Thứ Năm, 10/10/2024 19:13 CH
Cù lao Ông Hổ với những xúc động khôn nguôi
Thứ Năm, 01/02/2018 14:00 CH

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), thường được gọi thân mật là Bác Tôn, đã đi vào lịch sử với tư cách là nhà cách mạng hàng đầu Việt Nam thế kỷ XX, có nhiều công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ông cũng trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.

 

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh: T.L

Đặc biệt, đối với quê hương An Giang và cả Nam Bộ, Bác Tôn là một trong những nhân vật đương đại tiêu biểu nhất về đức độ, tài năng mà mọi người luôn tưởng nhớ, tìm hiểu, khám phá và noi gương. “Ðó là tấm gương thực hành đạo đức cần kiệm cho nước, cho dân; tấm gương khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, trung thực, chân thành, ghét thói xu nịnh, cơ hội, bè phái; tấm gương nói ít làm nhiều, luôn chí công vô tư và đặt lợi ích của Ðảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”, theo lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Hà Nội 10 năm trước.

 

Khi về với TP Long Xuyên, ai cũng mong một lần sang cù lao Ông Hổ giữa lòng sông Hậu để dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng và ngắm cảnh trời nước vườn tược trù phú xanh tươi cây trái. Ca dao Nam Bộ có câu: “Dù ai đi ngược bốn bề/ Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang”. Lần đầu tôi được về cù lao Ông Hổ là cuối năm 2000, cùng với một đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh đi thực tế sáng tác, do nhà văn Lê Văn Thảo bấy giờ là Chủ tịch hội hướng dẫn. Suốt thời niên thiếu ông gắn bó với cù lao Ông Hổ và sau này cũng thường xuyên về thăm nên nhà văn rất am tường nơi này. Đây cũng chính là quê hương văn học của ông. Phần lớn tác phẩm của tác giả Ông cá hô đều lấy bối cảnh con người và sông nước Long Xuyên. Nhà văn cũng rất tự hào về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, mà ông cũng như nhiều người thường gọi là Bác Tôn, một danh nhân sinh trưởng từ cù lao Ông Hổ.

 

Tôi đặc biệt ấn tượng với ngôi nhà thời ấu thơ của Bác Tôn, do cụ thân sinh của ông là cụ Tôn Văn Đề xây cất từ năm 1887, có cấu trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống ở nông thôn Nam Bộ. Ngôi nhà gồm 3 gian 2 chái, được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, có diện tích 156m2 (bề ngang 12m, dài 13m). Năm 1984, Bộ VH-TT đã quyết định công nhận ngôi nhà là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Ngôi nhà độc đáo này hiện nay nằm trong Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng vốn được khởi công xây dựng từ tháng 5/1997 với nhiều công trình khác nữa như cột cờ, đền thờ, nhà và khuôn viên trưng bày hiện vật… Khu lưu niệm Bác Tôn cũng đã được Thủ tướng ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012.

 

Ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ, An Giang - Ảnh: HOÀNG YÊN

 

Khu lưu niệm rộng rãi, thoáng mát, bình dị như tính cách vốn khiêm nhường, giản dị của vị lãnh tụ cách mạng lúc sinh thời. Ở đây, chúng ta sẽ được ngắm nhìn hơn 200 hiện vật, trong đó có chiếc ca nô mang tên Giải Phóng do chính Bác Tôn điều khiển đưa ông và các đồng chí của mình từ nhà tù Côn Đảo trở về đất liền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Một thời điểm lịch sử khác cũng sống lại qua hình ảnh chiếc máy bay YAK-40, ký hiệu VNA.452, đã đưa vị nguyên thủ quốc gia từ Hà Nội vào Sài Gòn chủ trì đại lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 15/5/1975. Bên cạnh là chiếc tàu Giang cảnh từng đưa ông từ bờ sông Hậu phía Long Xuyên về thăm nhà ở cù lao Ông Hổ vào tháng 10/1975. Ngoài ra còn có nhiều vật dụng giản dị sinh thời Bác Tôn đã sử dụng như: đôi giày, bộ quần áo, xe đạp, cối xay tiêu... Đặc biệt, ai cũng xúc động khi đứng trước mô hình phục dựng phòng làm việc và phòng tiếp khách vô cùng đơn sơ của Bác Tôn tại nhà riêng ở Hà Nội.

 

Nhà văn Mai Bửu Minh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật An Giang cho biết, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thường xuyên đón các đoàn khách từ khắp cả nước. Ngoài các đoàn về An Giang công tác đến tham quan thì còn có nhiều đoàn sinh viên, học sinh, cán bộ hưu trí các tỉnh thành về dâng hương, tìm hiểu rõ hơn những nét lớn của cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ. Nhà văn tâm tình: “Chúng ta xem qua các hiện vật, càng hiểu sâu sắc hơn cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn từ thời thành lập Công hội Đỏ ở Nhà máy Ba Son, hiểu thêm về lòng yêu nước của Bác Tôn ngay từ lúc Tổ quốc còn trong tay kẻ thù”.

 

Chủ tịch Tôn Đức Thắng có bí danh Thoại Sơn, Hai Thắng, sinh ngày 20/8/1888 ở cù lao Ông Hổ, nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), trong một gia đình nông dân. Ông học Trường Kỹ nghệ Viễn Đông, làm công nhân Nhà máy Ba Son ở Sài Gòn, tổ chức công nhân bãi công, bị bắt lính sang Pháp làm thợ máy cho một đơn vị hải quân, tham gia phản chiến và treo cờ đỏ trên chiến hạm ở biển Hắc Hải chống lại cuộc can thiệp của đế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết. Trở về nước, ông sáng lập Công hội Đỏ ở Nhà máy Ba Son, bị địch bắt kết án 20 năm khổ sai đày ra Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông trở về đất liền tham gia lãnh đạo hai cuộc kháng chiến trường kỳ ở Nam Bộ và cả nước.

 

Trước khi được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1969-1980), ông từng giữ nhiều trọng trách khác như: Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thanh tra đặc biệt toàn quốc, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước. Ông còn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, IV và ĐBQH từ khóa I-VI.

 

HOÀNG YÊN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek