chúng em xuống Tuy Hòa”. Tôi trả lời: “Tuy Hòa chưa được giải phóng, các anh cứ trở về thị trấn Củng Sơn, Ủy ban quân quản sẽ tiếp nhận và giúp đỡ các anh. Con đường này đã bị bố phòng, nếu tiếp tục đi xuống, các anh sẽ chết”.

 

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng; gia đình tìm ông Ngân trong vô vọng, cứ nghĩ ông đã chết. Khi ông đến Phú Lâm tìm gia đình, họ đã rời nơi ở tạm lúc tản cư và trở về quê nhà. Ông về Hòa Mỹ, đi chưa đến làng thì nhìn thấy mẹ mình. Bà cụ cũng đang đi tìm con. Không thể nào diễn tả bằng lời những cảm xúc trào dâng khi hai mẹ con gặp nhau sau 3 năm bằn bặt tin tức. Ông Ngân nói rằng bức ảnh Mẹ con ngày gặp mặt của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long ghi lại hình ảnh người mẹ ôm chặt con trai mình, nghẹn ngào cũng giống y như hình ảnh mẹ con ông trong giây phút đó.

 

Đất nước hòa bình, ông Ngân được đào tạo, giữ cương vị phó rồi Trưởng Đoàn Tuồng Phú Khánh, sau đó được bổ nhiệm Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Phú Khánh kiêm Trưởng đoàn tuồng. Khi Phú Yên tái lập tỉnh, ông là một trong những người tham gia xây dựng Sở VH-TT Phú Yên rồi giữ cương vị phó giám đốc sở này trước khi chuyển sang Sở TT-TT. Người bạn đời của ông là diễn viên Phương Nga, thành viên Đoàn Văn công Giải Phóng Phú Yên sau ngày đất nước hòa bình, một thời gian sau bà gia nhập Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh.

 

Chiến tranh lùi xa, song ký ức về chiến tranh vẫn hằn in trong tâm trí những người từng băng qua lửa đạn như ông Huỳnh Như Ngân, vẫn hằn in trong tâm trí mẹ ông cho đến khi cụ qua đời vào năm 1997. Mẹ ông, cụ Bùi Thị Xo, được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Còn ông Huỳnh Như Ngân, người con thứ bảy của cụ, được trao nhiều huân huy chương, trong đó có Huân chương Quyết thắng hạng ba, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng… Ông gắn bó với ngành Văn hóa, ngành TT-TT, phục vụ quê hương bằng tấm lòng và nhân cách của một người chính trực, cho đến lúc nghỉ hưu.

 

Chiến tranh đã lùi xa, song những câu chuyện về chiến tranh vẫn còn đó, nhắc nhở lớp con cháu sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với quê hương đất nước.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek