Thứ Sáu, 11/10/2024 03:30 SA
Những nẻo đường khởi nghiệp
Thứ Bảy, 23/12/2017 14:00 CH

Anh Lê Tấn An đang kiểm tra sản phẩm tại DNTN Điêu khắc đá Tấn An - Ảnh: HÙNG PHIÊN

Rất nhiều người trẻ tại Phú Yên đang hăm hở khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Đối mặt với nhiều gian khó nhưng họ kiên trì “nghĩ khác, làm khác” và đã thành công.

 

Làm thuê cho chính mình

 

Năm nay 37 tuổi, Nguyễn Hoài Phong, Giám đốc DNTN Hùng Phong (TP Tuy Hòa) đã có trên 10 năm tìm tòi học hỏi về công nghệ thông tin. “Tốt nghiệp chuyên ngành Tin học - Trường đại học Quy Nhơn, nhiều người thân muốn em thành ông giáo. Thế nhưng, em thấy biên chế ngành Giáo dục “hẹp cửa” quá, không muốn mình phải chạy vạy xin việc. Về Tuy Hòa, em nhận công việc sửa chữa, lắp đặt máy vi tính khắp nơi để củng cố tay nghề. Rồi mấy năm nay, em quyết định lập doanh nghiệp để “làm thuê” cho chính mình. Việc sử dụng các loại máy tính đang gia tăng tại Phú Yên, nhu cầu bảo trì, sửa chữa đang rất cao. Đây là cơ hội để mình “chen chân” vươn lên. Cơ sở doanh nghiệp Hùng Phong được em thuê mặt bằng trên đường Trần Phú, khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, Tuy Hòa”, Phong chia sẻ.

 

Theo Phong, dù đã tính toán kỹ lưỡng nhưng anh vẫn hết sức “bấn loạn” trong những ngày đầu điều hành doanh nghiệp, bởi vốn ít mà phải chi hàng loạt khoản tiền từ thuê mặt bằng cho đến các thiết bị, tạo lập cơ sở doanh nghiệp. Lĩnh vực cung ứng công nghệ thông tin lúc này đã có nhiều doanh nghiệp đi trước, vì thế cạnh tranh rất gắt gao. Là “người đi sau”, Phong xác định phải chịu khó chú trọng vào khâu dịch vụ. Phong nói: “Điều quan trọng là mình phải chứng tỏ được sự kiên trì, tận tình trong các dịch vụ máy tính, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng. Dần dần tạo được sự tin tưởng, mình mở rộng hệ thống khách hàng. Hiện tại, em đang liên kết với một số đồng nghiệp để nhận dịch vụ lắp đặt, bảo trì các loại máy in, photocopy, điện thoại di động… Nói chung là phải liên tục cố gắng làm ăn uy tín để tạo dựng thương hiệu ngày một lớn mạnh”.

 

Với chàng trai Lê Tấn An (31 tuổi), việc khởi nghiệp thành công lại không liên quan gì đến… bằng cấp. Quê ở huyện Đồng Xuân, mới học hết lớp 10, anh đã bỏ ngang để vào TP Hồ Chí Minh học tại các xưởng mỹ thuật ứng dụng. An cho hay: “Em đam mê vẽ vời từ nhỏ nên cứ ước muốn phải làm một nghề gì đó liên quan đến mỹ thuật. Gia đình khó khăn, em thấy mình khó có thể học trường lớp chính quy. Thế là em quyết tâm đầu quân vào các xưởng mỹ thuật ứng dụng để vừa làm thuê, vừa học nghề. Bôn ba nhiều nơi, em thấy dù có khó khăn cách mấy cũng phải về quê tạo lập cho được một cơ sở làm ăn của riêng mình”.

 

Sau nhiều đắn đo tính toán, An chọn gắn bó với nghề điêu khắc đá. Về Tuy Hòa lập nghiệp, anh đã phải chạy đôn chạy đáo thuê, chuyển mặt bằng cho cơ sở điêu khắc đá. Nghề đá mỹ nghệ luôn cần mặt bằng rộng, gần nơi dễ quảng bá, thông thương. Mặt bằng rộng tại trung tâm thành phố thì giá “trên trời”. Cuối cùng, An chọn “định cư” tại một triền núi ở thôn Chính Nghĩa, xã An Phú (TP Tuy Hòa). Từ cơ sở sơ sài ban đầu, anh quyết định thành lập DNTN Điêu khắc Tấn An và hoạt động hơn 10 năm qua. “Lĩnh vực đá mỹ nghệ đòi hỏi phải có lực lượng nghệ nhân thạo nghề. Chính cái khó của ngành này đã kích thích em quyết tâm khẳng định mình. Vừa thu hút người có nghề, vừa tuyển dụng đào tạo, đến nay doanh nghiệp đã có trên 10 thợ lành nghề. Sản phẩm chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, công việc không lúc nào ngơi nghỉ”, An nói.

 

Tùy vào độ tinh nghề, thu nhập mỗi nhân công ở cơ sở điêu khắc đá Tấn An từ 200.000-300.000 đồng/ngày. Sản phẩm tại đây luôn rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, đáp ứng tốt nhất yêu cầu khách hàng. Từ các loại đá cảnh trang trí trong nhà, ngoài vườn, cơ sở Tấn An đang nhận thực hiện các cụm tượng, non bộ nghệ thuật với hình khối cao hàng chục mét. Gần đây, Tấn An liên tiếp thực hiện các đơn đặt hàng nhiều sản phẩm gia dụng “độc, lạ” làm từ đá nguyên khối, với độ thẩm mỹ ngày càng được yêu cầu rất cao.

 

Cơ hội từ đồng đất

 

Sống giữa đồng đất Hòa Trị (huyện Phú Hòa), anh Nguyễn Văn Nồm (SN 1970) luôn có suy nghĩ: không thể lập thân bằng nghề làm ruộng. Gia cảnh khó khăn, mới đến lớp 9, anh đã phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ làm ruộng vườn nuôi gia đình. Đến khi lập gia đình, anh lại nai lưng đi làm thuê đủ nghề để nuôi con, đắp đổi nhu cầu cuộc sống.

 

Anh Nguyễn Văn Nồm tại khu vực đóng gói meo giống nấm rơm ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa - Ảnh: HÙNG PHIÊN

 

“Làm quần quật mà kinh tế gia đình không khá lên được. Năm 1997, thấy một số người trồng nấm rơm, tôi lân la tìm hiểu và bắt tay làm. Rơm thì vùng đồng bằng Tuy Hòa này lúc nào cũng sẵn, chỉ việc mua meo về ủ cấy; kinh tế gia đình cũng dần tạm ổn. Thế nhưng, tôi thấy hết sức bất tiện, hiệu quả không cao khi quá phụ thuộc vào nguồn giống meo nấm từ các tỉnh phía Nam. Tôi nằm đêm suy nghĩ: Tại sao mình không sản xuất meo giống? Biết là khó với một người trình độ hạn chế, nhưng tôi quyết làm để đưa kinh tế gia đình đi lên và nâng chất nghề trồng nấm ở địa phương”, anh Nồm kể.

 

Nghĩ là làm, anh tạm biệt vợ con, khăn gói vào TP Hồ Chí Minh vừa làm thuê, vừa tìm hiểu học nghề tạo meo nấm rơm. Làm công mướt mồ hôi nhưng anh luôn dành tiền để mua sách kỹ thuật nông nghiệp, đêm đêm đọc, nghiền ngẫm. Rồi anh tranh thủ ghé các tiệm internet để tìm tài liệu hướng dẫn sản xuất meo nấm, sau đó mày mò sắm sửa, làm quen với những dụng cụ trong phòng thí nghiệm, các khái niệm khoa học hóa - sinh... Cứ thế, anh quan sát thực tế và mua nguyên vật liệu về thực hành, đúc rút kinh nghiệm. Không ít lần thất bại nhưng anh không nản lòng. Và rồi, anh đã nắm bắt “trọn gói” công nghệ, sản xuất thuần thục nhiều lứa meo nấm rơm với chất lượng ổn định. Đến năm 2013, anh trở lại quê nhà để gầy dựng cơ sở sản xuất meo giống, cung ứng thị trường.

 

Đến nay, anh Nồm đã đầu tư trên 300 triệu đồng để mua sắm các thiết bị, máy móc chuyên dụng cho dây chuyền sản xuất meo nấm rơm. Đồng thời, anh lao vào học hỏi kiến thức quản trị kinh doanh, quảng bá, tiếp cận khách hàng… Thương hiệu “Meo nấm rơm ông Nồm” từng bước lan tỏa. Từ chỗ chỉ cung cấp trong tỉnh, hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh thành, như: Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế…, tiếp cận được với cả các thị trường mà anh từng lăn lộn học nghề, như: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… Công suất cơ sở sản xuất hiện đạt 4.000 bịch meo nấm rơm/ngày. Với giá bán 2.500 đồng/bịch, gia đình anh đạt doanh thu bình quân 10 triệu đồng/ngày. Cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 nhân công địa phương, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Nồm đạt lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm.

 

Kỹ sư Nguyễn Anh Thư, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ, (Sở KH-CN Phú Yên) nhận xét: “Cơ sở meo nấm rơm của anh Nồm hiện rất uy tín ở Nam Trung Bộ. Điều đáng nể ở anh là không chấp nhận sản xuất đơn thuần “lấy công làm lời”, phụ thuộc nguồn giống. Mới học lớp 9, nhưng anh có chí học hỏi, tiếp cận kiến thức chuyên ngành và đã thành công một cách ngoạn mục. Không đơn giản khi sản xuất meo giống nấm rơm quy mô lớn, bởi ngoài yếu tố khoa học kỹ thuật, công việc này cần có sự đầu tư thiết bị, tổ chức nhân công bài bản. Anh Nồm thực thụ là một chuyên gia, doanh nhân “chân đất” đáng trọng ở Phú Yên”.

 

Điểm chung của những người khởi nghiệp kinh doanh hiện nay là ứng dụng tốt công nghệ thông tin. Điều này đã trợ giúp đắc lực trong việc quản lý doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, giao dịch thuận tiện với khách hàng. Xu thế thương mại điện tử ngày một khẳng định mạnh mẽ trong hoạt động doanh nghiệp tại Phú Yên. Cùng lúc đó, việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư khác biệt, kiên trì với sản phẩm chất lượng đã tạo đà thành công cho nhiều doanh nghiệp mới ra đời gần đây.

 

KTS - doanh nhân Lê Trọng Cường,

Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Phú Yên

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek